Bắc Kinh có thể không thích hành động hướng tới bình thường hóa đầy đủ quan hệ Việt – Mỹ, nhưng Bắc Kinh nên biết rằng đây là xu thế không thể tránh khỏi.
Xã luận tờ The Nation, Thái Lan ngày 29/5 kêu gọi Trung Quốc từ bỏ tư duy bành trướng của họ và nên theo đuổi các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn khủng hoảng leo thang trên Biển Đông.
Trung Quốc đã hành xử một cách phiêu lưu trên Biển Đông trong một thời gian dài nhằm nỗ lực khẳng định yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của họ trên Biển Đông, tranh chấp chủ quyền và hàng hải với các nước thành viên ASEAN.
Hành vi của Trung Quốc rõ ràng không lành mạnh, không phù hợp với bầu không khí hòa bình và ổn định trong khu vực. Tranh chấp leo thang đã buộc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) và Tòa sắp có phán quyết.
Người ta hy vọng rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận phán quyết của Tòa và hợp tác với Philippines và các bên yêu sách khác tìm kiếm một giải pháp các bên có thể chấp nhận được.
Nhưng không ai dám chắc về khả năng này, vì Trung Quốc vẫn từ chối thẩm quyền của PCA, mặc dù Bắc Kinh đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), và PCA đã thành lập Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán để thụ lý vụ kiện theo quy định của Phụ lục VII, UNCLOS.
Trong khi đó vài năm qua, Trung Quốc đã nạo vét, bồi đắp đảo nhân tạo khổng lồ trên các bãi cạn, rặng san hô mà nước này chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Các căn cứ và đường băng quân sự đã được xây dựng.
Các ngư dân trong khu vực đánh bắt ở Biển Đông thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm từ các tàu tuần tra Trung Quốc. Chỉ trong tuần qua, một chiến đấu cơ Trung Quốc đã tạt đầu nguy hiểm trước một máy bay giám sát của Mỹ.
Bắc Kinh có thể không thích một thực tế rằng, một số quốc gia Đông Nam Á đang tiến gần hơn với Mỹ về hợp tác quân sự. Nhưng Trung Quốc nên biết rằng, chính hành động của họ đã dẫn đến sự đổi thay này.
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc xem động thái Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là “nhằm vào Trung Quốc”. Bắc Kinh có thể không thích hành động hướng tới bình thường hóa đầy đủ quan hệ Việt – Mỹ, nhưng Bắc Kinh nên biết rằng đây là xu thế không thể tránh khỏi.
Thay vì cố gắng viết lại quy tắc, có lẽ Bắc Kinh nên làm việc cùng với Washington để duy trì luật lệ và quy chuẩn quốc tế trong khu vực. Trung Quốc rất thích tuyên truyền về “thế kỷ bị sỉ nhục” bởi thực dân đế quốc và sử dụng công cụ này để củng cố sức mạnh quốc gia, dân tộc mình.
Nhưng thế giới đã phát triển và chẳng có ai “xấu hổ vì làm việc với Mỹ” để bảo vệ một trong những tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế chạy qua Biển Đông. Hai nước có thể tìm thấy đồng thuận nhiều hơn trong việc khám phá và xây dựng quy chuẩn cho tuyến hàng hải này.
Tuy nhiên vẫn còn phải chờ xem Bắc Kinh có đủ can đảm để bước qua nỗi sợ hãi do tâm lý “thế kỷ bị sỉ nhục” tạo ra hay không.