Vị Tân Tổng thống Philippines khẳng định sẽ không phụ thuộc vào đồng minh lâu năm của mình là Mỹ và sẽ độc lập đối đầu Trung Quốc ở Biển Đông.
Tân Tổng thống Philippines quyết thân Trung Quốc, bỏ Mỹ?
Tân Tổng thống không phụ thuộc Mỹ
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây thể hiện thái độ với Mỹ khi khẳng định sẽ một mình đối đầu Trung Quốc ở Biển Đông, Reuters hôm 31/5 đưa tin.
Ông Duterte có thể không cần tới sự can thiệp của Mỹ vào Biển Đông nữa mà sẽ đứng ra tự mình đối phó Trung Quốc.
Trước các câu hỏi của phóng viên rằng, liệu ông có thúc đẩy đàm phán song phương với Bắc Kinh hay không, Duterte nói: “Chúng tôi có thỏa thuận với phương Tây, nhưng tôi muốn mọi người biết rằng, chúng tôi sẽ tự giải quyết theo cách của mình. Philippines sẽ không phụ thuộc vào Mỹ. Manila không có ý định làm vừa lòng bất cứ ai mà chỉ vì lợi ích của Philippines mà thôi”.
Đồng thời, ông này kêu gọi Trung Quốc tôn trọng vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của các quốc gia láng giềng, theo đúng luật pháp quốc tế.
Với tuyên bố này, ông Duterte có thể sẽ khiến Washington thất vọng bởi Philippines là một trong những đồng minh lớn nhất của Mỹ trong cuộc đối đầu với sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc.
Điều này lại khiến Trung Quốc rất hài lòng, nhất là trong bối cảnh các hành động bồi đắp trái phép của nước này ở Biển Đông đang bị cộng đồng thế giới lên án mạnh mẽ, và vụ kiện với Manila – vốn không có lợi cho Bắc Kinh, sắp đi tới hồi kết.
Trước việc đưa tranh chấp với Trung Quốc về vụ kiện chủ quyền tại Biển Đông ra Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Tổng thống Philippines nói: “Tôi đang chờ đợi phán quyết của tòa án trọng tài. Nó sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi trong rất nhiều lĩnh vực … Nhưng như quí vị đã biết, tôi không sẵn sàng đi đến chiến tranh vì nó sẽ chỉ dẫn đến một vụ thảm sát “.
Ông kêu gọi Trung Quốc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này theo luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Duterte không tiếc lời ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “Chủ tịch vĩ đại”. Trước đó, một trong 3 đại sứ đầu tiên ông Rodrigo Duterte dự kiến gặp sau khi nhậm chức là Đại sứ Trung Quốc tại Manila.
Phát ngôn kiểu Trung Quốc
Tuy được cho rằng là người có xu hướng gần gũi Trung Quốc và sẽ là bên chấp nhận những đề nghị của Bắc Kinh về đàm phán song phương nhưng trước đó, ông Rodrigo Duterte lại khẳng định ủng hộ đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề Biển Đông.
Trong đó, vị Tân Tổng thống nêu ra không chỉ có sự tham gia của các nước có tuyên bố chủ quyền mà còn cả Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Những lời phát biểu của ông Duterte cho đến nay phản ánh đúng thế “tiến thoái lưỡng nan” của Philippines khi quốc gia này phải chịu ảnh hưởng cả về mặt kinh tế và quân sự bởi Trung Quốc và Mỹ. Manila đang bị kẹt giữa hai cường quốc có ảnh hưởng nhất trong khu vực.
Sự không nhất quán càng được thể hiện rõ nét trong bài phát biểu trước những người ủng hộ ở thành phố Davao hôm 9/5 vừa qua, khi ông liên tục thay đổi giữa việc nói rằng ông sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để khai thác gas và dầu mỏ ở khu vực tranh chấp, song lại đặt câu hỏi rằng tại sao Mỹ không cử một tàu sân bay tới để thách thức Trung Quốc và thể hiện rằng Washington hoàn toàn đứng về phía Manila.
Ứng xử giữa nước lớn quá khó, Tổng thống Philippines dùng tạm “chơi chữ”. |
Ông Duterte cũng từng ám chỉ rằng ông có thể “chịu đựng” được sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực nếu bắc Kinh xây dựng một tuyến đường sắt mới cho Philippines. Trong một dịp khác, Tổng thống tương lai của Manila lại kêu gọi lòng tự tôn dân tộc và đưa ra những lời đe dọa cá nhân trước những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
“Tôi sẽ ngồi máy bay tới Trường Sa, mang theo lá cờ Philippines và tôi sẽ tới sân bay của Trung Quốc, cắm cờ ở đó là nói rằng, đây là đất của chúng tôi, các anh muốn làm gì thì làm”, ông Duterte tuyên bố trên một cuộc tranh luận trên truyền hình.
Những lời tuyên bố trước sau bất nhất của Tổng thống Philippines cho thấy sự đa nghĩa trong các phát ngôn và mục tiêu rối rắm và không quyết đoán của ông khi đứng kẹt giữa hai nước lớn: Mỹ- Trung.