Thursday, November 14, 2024
Trang chủBiển nóngViệt-Mỹ sẽ cùng tuần tiễu Biển Đông, tăng cường tập trận

Việt-Mỹ sẽ cùng tuần tiễu Biển Đông, tăng cường tập trận

Trong thời gian tới Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ gia tăng hợp tác về hải quân và cảnh sát biển, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trên Biển Đông.

Việt-Mỹ gia tăng hợp tác về hải quân nói chung và cảnh sát biển nói riêng

Mỹ cung cấp tàu cho Cảnh sát biển, tăng cường hợp tác với Hải quân Việt Nam

Vừa qua, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam 18 tàu tuần duyên MetalShark và các thiết bị tuần tiễu khác để bảo đảm chủ quyền trên biển và thực thi luật hàng hải, đồng thời mở các khóa huấn luyện cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Thông cáo của Nhà Trắng về việc cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam được đưa ra sau khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Ash Carter, trong chuyến thăm hồi tháng 5/2015 từng cam kết sẽ hỗ trợ 18 triệu USD để Việt Nam mua các tàu tuần tra cỡ nhỏ của Mỹ.

Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam 18 tàu tuần tra MetalShark 45 Defiant. Đây là loại tàu vỏ nhôm đơn thân có tốc độ rất cao, được thiết kế đặc biệt cho các lực lượng thực thi pháp luật, cứu hỏa, hoa tiêu và an ninh cảng.

Metal Shark 45 Defiant là loại tàu tuần tra vỏ nhôm một thân. Con số 45 trong số hiệu là chiều dài 45 feet, tương đương 13,7 m. Trong khi đó, chiều ngang tàu là 15 feet, tương đương 4,6 m. Tốc độ tối đa của tàu đạt 40 knot, tương đương 74 km/h.

Tàu được thiết kế đặc biệt cho quân đội, lực lượng thực thi pháp luật, bảo đảm an ninh cảng, hoa tiêu, cứu hộ và nhiều nhiệm vụ khác. Tàu có thiết kế thích hợp cho tuần tra quân sự và có thể được đặc chế để thích hợp với nhiều nhiệm vụ theo yêu cầu của khách hàng.

Ngoài việc hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam, trên trang web của Nhà Trắng về quan hệ Việt-Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, lực lượng hải quân hai nước đã và đang hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn để bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực Biển Đông.

Các hoạt động này được triển khai trong khuôn khổ “Sáng kiến An ninh Hàng hải” (gọi tắt tiếng Anh là MSI) do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công bố hồi tháng trước, với có tổng ngân sách vào khoảng 425 triệu USD.

Trong đó, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phân bổ từ quỹ này khoản kinh phí 1,8 triệu USD để đánh giá, thẩm định thực trạng khả năng của lực lượng bảo đảm an ninh trên biển của Việt Nam, để vạch ra những nhu cầu trong tương lai đối với lực cảnh sát biển và lực lượng hải quân Việt Nam.

Theo truyền thông Mỹ, động lực dẫn tới sáng kiến này là quan tâm mà Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ về tình hình phức tạp trong khu vực, khi Trung Quốc đang gia tăng tối đa sức mạnh trên Biển Đông, cùng với tình hình hải tặc cướp bóc, bắt cóc con tin đang gia tăng của trong khu vực.

Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa, nhằm xây dựng các căn cứ quân sự ở đây. Đồng thời, Bắc Kinh còn đưa trái phép các vũ khí phòng không và đối hải ra các đảo ở Hoàng Sa, làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự trên Biển Đông.

Hiện Bắc Kinh còn đang triển khai một kế hoạch chế tạo tàu thuyền rất lớn nhằm gia tăng số lượng tàu chiến và các tàu chấp pháp biển có lượng giãn nước siêu lớn. Đồng thời nước này còn hoán cải các tàu hải quân loại biên thành tàu Hải cảnh và Ngư chính, nâng tổng số tàu công vụ lên con số hơn 200 chiếc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đơn phương đưa ra các lệnh cấm đánh bắt cá phi lý; thường xuyên đưa tàu và giàn khoan xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế của các nước; mở các tuyến du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam…

Trong bối cảnh đó, Thượng nghị sĩ Mỹ của bang Azirona, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ là ông John McCain đã gửi một lá thư ngỏ cho một lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, trong đó ông đề nghị Việt-Mỹ tăng cường giao lưu lực lượng hải quân.

Trên trang web của Học viện Hải quân Mỹ ngày 24/5 có bài viết cho biết, lá thư này được Thượng nghị sĩ McCain gửi đi một tuần trước chuyến thăm của Tổng thống Barak Obama đến Việt Nam và thông báo chính thức dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương.

Đồng thời ông McCain cũng cho biết Mỹ sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc tăng cường chia sẻ những thông tin hàng hải với tất cả các nước Đông Nam Á, trong khuôn khổ “Sáng kiến An ninh Hàng hải” do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khởi xướng, với sự thúc đẩy của ông McCain.

Thượng nghị sĩ McCain còn kêu gọi tăng cường hợp tác giữa lực lượng hải quân hai nước, bằng cách gia tăng các cuộc thăm viếng các cảng của nhau, mời hải quân Việt Nam tham gia các cuộc tập trận và giao lưu với các quốc gia ven Thái Bình Dương.

Trong thời gian qua Việt Nam và Mỹ đã có những hoạt động thăm viếng và giao lưu hải quân, nhưng chỉ giới hạn trong khuôn khổ các chương trình huấn luyện trên bờ và ngắn hạn trên biển.

Tàu tuần tiễu Metal Shark 45 Defiant của Mỹ dùng cho lực lượng tuần duyên

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã từng tham dự các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh nhưng chỉ trên cương vị là Quan sát viên. Theo sáng kiến mới, các hoạt động này dự kiến sẽ được đẩy mạnh và chúng ta có thể đến với các cuộc diễn tập này, với tư cách là một bên tham gia tập trận.

Bài viết của Học viện Hải quân Mỹ cho biết, nước này đã đề xuất một kế hoạch bao gồm tổ chức các đợt thao diễn quân sự song phương thường xuyên. Theo đó, một tàu hải quân Mỹ sẽ ghé thăm cảng Đà Nẵng trong hai ngày, tiếp theo là 2 ngày diễn tập ngoài biển và 3 ngày viếng thăm cảng Cam Ranh.

Kế hoạch được các giới chức Mỹ gọi là “Sáng kiến McCain” sẽ là bước kế tiếp trong việc cải thiện hợp tác giữa lực lượng hải quân Mỹ và Việt Nam. Theo dự kiến, chuyến thăm đầu tiên trong “Kế hoạch 2-2-3” có thể được thực hiện ngay trong năm nay.

Báo giới Mỹ bình luận, mặc dù các quan chức lãnh đạo quốc gia và Bộ quốc phòng Việt Nam chưa thông báo đồng ý với bản kế hoạch này, nhưng dự kiến là nó sẽ được chấp thuận, bởi đây là hoạt động nhằm tăng cường khả năng tuần tra chung trên biển, góp phần bảo đảm an ninh trên Biển Đông.

Đây là mối quan tâm chung của Mỹ và Việt Nam cũng như của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, trong thời gia tới các hoạt động thăm viếng, giao lưu; tuần tra chung và tập trận chung sẽ được tăng cường, giúp bảo đảm an ninh trong khu vực và an toàn hàng hải trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới