Tuyên bố sử dụng sức mạnh quân sự để gây sức ép với Trung Quốc của ông Trump có thể sẽ không thể thực hiện được nếu ông trở thành tổng thống Mỹ.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Huffington Post
Từ khi bắt đầu ra tranh cử tổng thống Mỹ, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã có những tuyên bố rất cứng rắn đối với Trung Quốc. Tỷ phú bất động sản này cáo buộc Trung Quốc “thao túng đồng tiền”, đồng thời tuyên bố sẽ “thay đổi luật sở hữu trí tuệ và ngăn chặn các hành vi bất công, phi pháp của công ty Trung Quốc” ở thị trường Mỹ, theo Forbes.
Về đối ngoại, tỷ phú New York cũng có những lời lẽ công kích các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo ông Trump, để có thể dồn ép, buộc Trung Quốc phải trả giá cho những hành động phiêu lưu trên biển, Mỹ phải “tăng cường sức mạnh quân sự và triển khai sức mạnh đó một cách thích hợp đến Biển Đông và Hoa Đông”.
Ông Trump cho rằng những hành động này sẽ “ngăn cản chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của Mỹ ở châu Á”, nhấn mạnh rằng “sự hiện diện quân sự mạnh sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho Trung Quốc và các nước châu Á cũng như toàn thế giới rằng Mỹ đã trở lại với vai trò lãnh đạo toàn cầu”.
Tim Daiss, chuyên gia phân tích địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương, nhận định rằng dù có những tuyên bố đao to búa lớn như vậy, giải pháp mà ông Trump đưa ra – nếu có thể gọi đó là giải pháp – sẽ không hề dễ dàng trong việc răn đe và ngăn chặn các hành động của Trung Quốc trên những vùng biển tranh chấp tại châu Á.
Sức mạnh kiềm tỏa Trung Quốc của Mỹ
Theo giới phân tích, Mỹ hiện sở hữu sức mạnh quân sự vượt trội so với bất cứ đối thủ nào trên toàn cầu. Tại châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ có hàng loạt căn cứ quân sự ở Hàn Quốc, Nhật Bản, và sắp tới đây là ở Philippines, tất cả đều nằm xung quanh Trung Quốc.
Sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ tại các căn cứ ở Philippines, gần với những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, sẽ là quân bài quan trọng trong tay bất cứ tân tổng thổng nào của nước Mỹ nếu người này muốn “chơi rắn” với Trung Quốc, theo Daiss.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam, tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Hà Nội và thúc đẩy quan hệ hai nước trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế tới hợp tác quân sự.
Theo giới quan sát, một Việt Nam hùng mạnh với năng lực phòng thủ tốt, giữ vững chủ quyền biển đảo sẽ là điều kiện thuận lợi để Mỹ có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng nếu quan hệ hai nước tiếp tục được tăng cường, và hải quân Mỹ được phép tiếp cận với cảng Cam Ranh của Việt Nam, đây sẽ là cơ hội rất thuận lợi cho hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.
“Nếu Mỹ có thể thường xuyên được tiếp cận với vịnh Cam Ranh, đó sẽ là lợi thế rất lớn trong việc duy trì cán cân quyền lực với Trung Quốc”, giáo sư Alexander Vuving, chuyên gia về Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Honolulu, nói. “Nếu không có lợi thế này, khi xảy ra chuyện ở Biển Đông, Mỹ sẽ phải mất một thời gian mới đến được đó, trong khi Trung Quốc có thể triển khai nhanh hơn”.
Xa hơn, Mỹ có căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, nơi các phi đội B-52 của Mỹ thường được triển khai để thực hiện những chuyến bay thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Hoa Đông và cả Biển Đông.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, dù không còn nhiều tàu chiến như trước, nhưng cũng là công cụ đủ mạnh để có thể thực hiện bất cứ chính sách mới nào của tân tổng thống Mỹ ở Biển Đông. Hạm đội 7 đóng quân ở Nhật Bản có 60-70 tàu chiến cùng 200-300 máy bay có thể được triển khai bất cứ lúc nào.
Cụm tàu sân bay chiến đấu USS Ronald Reagan của Mỹ. Ảnh: US Navy |
Nhưng ông Daiss cho rằng nếu ông Trump trở thành tổng thống Mỹ, nắm trong tay lực lượng quân sự hùng hậu như vậy, việc dồn binh lính, khí tài đến Biển Đông không phải là cách để có thể ngăn chặn được các hoạt động bồi đắp, cải tạo, quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lựa chọn hạn chế ở Biển Đông
Theo chuyên gia Daiss, về lý thuyết, khả năng đầu tiên mà ông Trump có thể làm để hiện thực hóa lời đe dọa của mình đối với Trung Quốc, là công khai đối đầu với lực lượng quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông. Thế nhưng, kịch bản này sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho cả hai bên, nên lựa chọn này nhiều khả năng sẽ không bao giờ được áp dụng.
Ở cấp độ nhẹ hơn, Mỹ có thể thực hiện một hình thức phong tỏa đường biển nào đó đối với Trung Quốc, bằng cách dàn tàu chiến của mình chặn hết các tuyến đường biển quan trọng mà hải quân Trung Quốc cần để hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề là việc phong tỏa đường biển cũng bị coi là một hành động gây chiến, và xung đột chắc chắn không thể tránh khỏi.
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy từng áp dụng chính sách phong tỏa đối với tàu chiến Liên Xô trên đường đến Cuba trong cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, và một cuộc đối đầu quân sự toàn diện rất may đã được ngăn chặn ngay sau đó. Nếu ông Trump thực hiện chính sách này với Trung Quốc, nó rất có thể là con dao hai lưỡi khiến ông bị dư luận trong nước và quốc tế chỉ trích nặng nề.
Lựa chọn khả dĩ nhất mà ông Trump có thể thực hiện trên cương vị tổng thống Mỹ là tiếp tục chỉ trích Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế, tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc bằng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của máy bay, tàu chiến gần đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
Thế nhưng lựa chọn khả thi nhất này cũng là thứ yếu nhất. Sau khi máy bay, tàu chiến Mỹ đi qua các đảo nhân tạo phi pháp, Trung Quốc vẫn sẽ không từ bỏ các tuyên bố chủ quyền phi lý của mình, trong khi Mỹ không đạt được nhiều giá trị chiến lược hữu hình.
Lựa chọn thứ tư của tân tổng thống Mỹ, theo ông Daiss, là quay sang ủng hộ các đồng minh và đối tác trong khu vực thực hiện các dự án bồi đắp, cải tạo đảo giống như những gì Trung Quốc đã và đang làm trên Biển Đông.
Hành động này sẽ là thách thức đáng kể đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng đồng thời nó cũng là động thái “vi phạm luật quốc tế” mà Mỹ đang cáo buộc Trung Quốc thực hiện.
Trung Quốc bồi lấp, xây dựng trái phép 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: US Navy |
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang trong giai đoạn căng thẳng, những gì tân tổng thống sẽ làm trong năm tới mới chỉ là phỏng đoán. Các ứng viên khi tranh cử thường đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, nhưng khi đắc cử, hiếm khi những tuyên bố đó được hiện thực hóa thành chính sách. Trong khi đó, các hoạt động xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông trên thực tế đang tạo điều kiện cho Bắc Kinh kiểm soát một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.
“Việc đánh mất quyền tự do hàng hải hoặc quyền này ngày càng bị đe dọa trên tuyến đường biển có hơn 5 nghìn tỷ USD thương mại đi qua mỗi năm là điều mà không tổng thống Mỹ nào có thể chấp nhận được”, chuyên gia Daiss nhấn mạnh.