Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngTQ lập ADIZ trái phép ở Biển Đông: Rung cây dọa ai?

TQ lập ADIZ trái phép ở Biển Đông: Rung cây dọa ai?

Ths Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc đang sử dụng chiêu rung cây dọa khỉ khi tuyên bố sẽ thiết lập ADIZ ở biển Đông.

Nỗi sợ hãi hội nghị Shangri-la

Ngày 1/6, tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) dẫn các nguồn tin thân cận với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sau hơn 2 năm thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông.

Theo nguồn tin, thời điểm Trung Quốc thiết lập ADIZ còn phụ thuộc vào điều kiện an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng Đông Nam Á.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho rằng đây là một trong những thủ đoạn của Trung Quốc nhằm đối phó với hội nghị Shangri-la đang chuẩn bị diễn ra tại Singapore với nhiều bất lợi cho Bắc Kinh.  

Theo Ths Việt, những thông điệp trên của Trung Quốc được gửi gắm thông qua tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” vốn được coi là nguồn tin thân chính quyền Bắc Kinh hiện nay. Dù chưa nói rõ thời gian cụ thể, tuy nhiên theo vị chuyên gia, Trung Quốc đang muốn truyền đi nhiều thông điệp cụ thể.

“Theo tôi tuyên bố của Trung Quốc xuất phát từ  những nguyên nhân sau.

Thứ nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama cho thấy mối quan hệ Việt – Mỹ đang nồng ấm hơn. Thứ hai là sự cạnh tranh của Mỹ ở châu Á, tái cân bằng cực của Mỹ vẫn tiếp tục được duy trì và được thúc đẩy mạnh hơn.

Và để phản ứng lại điều đó, Trung Quốc muốn răn đe các quốc gia khác, trong đó có cả Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Hội nghị an ninh Shangri-la diễn ra sắp tới tại Singapore với hàng loạt vấn đề, trong đó có tình hình biển Đông. Sau đó là cuộc gặp giữa quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc cũng dự kiến họp tại Bắc Kinh. Vì thế Trung Quốc muốn dằn mặt Hoa Kỳ cùng đồng minh cũng như các quốc gia thuộc đối tác liên kết với nước này”, Ths Việt phân tích.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng đối thoại an ninh Shangri-la, diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương, chính là mối lo mà Trung Quốc đang e ngại vào thời điểm này.

“Chúng ta biết rằng ở diễn đàn lần trước thì câu chuyện biển Đông rất nóng, Trung Quốc đã bị cả hội nghị phản đối quan điểm.

Lần này khi mới khởi động hội nghị thì vấn đề cũng đã nóng lên và càng ngày bằng diễn biến thực tế trong thời gian vừa qua của Trung Quốc, những nước có liên quan đến vấn  đề biển Đông đều cảm thấy rằng không thể không thống nhất ý kiến, không thể không đưa ra một cách chủ động những đối sách phù hợp để ngăn cản hoạt động trái phép của Trung Quốc.

Trung Quốc biết sẽ đón nhận một cái sự yếu thế, sự phản đối của cộng đồng quốc tế về biển Đông nên đã đi trước một nước. Họ đưa ra những lời hăm dọa, mượn tờ báo Hồng Kong và báo nước ngoài để công bố kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trung Quốc rung cây dọa khỉ

Dù thừa nhận thông điệp Trung Quốc truyền đi là rõ ràng, tuy nhiên Ths Hoàng Việt cho rằng đây chỉ là chiêu bài “rung cây dọa khỉ” của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng dư luận.

“Trung Quốc dù tuyên bố như vậy nhưng tôi cho rằng trong thực tế họ không thể làm được.

Ngay cả biển Hoa Đông là vùng dễ hơn Bắc Kinh tuyên bố thành lập ADIZ năm 2013 nhưng trong thực tế họ đã thất bại. Các quốc gia khác như Mỹ, Nhật, Úc đã cho máy bay bay qua khu vực đó mà không xin phép Trung Quốc.

Với biển Đông thì càng khó khăn hơn. Thứ nhất là biển Đông rộng hơn khu vực biển Hoa Đông rất nhiều. Thứ hai là năng lực trên biển Đông của Trung Quốc chưa được mạnh như ở Hoa Đông.

