Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNếu để trạm thu phí như hiện nay, dân làm sao chịu...

Nếu để trạm thu phí như hiện nay, dân làm sao chịu nổi!

Trong khoảng cách chừng 100km mà có tới 3 trạm thu phí BOT khiến người dân và doanh nghiệp “méo mặt” với trạm thu phí.

Trạm thu phí BOT hầm đường bộ Phú Gia – Phước Tượng đang nhanh chóng được hoàn thiện, sắp đi vào hoạt động.

Như chúng tôi đã phản ánh, thời gian gần đây, người dân và các doanh nghiệp ở thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên – Huế) bức xúc khi nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Phước Tượng – Phú Gia BOT xây trạm thu phí (TTP) cho hai hầm Phú Gia và Phước Tượng ở phía bắc hầm Hải Vân.

Người dân bức xúc là vì hầm làm một nơi, nhưng xây trạm thu phí đặt một nẻo. Có nghĩa, hai hầm Phú Gia, Phước Tượng nằm trên tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa phận huyện Phú Lộc, cách Lăng Cô khoảng 10km về phía bắc, nhưng nhà đầu tư được “ưu ái” đặt TTP gần…hầm Hải Vân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu vẫn cho nhà đầu tư đặt TTP BOT hầm đường bộ Phú Gia – Phước Tượng như hiện tại thì trên tuyến Quốc lộ 1A từ thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) vào tới thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) khoảng chừng 100km có tới 3 trạm thu phí BOT.

Đó là TTP BOT Phú Bài (đặt tại thị xã Hương Thủy, TT-Huế), TTP BOT hầm đường bộ Phú Gia – Phước Tượng (đặt tại phía bắc hầm Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, TT-Huế) và TTP BOT đặt tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).

Đặc biệt, khoảng cách giữa TTP BOT Phú Bài và TTP BOT hầm đường bộ Phú Gia – Phước Tượng cách nhau khoảng 50km. Trong lúc đó, theo quy định thì khoảng cách giữa các TTP là 70km. 

Nếu tính đơn giản cho một xe ô tô con khi đi qua 3 trạm thu phí trên thì mỗi trạm phải bỏ ra hơn 200.000 ngàn đồng mua vé cho cả lượt đi và về (35.000 đồng/lượt). 

“Khoảng hơn 100km mà chúng tôi phải mất tiền vé thu phí chừng ấy, không ai chịu nổi. Đặc biệt, nếu chúng tôi không có nhu cầu đi qua hai hầm đường bộ Phú Gia và Phước Tượng, nhưng cũng phải mua vé ở TTP BOT đặt ở phía bắc hầm Hải Vân, điều này vô lý quá…

Đành rằng, hầm Phú Gia, Phước Tượng xây nên để giúp người dân thuận tiện đi lại, không phải vượt đèo hiểm nguy. Nhưng chúng tôi không đi qua hầm mà vẫn đóng phí. Chúng tôi đề nghị đặt lại vị trí của TTP BOT Phú Gia – Phước Tượng cho đúng chỗ”, anh Lê Khắc Vĩnh (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bức xúc nói.

Nếu sau này, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, đặt thêm trạm thu phí nữa thì người dân Lăng Cô và vùng phụ cận lại phải chịu hai lần phí. Ảnh: Hoàng Tuấn

Được biết, cách đây đúng tròn một năm, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với quy mô 4 làn xe và bổ sung vào dự án hầm đường bộ Đèo Cả, giao cho Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả thực hiện.

Nếu sau này, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, đặt thêm trạm thu phí nữa thì người dân Lăng Cô và vùng phụ cận lại phải chịu hai lần phí.

Điều đáng nói, ngày 31/7/2015, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Việt, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn CS PCCC&CNCH) có ý kiến:

“Công trình hầm đường bộ Hải Vân là công trình có tính chất cháy, nổ phức tạp, do vậy, việc bảo đảm an toàn phòng cháy cho công trình và xử lý sự cố cháy nổ cần quan tâm đặc biệt. Trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ cần phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời có hiệu quả.

Do đó, việc bố trí TTP tại khu vực trạm kiểm soát, điều hành PCCC hầm đường bộ Hải Vân (SS7) cần lựa chọn vị trí phù hợp để không ảnh hưởng đến công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố xảy ra tại công trình”.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao nhà đầu tư vẫn được “ưu ái” làm TTP ngay tại phía bắc hầm Hải Vân và hiện đang được hoàn thành một cách nhanh chóng!?.

RELATED ARTICLES

Tin mới