Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngHai học giả Mỹ bác bỏ đanh thép ngụy biện của Đại...

Hai học giả Mỹ bác bỏ đanh thép ngụy biện của Đại sứ TQ về Biển Đông

Trung Quốc sẽ không bao giờ giành được sự tôn trọng của các quốc gia thực sự chịu trách nhiệm, có trách nhiệm trong tìm kiếm và bảo vệ hòa bình, thịnh vượng.

Hai học giả James Kraska và Raul Pedrozo từ Trung tâm Nghiên cứu Luật quốc tế Stockton thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ ngày 31/5 có bài phân tích trên The Straits Times. Hai nhà nghiên cứu bác bỏ hoàn toàn các lập luận ngụy biện về Biển Đông của Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Xu Bu cũng đăng trên The Straits Times ngày 19/5.

Đại sứ Xu Bu cáo buộc Hoa Kỳ đứng sau những căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Tuy nhiên lập luận của ông Xu Bu dựa trên những giả định sai lầm, đánh tráo bản chất các sự kiện cũng như các khái niệm pháp lý.

Chính hành động phiêu lưu có ý thức, có chủ đích của Bắc Kinh làm căng thẳng leo thang

Xu Bu cho rằng, bắt đầu từ khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia cốt lõi ở Biển Đông, khu vực này đã phát triển thành điểm nóng đáng lo ngại. Chuyến công du châu Á của bà Hillary Clinton năm 2009 đã khuyến khích các quốc gia trong khu vực thay đổi chính sách, đối đầu với Trung Quốc.

Hai học giả Mỹ khẳng định: Những vấn đề căng thẳng trên Biển Đông được tạo ra bởi các quyết định có ý thức của Bắc Kinh, khăng khăng sử dụng sức mạnh và cưỡng chế nhằm thúc đẩy yêu sách bành trướng trái pháp luật của họ.

Đó là những hành vi nguy hiểm đáng báo động với các nước láng giềng.

Philippines và Việt Nam làm rõ yêu sách của mình ở Biển Đông không phải vì chuyến thăm của bà Hillary Clinton, mà bởi tuân thủ luật pháp quốc tế, một hành động mà chính Trung Quốc cũng nên xem xét, thực hiện.

Các hành vi sử dụng sức mạnh cưỡng chế bất hợp pháp của Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng trên Biển Đông được hai học giả liệt kê: Trung Quốc cắt cáp và đe dọa, uy hiếp tàu khảo sát địa chấn chung giữa Philippines và Việt Nam giai đoạn 2011-2012;

Ngăn chặn ngư dân Việt Nam, Philippines đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của mình trên Biển Đông và đâm chìm tàu cá của họ, bắt bớ đánh đập họ, nhất là giai đoạn 2014-2016;

Chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012 và bãi Hải Sâm – một rặng san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) năm 2015;

Tập trận quân sự bất hợp pháp trên bãi cạn James nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia trong năm 2013-2014; Can thiệp ngăn chặn việc tiếp tế của Philippines cho lực lượng đồn trú ở bãi Cỏ Mây năm 2014;

Kéo giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2014-2016;

Bồi đắp đảo nhân tạo và thiết lập căn cứ quân sự, lắp đặt ra đa, xây dựng sân bay quân sự ở Trường Sa 2013-2016; Kéo tên lửa phòng không HQ-9, tên lửa chống hạm YJ-63, chiến đấu cơ J-11 và JH-7 ra Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) trong năm 2016.

Trung Quốc còn có nhiều hành động khác nhằm phá vỡ hiện trạng, mặc dù đã ký Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông (DOC) với ASEAN năm 2002, cam kết giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp tranh chấp.

Trong khi các bên yêu sách khác chỉ cải tạo, củng cố địa bàn đóng quân trên các thực thể thì Trung Quốc bồi lấp biến các rặng san hô, bãi cạn thành đảo nhân tạo với quy mô, tốc độ chưa từng có cùng với sự hung hăng thực hiện yêu sách đường 9 đoạn ngông cuồng.

Tính từ tháng 12/2013 đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 1295 héc ta diện tích đảo nhân tạo chỉ trong 2 năm, cao gấp 17 lần diện tích khai hoang của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan trong vòng 40 năm qua cộng lại.

Xu Bu cũng cáo buộc Mỹ khuyến khích Philippines từ bỏ đàm phán song phương với Trung Quốc để đưa vấn đề ra Tòa Trọng tài Thường trực.

Tuy nhiên, việc Philippines khởi kiện không phải do Hoa Kỳ tác động, mà bởi vì họ quá thất vọng, tuyệt vọng sau hơn 20 năm theo đuổi đàm phán với Trung Quốc mà không có kết quả gì.

Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam

Xu Bu lập luận rằng, đệ trình của Việt Nam lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc năm 2009, trong đó Việt Nam khẳng định yêu sách thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông và tái khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa, trường Sa là “có liên quan đến chuyến thăm của bà Hillary Clinton”.

Hai học giả Mỹ bác bỏ lập luận này: Trong thực tế, Việt Nam gửi báo cáo của mình vào tháng 6, tháng 7 để đáp ứng thời hạn của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc.

Yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa dựa trên các căn cứ lịch sử và pháp lý. Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền và quản lý hiệu quả trong hòa bình, liên tục với quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ 18 đến năm 1974, khi Trung Quốc tấn công xâm lược đẫm máu và chiếm mất quần đảo này, vi phạm nghiêm trọng Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc, hai học giả Mỹ nhận định.

Tương tự như vậy, theo James Kraska và Raul Pedrozo, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa có thể truy nguồn từ việc Pháp sáp nhập 2 quần đảo này một cách hòa bình khi còn là đất vô chủ năm 1930.

Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) chiếm đóng Ba Bình năm 1956 là bất hợp pháp. Còn Trung Quốc đã cất quân xâm lược Gạc Ma và 5 thực thể khác ở Trường Sa năm 1988 gây ra cuộc chiến đẫm máu, vi phạm Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc. 

Hành động xâm lược của Trung Quốc không giúp nước này xác lập chủ quyền hợp pháp đối với một số thực thể ở quần đảo Trường Sa (và cả Hoàng Sa).

Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

Đại sứ Xu Bu cho rằng Mỹ tạo ra đe dọa cho tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông mà ông Bu cho là chưa từng xảy ra.

Tuy nhiên kể từ năm 2001, các tàu và máy bay Trung Quốc đã có vô số những hoạt động thách thức, ngăn chặn nguy hiểm máy bay trinh sát Mỹ, như sự cố với các máy bay EP-3 năm 2001, sự cố P-8 năm 2014, sự cố EP-3 năm 2016.

Tàu chiến Mỹ bị Trung Quốc quấy rối trên Biển Đông có thể kể ra như các tàu sân bay USS John S. McCain năm 2009, tàu Cowpens năm 2013, tàu Chanellorsville năm 2016, các tàu khảo sát quân sự như USNS Bowditch 2001/2008, Sumner 2002, Impeccable năm 2009/2013, Victorious năm 2009.

Trung Quốc cũng đã có những động thái khiêu khích chống lại tàu chiến Ấn Độ INS Airavat năm 2011, Shivalik năm 2012, chống máy bay và tàu chiến Australia đi lại tự do ở Biển Đông năm 2015, 2016.

Thật trớ trêu khi Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò chiếm gần hết vùng đặc quyền kinh tế các nước láng giềng trên Biển Đông. Hải quân Trung Quốc ngang nhiên hoạt động bất hợp pháp trong các vùng đặc quyền kinh tế láng giềng ở Biển Đông, do thám vùng đặc quyền kinh tế Mỹ ở Hawaii và Guam.

Đại sứ Xu Bu cáo buộc những mối quan hệ giữa Mỹ với đồng minh khu vực như Australia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan là “quân sự hóa” khu vực, trong khi hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông và khu vực về cơ bản không thay đổi suốt 20 năm qua.

Trong 5 năm qua, Mỹ mới chuyển giao được cho Philippines 3 tàu tuần tra cũ, là BRP Gregorio de Pilar năm 2011, tàu Ramon Alcaraz năm 2013 và Gregorio Velasquez năm 2016. Trong khi năm ngoái chỉ trong một ngày Trung Quốc biên chế 3 tàu chiến xuống Biển Đông.

Tương tự như vậy, thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ – Philippines mở rộng cho phép Mỹ luân phiên sử dụng 5 căn cứ quân sự của Philippines là kết quả sau 15 năm đàm phán, trong khi Trung Quốc tăng “ngoạn mục” số lượng chiến hạm, máy bay hiện đại ở Biển Đông.

Hai học giả tin rằng, sự thịnh vượng của Đông Nam Á được đảm bảo tốt nhất bằng hòa bình, an ninh dựa trên quan hệ hợp tác lâu dài với Hoa Kỳ cũng như các đồng minh, đối tác trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trung Quốc sẽ không bao giờ giành được sự tôn trọng của các quốc gia thực sự chịu trách nhiệm, có trách nhiệm trong tìm kiếm và bảo vệ hòa bình, thịnh vượng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, James Kraska và Raul Pedrozo kết luận.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới