Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ tham vọng định giá nguyên liệu: Chiến lược lâu dài

TQ tham vọng định giá nguyên liệu: Chiến lược lâu dài

Những bước đi của Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho nước này trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.

Chiêu thức ép giá của Trung Quốc

Trung Quốc đang tham vọng trở thành trung tâm định giá các loại hàng hóa, trước hết là đối với thị trường nguyên liệu thô toàn cầu và coi đây là mục tiêu trọng tâm đối với Bắc Kinh trong năm nay. Dự kiến, Trung Quốc sẽ áp dụng trước hết đối với dầu thô, quặng sắt và cao su tự nhiên.

Bình luận về tham vọng của Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của các mặt hàng nói trên (quặng sắt, cao su tự nhiên, dầu thô), do đó họ có thể ép giá người bán. Nếu họ không mua thì người bán có thể không bán được một lượng hàng lớn. Đó chính là thế mạnh của Trung Quốc.

“Trung Quốc là nước có thương mại phát triển và thương nhân Trung Quốc rất giỏi  mặc cả. Nếu Trung Quốc là người bán, chiếm thị phần lớn thì họ có thể áp đặt giá bán cho cả thế giới, ngược lại, nếu họ là người mua có thể áp đặt giá bán cho tất cả người bán. Chính vì giỏi nghề thương mại nên thương nhân Trung Quốc có thể làm điều khác với thương nhân Việt Nam.

Thương nhân Việt Nam dù có hàng nhiều nhất nhưng không áp được giá vì không có nghề, tự cạnh tranh, làm hại nhau, đua nhau hạ giá. Đó là lý do khiến điều, hồ tiêu là những nông sản Việt Nam bán vào loại nhiều nhất thế giới nhưng không áp được giá bán các mặt hàng này. Tương tự, với gạo Việt Nam, có thời kỳ nở rộ hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp xuất khẩu gạo dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, tất cả thi nhau bán gạo giá thấp ra thế giới khiến Nhà nước phải đặt ra các đầu mối xuất gạo.

Với Trung Quốc, việc muốn trở thành trung tâm định giá các loại hàng hóa trên thế giới là một “miếng võ” và họ làm được điều đó bởi Chính phủ có ý đồ, thương nhân được tổ chức và đồng tình làm chuyện đó. Dĩ nhiên Trung Quốc làm được hay không phụ thuộc vào người bán. Những người bán lớn, các nước phát triển, chẳng hạn như Úc có thể đàm phán ngang ngửa về việc bán quặng sắt cho Trung Quốc nhưng bây giờ Trung Quốc chuyển sang mua quặng của châu Phi thì các nước châu Phi đói nghèo rất dễ bị Trung Quốc ép giá. Tương tự, với mặt hàng dầu thô, Trung Quốc sẽ chọn nước nào dễ ép nhất. Trong khi đó họ sẽ dùng nhiều thủ đoạn để phong tỏa không cho khách hàng khác đến mua. Nhà nước Trung Quốc lại hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp về thủ đoạn chính trị.

Tóm lại, Trung Quốc đủ chiêu trò để thực hiện tham vọng thành trung tâm định giá các loại hàng hóa trên thế giới và họ cũng đã làm được. Tất nhiên không phải là với tất cả các mặt hàng vì nó còn phụ thuộc vào người bán và người bán ở đây phải là người giỏi kinh doanh và có lượng hàng lớn, có kinh nghiệm để bóc mẽ các thủ đoạn của Trung Quốc. Còn đa phần với các nước đang phát triển, các nước nghèo, Trung Quốc chỉ cần viện trợ một số tiền nhất định rồi họ muốn làm gì thì làm”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cũng lưu ý, danh xưng “trung tâm định giá hàng hóa toàn cầu” thực chất là do các nước phong cho Trung Quốc, còn Trung Quốc không dại gì nhận danh xưng ấy để cả thế giới quay vào đấu với họ. Chỉ cần áp giá mua thì Trung Quốc trở thành người định giá. 

