Thượng nghị sĩ Nga tin rằng Moscow phù hợp để đóng vai trò “trung gian” giải quyết mâu thuẫn ở biển Đông giữa các bên hơn là Mỹ.
Sputnik News (Nga) ngày 25/5 đưa tin, Thượng nghị sĩ Andrei Klimov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Hội đồng Liên bang Nga cho rằng, Moscow có thể trở thành “trung gian” giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong việc giải quyết mâu thuẫn trên biển Đông và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Ông Klimov nói với hãng tin TASS: “Nga có thể trở thành nhân tố ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên rất nhiều lĩnh vực, biển Đông là một trong số đó.
Các quốc gia ASEAN rất quan tâm đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Chúng tôi nhận định, Quốc hội Mỹ hay NATO không nên là các bên đứng ra giải quyết những vấn đề thế này, mà cần phải để các nước thuộc châu Á-Thái Bình Dương.”
Nghị sĩ người Nga nhấn mạnh, nước này sẽ chỉ tham gia giải quyết các mâu thuẫn trong vai trò “trung gian” khi được các bên gửi lời mời.
Ông nói: “Vấn đề này cần phải giải quyết theo cơ chế của Liên hợp quốc, dựa trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Nga đã đề cập điều này tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Nga ở Sochi vừa qua.”
Thượng nghị sĩ Andrei Klimov (Ảnh: CNN)
Mỹ và các nước phương Tây vẫn chưa có phản ứng nào đối với đề xuất của nhà lập pháp người Nga.
Đề nghị kể trên của ông Klimov cho thấy Nga bắt đầu quan tâm đến sự hiện diện của họ ở biển Đông hay Tây Thái Bình Dương, khu vực mà Washington đang chiếm vị thế chủ đạo.
Quan điểm của nghị sĩ này cũng cho thấy Moscow muốn cạnh tranh với Mỹ trong vai trò “người gìn giữ hòa bình”.
Chiến lược ngoại giao này, nếu được Điện Kremlin thông qua, có thể xem là động thái tái khẳng định vị thế và tìm lại những lợi ích trước kia Nga từng có ở khu vực biển Đông và Thái Bình Dương.
Hôm 24/5 tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố nước này “sát cánh cùng đối tác thúc đẩy các nguyên tắc cốt lõi như tự do hàng hải, tự do hàng không, các quyền lợi hợp pháp không thể bị ngăn cản và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp thông qua biện pháp pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị cấp cao tổ chức ở Sochi ngày 19-20/5 vừa qua (Ảnh: Sputnik/ Iliya Pitalev)
Trong hai ngày 26-27/5, các nhà lãnh đạo của nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang nhóm họp tại Ise-shima, Nhật Bản.
Vấn đề biển Đông, cụ thể là sự bành trướng và quân sự hóa của Bắc Kinh, là một trong những nghị trình trọng yếu.
Theo Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Seko Hiroshige, những người đứng đầu G7 đã nhất trí cần phải đưa ra một “thông điệp mạnh mẽ” đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và biển Hoa Đông.