Trung Quốc cho rằng cấm vận vũ khí không còn phù hợp và cần phải dỡ bỏ sau khi hoan nghênh động thái của Mỹ đối với Việt Nam.
“Không còn phù hợp”
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngày 26/5 cho rằng tất cả lệnh cấm vận vũ khí như kiểu của Mỹ đều là tàn tích của Chiến tranh Lạnh và cần được dỡ bỏ.
Tuyên bố chính thức của quân đội Trung Quốc được đưa ra 3 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam ngày 23/5 vừa qua.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng tháng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc: “Thực tế, Mỹ hiện vẫn áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đơn phương lên một số nước. Chúng tôi cho rằng Mỹ nên bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và chấm dứt những hành động như vậy – những hành động không còn phù hợp với thời đại”.
Tuy nhiên, người phát ngôn này từ chối bình luận trực tiếp liệu ông có đang ám chỉ đến một lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc hay không.
Mỹ đã áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Liên minh châu Âu (EU) cũng có một lệnh cấm vận tương tự.
Trước đó, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức thông báo quyết định gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 23/5 tại Bắc Kinh: “Là một nước láng giềng với Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh việc Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước khác, trong đó có Mỹ. Chúng tôi hy vọng là những quan hệ như thế sẽ đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực”.
Vũ khí Trung Quốc trong lễ duyệt binh hồi tháng 9/2015 |
Người phát ngôn này cũng nhấn mạnh những lệnh cấm vận như vậy là “sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, và sẽ không tồn tại”, đồng thời công khai rằng Trung Quốc hi vọng những lệnh cấm vận tương tự cũng sẽ được dỡ bở.
Giới phân tích cho rằng, dù không nói thẳng nhưng rõ ràng Trung Quốc đang muốn Mỹ và EU dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đang áp đặt lên nước này.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh sẽ có phản ứng tiêu cực khi Mỹ và Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục thể hiện tham vọng ở Biển Đông.
Đe dọa ngầm
Dù phát ngôn chính thức là “hoan nghênh”, song báo chí Trung Quốc lại đưa ra những cảnh báo ngầm về mối quan hệ Việt-Mỹ.
Trong một bài bình luận tối 22/5, khi Tổng thống Obama đặt chân đến Việt Nam, Tân Hoa xã viết rằng Trung Quốc “vẫn hoan nghênh việc Hà Nội cải thiện quan hệ với các nước khác, kể cả với Mỹ”.
Tuy nhiên, hãng tin này cảnh cáo ngay rằng Mỹ không được sử dụng việc cải thiện quan hệ này như là một công cụ để “đe dọa hoặc gây tổn hại các lợi ích chiến lược của một nước thứ ba”.
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng đăng đàn tuyên bố Washington và Hà Nội đã hình thành “một đồng minh gần như là quân sự để nhằm vào Trung Quốc. Giới học giả Trung Quốc cho rằng “vấn đề cấm vũ khí là một thẻ bài chống lại Trung Quốc”.
Trong tuyên bố tại Hà Nội, Tổng thống Obama khẳng định việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam không liên quan gì đến Trung Quốc, mà đó là mong muốn hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương.
Theo ông Obama, Mỹ và Việt Nam có mối quan tâm chung về vấn đề hàng hải cũng như tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.
Ông Obama cho biết Washington đã ủng hộ một giải pháp ngoại giao dựa trên “các nguyên tắc quốc tế” và “không ỷ mạnh hiếp yếu”.
Việt Nam sẽ sớm mua vũ khí Mỹ?
Trong khi đó, dư luận quốc tế tiếp tục phỏng đoán về các loại vũ khí mà Việt Nam có thể mua của Mỹ.
Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhoml (SIPRI) cho biết kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 tăng gần 700% so với 5 năm trước đó. Việt Nam đang đứng trước cơ hội đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí cũng như tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Máy bay P-3C của Mỹ |
Chuyên gia phân tích hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh thuộc Tổ chức tư vấn IHS (Mỹ) Mark Bobbi đánh giá rằng quân đội Việt Nam đang có nhu cầu mua máy bay tuần tra biển, như máy bay trinh sát săn ngầm P-3C đã qua sử dụng của tập đoàn Lockheed, cũng như các máy bay tiếp dầu trên không mới KC-46 của Boeing hoặc A330 MRT của Airbus.
Không quân Việt Nam cũng có thể có nhu cầu mua các chiến đấu cơ hiện đại như F-16 của Lockheed hay F/A-18 Super Hornet của Boeing.
Việt Nam cũng có thể quan tâm tới các mẫu trực thăng của Boeing và công ty Sikorsky (trực thuộc tập đoàn Lockheed) và các loại vũ khí dẫn đường chính xác cao của Raytheon và Boeing.
Máy bay F-16 của Đài Loan cất cánh trên đường cao tốc |
Về hải quân, chuyên gia này nhận định Việt Nam có thể quan tâm tới các tàu chiến đấu ven biển (LCS) có nhiều ưu thế khi hoạt động trên vùng biển nông như Biển Đông. Hiện quân đội Mỹ có hai phiên bản tàu LCS do hai tập đoàn Lockheed Martin và General Dynamics nghiên cứu phát triển.
Dù cho rằng giá cả là một trở ngại không nhỏ, song chuyên gia này tin tưởng rằng với nền kinh tế năng động, tốc độ tăng trưởng cao, thời gian tới Việt Nam hoàn toàn có khả năng mua sắm số lượng lớn trang thiết bị vũ khí từ Mỹ. Ông dự đoán Việt Nam có thể có các đơn hàng vũ khí đầu tiên với Mỹ trong năm 2016.