Saturday, January 11, 2025

Vay tương lai

Vay tài nguyên,nhưng không trả lại nguyên vẹn thì gọi là “ăn quỵt”, chẳng lẽ đó không phải là nỗi xấu hổ lớn nhất của bậc làm cha mẹ?

Tọa đàm nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước, quan điểm của hai học giả từ Đại học Quốc gia Hà Nội: GS-TSKH Vũ Minh Giang và GS Trần Ngọc Vương được Vietnamnet.vn tổng kết qua tít bài báo: “Gặm nhấm quá khứ không phải con đường trị quốc”. [1] 

Bài báo có đoạn: “Trí tuệ và cái tầm của giới lãnh đạo chính là điều mà nhân dân, đất nước này luôn quan tâm tìm kiếm và tha thiết mong xuất hiện. Nếu không có những yếu tố đó, mọi sự đổi mới đều bị kìm hãm, bị đánh lạc và bị chuyển sang một quỹ đạo khác”.

“Trị quốc” là nói về vai trò giới lãnh đạo, đó mới là điều kiện cần, để đất nước “sánh ngang cùng các cường quốc năm châu” điều kiện đủ là phải có sự chung sức, đồng lòng của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là tầng lớp trí thức.

Sau chiến công giữ nước trên biên giới phía Bắc năm 1979, không ít người bị ru ngủ bởi hào quang chiến thắng, không chỉ “gặm nhấm” mà là hoang phí vinh quang từ thế hệ cha ông để lại, chẳng những thế chúng ta còn đang “vay nóng” tương lai của con cháu. 

Người Việt hôm nay đang vay tương lai như thế nào?

Thông tin các báo cho thấy, chỉ trong vòng hơn 1 tuần cuối tháng 4/2016 có hơn 50 lao động đã được thuê chặt hạ “sạch sẽ” gần 110 ha rừng và đất lâm nghiệp ở xã Xuân Quang 1, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. 

Bản tin phát sóng ngày 12/12/2015 của Truyền hình Quốc hội cho biết: “Sông Ba là một trong 4 con sông lớn nhất Tây Nguyên, cung cấp nước cho hàng trăm nghìn hộ dân phía hạ nguồn. Thế nhưng, dòng sông này đang bị bức tử, không chỉ cạn khô đáy mà nơi đây còn đang chứa đầy chất thải ô nhiễm”. [2]

Những chất thải ô nhiễm từ các dòng sông, kênh rạch rồi sẽ trôi ra biển, cộng với chất thải độc hại từ các khu công nghiệp ven bờ xả ra không được kiểm soát sẽ phá hủy các rạn san hô – nơi sinh sản của sinh vật biển. Hậu quả là 50-70 năm sau, đến đời con cháu chúng ta, thiên nhiên cũng chưa tự hồi sinh được.

Báo điện tử VietnamPlus.vn ngày 13/5/2016 có bài viết: “Xử lý nghiêm các vi phạm trong chứng nhận chất lượng phân bón”. 

Bài báo khẳng định: “Những vi phạm trong quá trình chỉ định đơn vị được quyền cấp chứng chỉ hợp quy phân bón, quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao thuộc trách nhiệm của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)”.

Phân bón vô cơ “dởm” hòa vào đất chẳng khác gì trộn xi măng, nó sẽ góp phần “bê tông hóa” đất nông nghiệp.

Nếu biết rằng hơn 60% dân Việt sống bằng nghề nông, nghĩa là khoảng xấp xỉ 60 triệu người thì mới thấy những người chịu trách nhiệm quản lý đã để lại di sản gì cho tương lai. 

Gần nhất là dự án “cắt khúc sông Hồng” đã được 7 Bộ (Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công thương) thẩm định, kết quả là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt. 

Tài nguyên thiên nhiên mà tổ tiên để lại không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho con cháu mai sau.

Khai thác đến cạn kiệt nghĩa là chúng ta đang vay của con cháu, “vay của tương lai”.

Vay nhưng không trả lại nguyên vẹn, hành động ấy gọi là “ăn quỵt”, chẳng lẽ đó không phải là nỗi xấu hổ lớn nhất của bậc làm cha, làm mẹ?

Trên mọi nẻo đường Tổ quốc vẫn tìm thấy bom mìn, chất độc màu da cam trong lòng đất, những vết sẹo chiến tranh chưa liền thì lại tiếp các vết thương hòa bình, liệu rồi đây quê hương có còn là “chùm khế ngọt” cho con cháu trèo hái? 

Luật đời có vay có trả, Phật giáo đề cập đến điều này trong Luật Nhân Quả.

Theo đó, muốn biết quá khứ chúng ta đã làm gì, cứ nhìn những quả báo đang thọ lãnh, muốn biết tương lai ra sao hãy nhìn vào hành động hiện tại.

Phật cũng dạy rằng, những gì chúng ta làm hôm nay là căn nguyên cho những sự việc sẽ đến với chúng ta trong tương lai, bởi vậy gieo thành thật, bạn sẽ gặt niềm tin; gieo niềm tin, bạn sẽ gặt hạnh phúc.

Gieo dối trá, tội ác có thể hôm nay chưa nhận quả báo nhưng không có nghĩa là sẽ không bị quả báo.

Thế giới nói đến nước Việt hôm nay, người ta ít chú ý đến quá khứ mà quan tâm đến hiện tại, đến văn hóa, giáo dục, năng suất lao động, ô nhiễm môi trường, các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư…, đặc biệt là niềm tin của người dân vào các chính sách vĩ mô. 

Câu nói “Gặm nhấm quá khứ không phải con đường trị quốc” cho thấy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, những người nắm vai trò “trị quốc”.

“Vay tương lai” lại là câu chuyện của cả thế hệ người Việt hôm nay, từ người làm thuê đến chủ doanh nghiệp, từ người thực thi công vụ đến người tham gia hoạch định chính sách. 

Những người dân nghèo được thuê chặt phá rừng ở Phú Yên không phải hoàn toàn không có lỗi bởi họ đã làm công việc mà pháp luật không cho phép.

Những người dùng chất cấm trong chăn nuôi không phải là không biết hành động của họ góp phần hủy hoại sức khỏe chính đồng bào mình. 

Những người cho phép quay và phát phóng sự “Cây chổi quét rau” không phải không hiểu được tác hại của phóng sự với người trồng rau.

Họ là những người được học hành tử tế nhưng lại thiếu cái tâm đối với những người một nắng hai sương nuôi sống chính mình.

Tiếp xúc với cử tri miền Trung, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh khẳng định: “Chúng ta không bao giờ đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế thuần túy”. [3] Chủ trương là như thế nhưng thực tế không phải là không có ngoại lệ. 

Một tổng kết cho thấy gần 90% doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu so với thế giới, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu thuộc những năm 50, 60 thế kỷ trước, trong đó 75% số thiết bị đã hết khấu hao. 

Chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, trong đó chỉ có 2% sử dụng công nghệ cao.

Tỷ lệ này thua xa các nước láng giềng như Thái Lan (31%), Malaysia (51%) và Singapore (73%) [4].

Nghịch lý không chỉ ở tâm lý ăn sổi khi nhập khẩu công nghệ lạc hậu mà còn ở chỗ, chúng ta xuất khẩu lao động có tay nghề cao sang châu Phi, đưa lao động được đào tạo nghiêm túc sang Nhật Bản làm thuê dưới dạng “tu nghiệp” và nhập khẩu lao động “cơ bắp” từ nước ngoài.

Chỉ một dự án Formosa Hà Tĩnh đã có 4.120 người Trung Quốc, 1.330 người Đài Loan, 382 người nước khác. [5]

Bao nhiêu người trong số đó là chuyên gia xứng đáng được mời? 

Tiêu đề cuốn tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của nhà văn quân đội Chu Lai có nét gì đó tương đồng với cụm từ “gặm nhấm quá khứ”. 

Nó cho thấy vị thế và cách hành xử của hai lớp người khác nhau thời hiện đại, những người trở về sau cuộc chiến như người lính trong “Ăn mày dĩ vãng”, những chiến sĩ lái xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập… và một nhóm người đang “cần mẫn” thực hiện chức năng công bộc của dân.

Ngày xưa, người Việt sẵn sàng dỡ nhà lót đường cho xe ra tiền tuyến, truyền thống yêu nước,  đoàn kết chống ngoại xâm ấy là tài sản quý giá không phải dân tộc nào cũng có.

Không thể để lòng yêu nước – gốc rễ của khối đại đoàn kết toàn dân cũng bị “gặm nhấm” cùng với quá khứ bởi nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ đánh mất điểm tựa cho niềm tin vào tương lai.

Rừng vàng, biển bạc, truyền thống oanh liệt của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước là vốn quý báu, là của để dành cho các thế hệ tương lai, “gặm nhấm” của để dành nghĩa là tiêu sài quá khứ, nghĩa là “mất gốc”. 

Theo triết lý của Đạo Phật, sự yếu kém, nghèo đói trong hiện tại là chuyện nhân quả báo ứng, linh nghiệm ngay hôm nay chứ không cần chờ đến mai sau.

“Vay tương lai” chỉ là hậu quả của “gặm nhấm quá khứ”, nó đang góp phần làm mai một bản sắc dân tộc, biến thế hệ tương lai đất nước thành những người khóc thét trước thần tượng, “vô tư” bẻ cành, ngắt hoa tại công viên, đình chùa, lễ hội (hoa anh đào ở Biên Hòa)…

“Vô tư” quá sẽ dẫn đến vô cảm, vô cảm đến mức khiến Bí Thư Đinh La Thăng phải đề nghị cách chức một vị trưởng phòng cấp huyện liệu có phải chỉ diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh? 

Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 17/12/2015 có bài: “Kiên quyết xử lý xe chở quá tải trọng”, trước khi báo Đảng đề cập, hàng loạt bài viết được đăng trên các báo: Anninhthudo.vn (20/7/2015); Laodong.com.vn (28/9/2015); Kinhtenongthon.com.vn (20/11/2015); Phapluatxahoi.vn (22/11/2015);… cùng đề cập đến chuyện xe quá tải trên một con đường mang tên Ỷ Lan ở Hà Nội. Gần đây nhất là bài viết trên báo Phapluatplus.vn (13/5/2016).

Có phải báo Đảng, báo An ninh Thủ đô hay báo Pháp luật đăng bài thì đó là việc của các báo, chạy xe là việc của… tài xế, hai việc không liên quan gì với nhau, càng không liên quan đến cơ quan quản lý?

Lối sống vô cảm đã và đang trở thành động lực khiến “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa (của người Việt) chưa bao giờ ngắn như ngày nay”.

Vay tài nguyên, trả vô cảm, phải chăng đó là cách vay trả của con người văn minh, là cách hành xử theo đạo lý “con hơn cha, nhà có phúc”?

Chăm sóc cho tiền đồ dân tộc, tương lai của đất nước không thể đợi đến ngày mai, bởi vì có thể ngày mai nhiều thứ không còn nữa, nhiều thứ đã vĩnh viễn mất rồi.

RELATED ARTICLES

Tin mới