Trước băn khoăn, liệu các nhà đầu tư có chấp nhận Trung Quốc trở thành trung tâm định giá hàng hóa trên toàn cầu khi việc thực hiện giao dịch tiền tệ có thể phải sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chứ không phải đồng USD hay đồng tiền thông dụng nào khác?, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, việc giao dịch bằng đồng nhân dân tệ không phải ở chỗ nắm quyền định giá mà ở chỗ giao thương lớn hay nhỏ.

Chẳng hạn, giao thương giữa Việt Nam-Trung Quốc khoảng 40-50 tỷ USD, Trung Quốc có thể ép Việt Nam thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Trung Quốc sử dụng sức mạnh về kinh tế của mình chứ không phải nắm quyền định giá thì bắt ép.

“Trung Quốc muốn làm việc đó và họ có thể làm bằng cách: trong việc định giá Trung Quốc sẽ kết hợp với định tỷ giá có hời, lúc ấy người mua/người bán không bắt buộc nhưng cũng sẽ chọn thanh toán bằng nhân dân tệ vì họ được lời một chút so với việc thanh toán bằng USD hay ngoại tệ khác. Trung  Quốc không dại gì dùng những áp đặt hành chính, mệnh lệnh mà dùng biện pháp kinh tế.

Tuy nhiên, người mua/người bán có thể sẽ thiệt khi chấp nhận thanh toán bằng nhân dân tệ vì lúc họ bán nhân dân tệ ra Trung Quốc sẽ lại nâng giá lên, như vậy tổng lại Trung Quốc vẫn được lợi”, vị chuyên gia chỉ rõ.

Cách thức này đã được thương nhân nhỏ lẻ Trung Quốc áp dụng khi sang mua hàng tại Việt Nam.

Họ đặt hàng mua với bất cứ giá nào nên người dân Việt cứ bán hàng cho thương nhân Trung Quốc, đầu tư sản xuất ào ạt, đến lúc ấy phía Trung Quốc hạ giá và dù giá rẻ đến mức nào thì người dân vẫn cứ phải bản, thương nhân Trung Quốc được lời

“Tương tự, khi thành trung tâm định giá hàng hóa toàn cầu, giai đoạn đầu Trung Quốc sẵn sàng nâng giá nguyên liệu thô lên cao một chút để khách hàng bán cho họ, đến khi bán xong và Trung Quốc tạo được mối quan hệ khách hàng bền vững, chặt đứt được các khách hàng khác để họ không bước được vào thị trường đó nữa, lúc ấy Trung Quốc sẽ độc quyền, muốn nâng, hạ bao nhiêu là tùy họ”, ông Nam nhấn mạnh.

Ai sẽ chấp nhận?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam lưu ý rằng, để trở thành một trung tâm định giá hàng hóa toàn cầu, Trung Quốc sẽ không chỉ dùng động tác nhỏ nói trên mà đây là cả một chủ trương, kèm theo đó là một loạt biện pháp, cả ngắn hạn và dài hạn.

“Trung Quốc là  một khách hàng lớn và họ có nền thương mại lâu đời, thương nhân Trung Quốc có mặt ở khắp nơi trên thế giới, họ liên kết với nhau để hành động nên rất khó chống”, ông Nam nói.

Điểm lại khoảng thời gian từ cuối năm ngoái đến năm nay, Trung Quốc liên tục có các động thái nhằm gia tăng ảnh hưởng trên thị trường toàn cầu, từ kế hoạch khởi động chuẩn giá dầu riêng dùng đồng nhân dân tệ đến việc thiết lập chuẩn giá vàng riêng và bây giờ là tham vọng trở thành trung tâm định giá đối với các loại hàng hóa, mà trước hết thị trường nguyên liệu thô toàn cầu, vị chuyên gia khẳng định, đây là một chiến lược của Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc hiện đã đứng thứ 2 thế giới và theo dự đoán của nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế quốc tế, đến năm 2030 Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Trung Quốc muốn trở thành một nền kinh tế chi phối rất nhiều hoạt động thương mại và kinh tế toàn cầu, nhưng để làm được như vậy, đồng tiền của Trung Quốc phải ổn định.

“Vừa qua Trung Quốc đã quy định bản vị vàng của nhân dân tệ trong bối cảnh một thời gian dài trước đó thị trường tiền tệ biến động mạnh, tỷ giá USD và các đồng ngoại tệ khác lên xuống thất thường, do phụ thuộc vào động thái từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), giá dầu thô và các nguyên liệu cơ bản khác… Trung Quốc muốn khẳng định được vị trí kinh tế của mình thì phải xây dựng đồng  tiền ổn định, do đó họ quyết định thiết lập bản vị vàng của đồgg nhân dân tệ. Làm như vậy trước mắt Trung Quốc có thể phải chịu thiệt một chút, nhưng 5-10 năm sau khi nước này giữ được bản vị ấy, người ta bắt đầu tin vào đồng nhân dân tệ sẽ ổn định và chuyển từ mua bán bằng đồng USD hay ngoại tệ khác sang đồng nhân dân tệ. Đó là một chiến lược lâu dài.

Đây chính là sự chuẩn bị cho việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, chứ không chỉ cho 5-7 năm trước mắt. Trung Quốc làm rất bài bản, lãnh đạo Trung Quốc là những người có tầm nhìn xa, có sách lược, chiến lược rõ ràng. Do đó, tất cả các động thái trên nhằm khiến các nước cảm thấy giá mà Trung Quốc đưa ra là hợp lý và sẽ đi theo”, ông Nam cho biết.

Dù vậy, vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, đó là chủ trương của Trung Quốc nhưng thực hiện không dễ dàng. Thứ nhất, các nước khác có để cho Trung Quốc làm như vậy không? Các nước khác biết rõ thủ đoạn của Trung Quốc nên họ sẽ đối phó, đặc biệt là ở giai đoạn đầu khi đồng nhân dân tệ chưa  đủ mạnh, còn các đồng tiền khác mạnh. Họ sẽ sử dụng các thủ thuật về tiền tệ, tỷ giá, thanh toán… không để cho nhân dân tệ soán ngôi đồng USD.

Ngay như G7 sẽ không chấp nhận điều này, ông Nam khẳng định. Tuy nhiên, liệu khối này có thống nhất để đối phó lại hay không lại là chuyện khác vì trong G7 có những quốc gia vì lợi ích riêng đã ngấm ngầm thỏa thuận với Trung Quốc. Ví dụ, trong những năm qua, Anh, Đức… đã tranh thủ ký với Trung Quốc nhiều hiệp định nhằm thu hút đầu tư của Trung Quốc. Chỉ còn Mỹ, Nhật, nhưng nếu có lợi về kinh tế thì các nước vẫn sẽ làm.

Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc có ổn định, phát triển bền vững không? Việc kinh tế phát triển bền vững không phải muốn là được mà luôn theo quy luật. Trung Quốc là một trường hợp hiếm khi có gần 30 năm phát triển đi lên và thời điểm này đang là giai đoạn kinh tế Trung Quốc đi xuống. Liệu lãnh đạo Trung Quốc có đủ tài xử lý tình huống này không?

“Trở ngại cho tham vọng của Trung Quốc chính là bản thân nước này có những chính sách đúng đắn để kinh tế tiếp tục phát triển không; các nước lớn có chịu để yên cho Trung Quốc thực hiện kế hoạch đó không. Còn đối với các nước nhỏ, chỉ cần nhận biết tham vọng của Trung Quốc để có đối sách linh hoạt, làm sao không bị thiệt hại, thậm chí còn kiếm lợi được là ổn”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới