Nếu Trung Quốc tiếp tục lập trường cứng rắn bất chấp kết quả phán quyết của trọng tài, liên minh Mỹ-Nhật-Úc-Ấn đối phó Trung Quốc có thể hình thành.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 25/5 cho rằng, trong thời điểm vụ kiện trọng tài Biển Đông của Philippines sắp có kết quả, Trung Quốc đẩy cuộc “tấn công dư luận” chống lại các nước Philippines, Mỹ trên quốc tế lên cao trào.
Ngày 24/5, trong cuộc họp báo sau Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Tashkent, Uzbekistan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đe dọa:
“Trong vấn đề Biển Đông, bất cứ hành động nào bưng bít sự thật cơ bản, cố tình dựa vào đồng minh để vạch giới hạn, rắp tâm thổi phồng chính trị đều không được lòng người, sẽ chỉ tự hủy hoại danh dự, cuối cũng sẽ không có kết quả”.
Tuy nhiên, không thấy ông Vương Nghị chỉ ra nước nào hay cá nhân nào đang làm những việc “xấu xa” như ông nói. Trong khi đó, có một thực tế là, Bắc Kinh luôn sử dụng cỗ máy tuyên truyền để xuyên tạc về vấn đề Biển Đông hòng đánh lừa thiên hạ, tìm mọi cách để tạo hiệu ứng “cả vú lấp miệng em”.
Cũng trong ngày 24/5, Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc dẫn lời Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) Rashid Olimov cho rằng: “Chúng tôi kiên quyết phản đối các nước ngoài khu vực can thiệp vấn đề Biển Đông, phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”.
Báo Trung Quốc tuyên truyền như vậy, nhưng chưa chắc đó đã phải là lời ông Rashid Olimov. Phải nói như vậy, vì nhiều khi Bắc Kinh tuyên truyền sai sự thật. Nếu thực sự ông Rashid Olimov nói như vậy thì rõ ràng ông đã bị Bắc Kinh “bắt cóc”.
Ông Lưu Chấn Dân-Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Nguồn ảnh: Đa Chiều |
Ngày 24/5, trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn đăng tải nội dung trình bày về vấn đề Biển Đông khi ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc gặp gỡ Đoàn đại biểu báo giới Mỹ trong ngày 19/5.
Ông Lưu Chấn Dân cao giọng đưa ra “ranh giới đỏ” do Bắc Kinh đặt ra, đó là “Mỹ không được lựa chọn đứng về bên nào”, tức là “không được ủng hộ đồng minh đối phó Trung Quốc”.
Khi nói đến vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông, Lưu Chấn Dân đã quá lời, nói vống sự thật khi coi đây “hoàn toàn là thao túng chính trị với một bên làm nhục một bên khác, sẽ trở thành vụ kiện tai tiếng trong lịch sử luật pháp quốc tế”.
Gần đây, Trung Quốc đã tìm mọi cách lôi kéo dư luận quốc tế ủng hộ yêu sách và lập trường của họ trong vấn đề Biển Đông. Đáng chú ý là họ tích cực sử dụng các Đại sứ của mình tại các nước để tuyên truyền xuyên tạc, tìm mọi cách giải thích, biện hộ cho các hành động bất hợp pháp của họ ở Biển Đông.
Chẳng hạn, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh viết bài trên tờ The Financial Times Anh; Đại sứ Trung Quốc tại Maldives Vương Phúc Khang viết bài trên tờ báo nhà nước Maldives; Đại sứ Trung Quốc tại Romania Từ Phi Hồng viết bài trên báo “Chân lý” Romania; Đại sứ Trung Quốc tại UAE Thường Hoa viết bài trên tờ Khaleej Times…
The Christian Science Monitor Mỹ cho rằng, mấy chục năm qua, cách làm bảo vệ lợi ích Đông Á của Mỹ là ký kết một loạt quan hệ song phương. Đến nay, những bạn bè này của Mỹ trực tiếp tác chiến liên hợp.
Trước hết là “quan hệ tam giác”, chẳng hạn từ năm 2015 đến nay, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ triển khai đối thoại cấp cao về an ninh trên biển. Thứ hai là “giao dịch song phương”, như Ấn Độ cho Việt Nam vay 100 triệu USD mua tàu tuần tra, Nhật Bản cho Philippines thuê máy bay trinh sát.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông. Nguồn ảnh: Internet |
Nhưng bài báo cho rằng, Trung Quốc đến nay vẫn không có dấu hiệu nhượng bộ. Trong vài tuần tới là thời điểm rất quan trọng. Nếu Trung Quốc tiếp tục lập trường chống phán quyết của PCA, “liên kết 4 nước” (Mỹ-Nhật-Úc-Ấn) đối phó Trung Quốc có thể sẽ hình thành.
Báo Trung Quốc dẫn lời Giáo sư John Rennie Short, Đại học Maryland Mỹ cho rằng, vụ kiện trọng tài quốc tế do Philippines tiến hành sẽ khiến cho Trung Quốc gặp rất nhiều “phiền phức”, sẽ ảnh hưởng lớn tới quan hệ Trung-Mỹ, kéo theo sự can dự của nhiều nước.