Đối với những người đủ tiền để mua xe có dung tích 3.0 lít trở lên cũng chẳng ngại thuế phí, hoặc nếu có “lăn tăn” thì phí chắc cũng không cao.
Những tay chơi đủ sức với “3 chấm” thì chỉ “vẩy tay” với thuế môi trường?
Trước dự báo giá bán của xe có dung tích 3.0 lít trở lên sẽ tăng và sức mua từ đó cũng giảm theo vì phí bảo vệ môi trường được dự thảo sẽ tăng thêm, nhiều hãng ô tô lại lạc quan. Nhân viên “Ngọc Ford” của Công ty Tây Ford Sài Gòn chia sẻ:
“Đối với những khách hàng có dự định và kế hoạch tài chính để mua xe dung tích 3.0 lít trở lên chắc chắn họ không ngại các khoản phí mà nếu có cũng không đáng là bao này”.
Anh Ngọc cho rằng, giá bán của xe nếu được cộng thêm phí bảo vệ môi trường đương nhiên sẽ tăng song không nhiều.
Chia sẻ về dòng xe có dung tích xi lanh từ 3.0 lít trở lên, showroom của anh Ngọc đang bán chiếc Ford Ranger Wildtrak 3.2L, giá bán cùng các chi phí đi kèm như đăng kiểm, biển số… vào khoảng giá cao hơn 900 triệu đồng. Từ đầu năm tới nay, showroom của anh đã bán tới hàng ngàn chiếc.
“Xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM và tính năng xe khá phù hợp, đó là khả năng lội nước, dòng xe này đang thu hút khách mua khá đông. Bên cạnh đó, việc giá thuế tiêu thụ đặc biệt vào tháng 7 tới đối với các dòng xe dung tích trên 2.5 lít trở lên cũng đánh vào tâm lý người mua và thúc đẩy họ mua sớm hơn cho các kế hoạch tài chính khác”, anh Ngọc cho hay.
Theo anh Ngọc, tâm lý người khách hàng khi đã mua ô tô xe bán tải loại dung tích 3.0 lít sẽ khác với những khách hàng ở dòng khác. Những người có thể mua dòng dung tích lớn ở khoảng 6.0 lít có khi thỉnh thoảng mới mang xe ra đi dạo, sử dụng, chiếc xe đối với họ chỉ là một phương tiện để thể hiện cá tính”.
Anh Ngọc bình luận, việc đánh thuế bảo vệ môi trường theo dung tích xe là hợp lý bởi khi xi lanh của ô tô càng lớn, tiêu hao nhiên liệu tối thiểu cũng sẽ càng lớn.
Thực tế giá bán xe hơi tại Việt Nam đã thuộc vào hàng đắt nhất thế giới, tại Đông Nam Á chỉ thua xe bán tại Singapore. Tuy nhiên, ở Singapore, đất nước nhỏ và có các tiêu chuẩn cũng như ý thức bảo vệ môi trường hay tái tạo môi trường xanh tốt hơn Việt Nam, hệ thống giao thông công cộng của họ tốt hơn Việt Nam rất nhiều, do vậy, việc người dân phải mua xe giá cao là điều mà họ hài lòng.
“Còn ở Việt Nam, việc phải chịu thêm một khoản phí bảo vệ môi trường là điều người mua xe phải chịu chứ không hài lòng về nó”, anh Ngọc nói.
Nếu muốn đánh phí vào môi trường, hoàn toàn có thể sử dụng tiêu chuẩn đánh giá khí thải Euro 4- tiêu chuẩn mà nhiều nước trên thế giới hiện nay đã sử dụng. Hiện nay, Việt Nam vẫn dựa vào tiêu chuẩn đánh giá khí thải Euro 2, đây đã là một tiêu chuẩn cũ rồi. Song thực tế, nhiều xe xả khói đen vẫn xuất hiện đầy đường, các xe đó cũng không đạt tiêu chuẩn Euro 2.
Anh Cao Hiếu, đại diện bán hàng của Toyota Hà Đông cũng đồng tình với bình luận trên.
“Đối với một khoản phí bảo vệ môi trường, thông thường, nó sẽ không lớn và nếu là một con số lớn thì nó lại dành cho những tay chơi xe thực sự tức là những dòng xe có dung tích xi lanh cao và họ chẳng tiếc gì lấy một vài triệu đồng tiền phí”, anh Hiếu nói.
Tiêu chuẩn khí thải ở Việt Nam không đủ lý do cho việc tăng thêm mức phí môi trường? |
Dòng xe “3 chấm” tại Toyota là dạng xe bán tải, vốn rất rẻ và nếu được đánh thêm thuế môi trường cũng không đáng bao nhiêu tiền.
Ngoài ra, dòng xe Land Cruiser là một dòng xe hạng sang, đối với những người có tiêu chí lựa chọn các dòng xe này thì chứng tỏ họ cũng không ngại ngần chi thêm cho các khoản phí nếu nó có lên tới vài triệu hay chục triệu.
Ngoài ra, anh Hiếu tiết lộ, người có xu hướng mua xe “2 chấm” và tăng công suất lên thì cũng có các khả năng động cơ như một chiếc xe “3 chấm” thông thường. Do vậy, nhiều người “chưa sang lắm” vẫn có thể lách luật từ một chiếc xe “2 chấm” thành động cơ “3 chấm”.
Do vậy, thuế phí đối với môi trường theo anh nếu có “đáng” với một số người thì cũng có cách để họ lách qua.
Xế nổ thương cảm xế hộp
Trong khi những người mua ô tô chưa hẳn đã bàng quan về việc áp thuế bảo vệ môi trường, cánh lái xe máy cũng tỏ ra đầy thông cảm.
Anh Nguyễn Tân (trú Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) cho hay: ” Mình cũng không để ý nhiều về ô tô, song phải công nhận một điều là ô tô ở Việt Nam đã phải chịu quá nhiều thuế phí đến mức thành quen và coi là lẽ thường. Chưa biết đến bao giờ mới có một làn sóng về số lượng thuế phí áp vào xe ô tô, nhưng đối với dự thảo chưa rõ ràng này thì thêm một cái thuế nữa, chắc cũng chẳng làm người muốn mua ô tô chùn chân”.
Ông Thế Long (trú Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) lại nói: “Mấy thuế phí lèm bèm như bảo vệ môi trường vốn chẳng đáng bao nhiêu so với một con xe ‘3 chấm’, cái đánh nặng hơn như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ.. Những thuế đó mà tăng thì mới ảnh hưởng nhiều tới giá bán”.
Mua ô tô cũng chỉ để ở nhà vì đi ra đường thì nên đi xe máy. |
Song ông Long cũng cho rằng, mua ô tô chẳng dùng được bao nhiêu mà thuế phí thì đủ các số lượng hình thức.
“Tôi mà có xe ô tô, tôi cũng chẳng biết đi vào lúc nào. Đường phố thì bé người thì đông. Xe máy, ô tô cứ đi lẫn lộn đường nhau, rõ là bực mình. Xe sang mà có chắc 1 năm chỉ đi mấy lần vì đi xe máy thì mới chen chúc được. Rốt cuộc ô tô cũng chỉ là để khoe khoang mà thôi chứ cứ nói tiện lợi, an toàn, không mưa không nắng thì cần gì mua ô tô ‘3 chấm’. Đi ô tô cũng phải có văn hóa ô tô thì hẵng mua”, ông Long chia sẻ.
Anh Duy Anh (31 tuổi, Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, HN) thì nhận xét, ô tô ở những dòng xe có dung tích xi lanh 3.0 lít thì đã là ở tầm sang. Người mua xe ắt hẳn không tính toán nhiều so với những chi phí khác song có thể họ cũng không thoải mái. Đánh thuế cao phải được hưởng một cái gì đó, nhưng người mua xe ở Việt Nam chẳng được điều gì.
“Người ta vẫn dùng câu ‘cây gậy và củ cà rốt’ nhưng lại chẳng đưa cho người ta củ cà rốt nào. Cũng như mua xe, nếu ông tạo được sự công bằng và thỏa đáng đối với người mua xe thì thị trường xe không những phát triển hơn mà còn tạo được điều kiện để phát triển kinh tế Việt Nam hơn nữa”, anh Duy Anh nhấn mạnh.