Các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 26/5 đã nhất trí cấn phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ về vấn đề chủ quyền trên biển ở Tây Thái Bình Dương, theo Reuters.
Tình hình khu vực biển Đông và Hoa Đông đang trở nên căng thẳng bởi tình trạng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, quốc gia đang trở nên hung hăng hơn, với Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.
Reuters cho hay, thỏa thuận giữa các lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra ở Ise-shima, Nhật Bản đã vấp phải phản ứng mạnh từ phía Bắc Kinh.
Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Seko Hiroshige nói với báo chí sau phiên họp về các vấn đề chính sách đối ngoại:
“Thủ tướng Shinzo Abe đã chủ trì cuộc thảo luận về tình hình hiện nay ở biển Đông và biển Hoa Đông. Các lãnh đạo G7 khác nói rằng nhóm cần phải đưa ra một tín hiệu rõ ràng.”
Trước đó, tại cuộc họp báo tối thứ Tư, 25/5, Thủ tướng Nhật Bản nói rằng Tokyo hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.
Đồng thời, ông Abe tái khẳng định Nhật phản đối những hành động làm thay đổi hiện trạng (trên biển) bằng vũ lực và kêu gọi (Bắc Kinh) tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế.
Những nguyên tắc trên dự kiến được đề cập trong bản tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh.
Theo Reuters, Mỹ cũng nêu mối quan ngại gia tăng về hành động của Bắc Kinh trong khu vực.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng vấn đề biển Đông “không liên quan gì” đến G7 cùng các thành viên của nhóm này.
Bà Hoa chỉ trích: “Trung Quốc phản đối các quốc gia đơn lẻ xuyên tạc tình hình biển Đông để mưu lợi riêng.”
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói tại cuộc họp báo hôm 25 với ông Shinzo Abe rằng Mỹ kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình.
Ông Obama cũng khẳng định Washington chỉ quan tâm đến vấn đề tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.