Friday, November 15, 2024
Trang chủĐàm luậnVì sao Bắc Kinh ve vãn Tân Tổng thống Philippines?

Vì sao Bắc Kinh ve vãn Tân Tổng thống Philippines?

Những ngày cuối tháng 5-2016, trong bối cảnh vụ kiện Philippines-Trung Quốc về Biển Đông đang dần đến hồi kết, thì lại xuất hiện những diễn biến mới trong quan hệ Trung Quốc-Philippinnes.Bắc Kinh đột ngột có những hành động ve vãn Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

 

Ngược lại, vị Tân Tổng thống cũng tỏ ra mềm mỏng, khác với thái độ trước đó khi ông ta đang tranh cử Tổng thống. Thái độ này khiến người dân Philippines cũng rất choáng váng. Bởi trước khi bước vào tranh cử Tổng thống, thị trưởng của thành phố Davao R. Duterte, một người được xem là có thái độ cứng rắn, còn hùng hồn tuyên bố sẽ cương quyết hơn với Bắc Kinh trong vụ kiện về “đường lưỡi bò”.

Thời điểm này, dư luận thế giới, nhất là các nước có liên quan, đang có tranh chấp về chủ quyền biển đảo trên biển Đông đều hết sức quan tâm theo dõi diễn biến sự kiện Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng đối với “cái lưỡi bò” vô cùng phi lý, ngạo ngược của Bắc Kinh. Trước đó, tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN diễn ra vào giữa tháng 2-2016 tại California (Mỹ) Tổng thống Philippines Benigno Aquinođã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ phán quyết của PCA. Còn Ngoại trưởng Philippinesthì khẳng định Philippines nói trắng ra rằng: “Nếu Trung Quốc không đáp ứng lời kêu gọi tập thể thì Trung Quốc đang coi mình đứng trên cả luật pháp.”Những nỗ lực của Philippines cho thấy sự vững tin vào chân lý, vàophán quyết cuối cùng của tòa . Bởi nước này đã chuẩn bị rất kỹ cho vụ kiện. Vụ kiện được coi là một biện pháp hòa bình, chứng tỏPhilippines đang thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Bỗng như tiếng sấm nổ giữa trưa hè quang mây, hôm 10-5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng chuyển giọng ve vuốt: “Chúng tôi hy vọng chính phủ mới của Philippines làm việc theo đúng hướng hiện nay với Trung Quốc, giải quyết thỏa đáng các bất đồng giữa hai nước, cũng như đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo thông qua những hành động cụ thể”. Và rồi: Trung Quốc luôn đề cao tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ với Philippines, dù mối quan hệ giữa hai nước đã phải trải qua nhiều khó khăn trong những năm gần đây.

Không phải bỗng nhiên Trung Quốc đổi giọng nhanh như thế. Trước những chứng cứ chắc chắn của Philippines, thái độ cứng rắn của cựu Tổng thống B. Aquino cho thấy nếu chấp nhận ra điều trần trước Tòa Trọng tài PCA thì nguy cơ “lấm lưng trắng bụng” là nhỡn tiền. Hơn nữa, trước thái độ của các thế lực lớn như Mỹ, Nga và dư luận thế giới, buộc Bắc Kinh không dám “húc đầu vào đá”. Mới đây, nhiều cường quốc như Mỹ, Nhật Bản khi thể hiện lập trường về vấn đề Biển Đông đều kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất COC. Nhưng có lẽ chỉ duy nhất Nga ủng hộ việc sớm hoàn tất COC “trên cơ sở đồng thuận”. Chính cái “sự đồng thuận” nan giải này mà suốt bao năm qua, COC vẫn chưa đạt được và không biết đến bao giờ mới đạt được. Vậy là Trung Quốc phải tạm xuống thang. Trước hết là nắm ngay vạt áo ông Tân Tổng thống Philippines mà ve vãn. Vậy là sách lược “bình tĩnh quan sát/lặng lẽ chờ thời/giải quyết từng việc/quyết không đi đầu” lại được vận dụng một cách đắc địa.

Qua các thông tin nửa kín nửa hở, Bắc Kinh đang tô vẽ cho cái bánh lợi ích, rằng nến Philippines chịu ngồi nói chuyện tay đôi với đàn anh thì đàn anh sẽ giúp đàn em dễ dàng tìm kiếm nhiều khoản lợi khổng lồ, trước hết là nguồn đầu tư từ quốc gia này.Thế rồi cùng lúc, truyền thông của Trung Quốc nhất loạt bày tỏ thái độ “lạc quan hơn về Duterte sau khi ông đắc cử”. Các báo đài loan tin, việc ông Duterte sẵn sàng đặt các tranh chấp lãnh thổ về phía sau có thể dẫn đến việc cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Và vị tân Tổng thống này nhất định sẽ có một chính sách thân thiện với Bắc Kinh.

“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, ông Duterte lập tức tuyên bố , Philippines sẽ theo đuổi nhiều phương pháp tiếp cận trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, sẵ sàng hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Australia. Ông cũng cân nhắc phương án đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh. Đối thoại trực tiếp là điều mà cựu Tổng thống Aquino luôn xem là sự hạ nhục, bán mình cho quỷ! Ông Duterte cũng tuyên bố rằng, ông có thể “chịu đựng” được sự có mặt của Trung Quốc trong khu vực nếu Bắc Kinh đồng ý làm một tuyến đường sắt mới cho Philippines. Thế là đã rõ, vị tân Tổng thống của nước đứng đơn kiện ra toàn PCA đã không còn giữ quan điểm thép như vị tiền nhiệm.

Thái độ quay ngoắt của vị Tân Tổng thống đã khiến người dân Philippines vô cùng thất vọng. Những ngư dân cả đời gắn đời mình với sóng gió biển khơi vẫn nóng lòng mong ngày đưa thuyền ra biển. Giờ đây niềm hy vọng về một vị tổng thống mới mạnh mẽ, cứng rắn để đối phó với sự tráo trở, ngang ngược của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp, đã lắng xuống.

Và rồi trong lúc ve vãn ông bạn láng giềng vẫn lăm lăm con dao nhọn trong tay, chờ ngày Toà trọng tài phán quyết, Bắc Kinh tiếp tục giở trò mới ở biển Đông. Một đoàn tàu cứu hộ chở theo máy bay không người lái và robot hoạt động dưới nước, đang được triển khai tại Trường Sa trong nửa cuối năm nay. Với 31 tàu và 4 trực thăng thực hiện hoạt động cứu hộ trên Biển Đông, thường xuyên phối hợp với hải quân để đe dọa an ninh hàng hải và các hoạt động đánh bắt cá trên biển của các nước Việt Nam, Philippines và một số nước lận cận. Với việc xây dựng căn cứ phi pháp cho tàu cứu hộ tại Trường Sa sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển và hỗ trợ tàu cá “khi gặp rắc rối”. Chưa rõ căn cứ phi pháp sẽ đặt tại đâu trong số các đảo Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp và xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên Washington cáo buộc Bắc Kinh chính là kẻ gây bão trê Biển Đông bằng việc cải tạo trái phép đảo nhân tạo ở Trường Sa, và đã qua rồi cái thời nước lớn ăn hiếp nước nhỏ.

Xuống thang trong vụ kiện, bắt tay với “đầu đơn” với bao nhiêu hứa hẹn tốt lành. Hãy chờ xem phán quyết của PCA và dư luận quốc tế./.

  (H.Đ)

RELATED ARTICLES

Tin mới