Thứ ba là các quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc, Anh đã thẳng thắn lên án Trung Quốc. Vì vậy các quốc gia này sẽ cho lực lượng máy bay chiến đấu bay trên vùng biển đó mà không xin phép để phản đối tuyên bố của Trung Quốc. Vì thế Bắc Kinh có tuyên bố đi chăng nữa thì họ cũng chỉ tuyên bố được với 1 số quốc gia nhỏ, yếu ớt chứ trong thực tế thì không áp dụng được”, Ths Hoàng Việt phân tích.

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Nguyễn Anh Sơn khẳng định tuyên bố thành lập ADIZ lần này của Trung Quốc không hề chỉ là lời dọa dẫm như các lần trước. Bắc Kinh đang có một kế hoạch cụ thể, chi tiết trên vùng biển Đông nhằm thực hiện toan tính của mình.

“Tôi tin lần này Trung Quốc vừa làm thật, vừa hăm dọa. Về mặt kỹ thuật thì họ đã chuẩn bị tất cả rồi. Dù sớm hay muộn Trung Quốc sẽ tìm cách khẳng định độc quyền ở biển Đông, nhất là sau khi họ đã hoàn thành cơ sở vật chất, cơ sở quân sự ở trên các đảo đá chiếm trái phép của Việt Nam cũng như các nước khác.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tìm cách mua chuộc, chia rẽ cộng đồng ASEAN, đặc biệt là các nước yếu đang có phụ thuộc về mặt viện trợ kinh tế, quân sự đối với Trung Quốc để ép các nước này đưa ra những ý kiến, những quan điểm có lợi cho Bắc Kinh như: Lào, Campuchia. Đây là biện pháp nằm trong tổng thể hành động của Trung Quốc.

Thực ra tiến hành lập ADIZ vào lúc này thì cũng chưa chín muồi nhưng Trung Quốc nói như vậy để tiếp tục chuẩn bị. Khi có một nguyên cớ rõ ràng thì họ sẽ làm thật”, ông Sơn lo ngại.

Còn nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới

Về tuyên bố mới của Bắc Kinh, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng Việt Nam có 2 việc phải làm ngay để vừa khẳng định chủ quyền của dân tộc vừa đấu tranh với các hành động trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Thứ nhất, cần đưa ra các tuyên bố phù hợp, rõ ràng, dứt khoát, không nên chậm trễ, phù hợp với luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế. Nếu chúng ta phản ứng chậm thì cộng đồng quốc tế nhìn vào sẽ đánh giá Việt Nam.

Bằng việc tuyên bố như vậy sau này chúng ta sẽ có những cơ sở pháp lý thực tiễn để thực hiện quyền của mình.

Thứ hai, chúng ta phải tăng cường hơn nữa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để tạo thành một mặt trận chung phản đối Trung Quốc.

Mặt trận thứ ba tôi cho là chúng ta cũng nên nhìn vào cách làm việc của Philippines, thái độ của Indonesia để có tiếng nói kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn. Phải chuẩn bị các bước về mặt pháp lý để nếu tình hình căng thẳng lên cao thì chúng ta sẽ sử dụng. Nếu chúng ta cứ nhún nhường mãi thì Trung Quốc sẽ càng lấn tới”, ông Sơn nêu ý kiến.

Cùng đưa ra nhận định, Ths Hoàng Việt nhấn mạnh, dù bị Trung Quốc phản ứng nhưng Mỹ sẽ vẫn kiên định lập trường về biển Đông. Đặc biệt, tại hội nghị Shangri-la tới, Washington sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn khi dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ tham gia đối thoại an ninh là Bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter.

“Tuyên bố của phía Mỹ, các học giả, quan chức của Hoa Kỳ thì luôn bác bỏ vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Vì thế phản ứng của phía Mỹ trong lần này, tôi cho rằng họ sẽ phản đối kịch liệt đồng thời cho máy bay tuần tra ngay tại khu vực đó để thách thức tuyên bố của Trung Quốc”, Ths Việt nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, các quốc gia đồng minh của Mỹ cũng như Indonesia, Singapore… sẽ phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố lần này của Bắc Kinh.

“Thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển thì rất nhiều quốc gia lo ngại. Tàu bè, máy bay rất nhiều nước bay qua khu vực này. Đây là một trong những vùng biển lớn nhất thế giới và vùng trời trên vùng biển đó có một vị trí cực kỳ quan trọng.

Nếu làm được, Trung Quốc sẽ chiếm toàn bộ vùng biển xung quanh, toàn bộ biển Đông, các hoạt động thông thương qua đây cũng sẽ bị cản trở”, Ths Việt nhấn mạnh thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới