Ông Rodrigo Duterte cho biết, không chỉ coi trọng quan hệ đồng minh với Mỹ, mà sẽ ông còn bắt tay hợp tác với Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Hợp tác với Mỹ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia
Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản ngày 23/5 cho hay, ngày 22/5 Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte đã có cuộc họp báo tại thành phố Davao, đảo Mindanao.
Về vấn đề Biển Đông, ông Rodrigo Duterte tuyên bố: “Chúng tôi là đồng minh của các nước phương Tây”. Điều này cho thấy, ông Rodrigo Duterte sẽ tiếp tục phương châm ngoại giao của chính quyền Benigno Aquino – coi trọng quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.
Trước đó, do một số phát biểu và hành vi gây chú ý, có người cho rằng ông Rodrigo Duterte ngả theo Trung Quốc. Nhưng sau cuộc bầu cử Tổng thống, các phát biểu của ông Duterte ngày càng rõ ràng và thận trọng.
Theo bài báo, về vấn đề Biển Đông ông Rodrigo Duterte cho biết, không chỉ coi trọng quan hệ đồng minh với Mỹ, mà sẽ ông còn bắt tay hợp tác với Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Tổng thống Philippines đắc cử Rodrigo Duterte cho hay: “Nếu trong vài năm tới không thể thay đổi hiện trạng, sẽ thúc đẩy tham vấn song phương với Trung Quốc”.
Tuy nhiên ông lưu ý: “Địa điểm kiểm soát thực tế của Trung Quốc nằm ở bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi. Nếu như Trung Quốc xây dựng cái gì ở đó sẽ gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế của chúng tôi”.
Trong thời gian bầu cử Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã đề cập tới tầm quan trọng của đối thoại với Trung Quốc và khả năng cùng thăm dò khai thác tài nguyên Biển Đông, vì vậy có quan điểm cho rằng, ông có thể sẽ lựa chọn phương thức vận hành chính quyền xích lại gần Trung Quốc.
Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte. Nguồn ảnh: smh.com.au |
Nhưng, ngày 16/5, trong số đại sứ 3 nước đến chào, ông đã hội kiến trước với Đại sứ Nhật Bản, một động thái ngoại giao tinh tế cho thấy Manila dưới thời Duterte vẫn coi trọng quan hệ với Nhật. Ngày 18/5, ông đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong bối cảnh này, hầu như ông đang chuyển sang “con đường hiện thực”.
Ngoại giao cân bằng có lợi hơn
Tờ Tiêu điểm Trung-Mỹ Hồng Kông ngày 16/5 cho rằng, thách thức chính sách ngoại giao chủ yếu của Tổng thống đắc cử Philippines là vừa phải nâng cao quan hệ quốc phòng với Mỹ, vừa phải cải thiện quan hệ chính trị với Trung Quốc.
Ông Rodrigo Duterte cần xóa bỏ mối lo ngại của Washington, do ông đã có không ít phát biểu khó xử trong thời gian tranh cử. Washington lo ngại sau khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống, quan hệ Mỹ-Philippines sẽ đi xuống.
Do Tòa án tối cao Philippines đã xác nhận “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” Philippines-Mỹ không vi phạm Hiến pháp, do đó ông Rodrigo Duterte chắc chắn phải thực hiện thỏa thuận này. Nhưng ông lại từng tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện thỏa thuận này có phù hợp với lợi ích quốc gia của Philippines hay không.
Khả năng xa lánh Washington của ông Rodrigo Duterte gây lo lắng cho Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ. Tháng 11/2016, Mỹ cũng sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống. Đây là một nhân tố không xác định ảnh hưởng đến tình hình hiện nay và phương hướng quan hệ Mỹ-Philippines trong tương lai.
Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte. Nguồn ảnh: Straitstimes.com |
Ông Rodrigo Duterte coi trọng quan hệ đồng minh an ninh có từ lâu giữa Philippines-Mỹ, nhưng ông cũng quan tâm đến cải thiện quan hệ chính trị Philippines-Trung Quốc. Trong khi đó, trong rất nhiều phát biểu khi tranh cử, ông Rodrigo Duterte nhấn mạnh không ngại trả giá trong việc bảo vệ yêu sách của Philippines ở Biển Đông.
Ông Rodrigo Duterte nếu “nhiệt tình quá mức” trong cải thiện quan hệ với Trung Quốc thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng tiêu cực. Ngả về Trung Quốc quá mức sẽ gây tổn hại đến quan hệ đồng minh lâu dài Mỹ-Philippines.
Chính quyền Rodrigo Duterte phải kiên trì chính sách ngoại giao cân bằng, một mặt tiếp tục nâng cao hợp tác quốc phòng với Mỹ, mặt khác cải thiện quan hệ chính trị với Trung Quốc. Điều này phù hợp hơn với lợi ích quốc gia của Philippines.