Thursday, January 2, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTruy thu 76.000 tỷ nợ thuế: Doanh nghiệp chết, ai đóng thuế?

Truy thu 76.000 tỷ nợ thuế: Doanh nghiệp chết, ai đóng thuế?

Chờ đợi nguồn thu từ nợ thuế không phải là giải pháp lâu dài, giải pháp căn cơ là hỗ trợ nền kinh tế, tạo nguồn thu bền vững.

PGS.TS Nghiêm Viết Lợi – Trưởng Khoa kế toán, đại học LĐ&TBXH nêu quan điểm như vậy.

Đá bóng trách nhiệm

Tổng cục Thuế, vừa thống kê tổng nợ thuế cả nước tính đến ngày 30/4 là 76.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân sách đang hết sức khó khăn, thuế lại là nguồn thu chính của ngân sách thì con số trên được xem là khoản thu rất lớn có thể bù đắp thâm hụt cho ngân sách.

Chính vì thế, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cho các địa phương, đồng thời thành lập tổ rà soát và xử lý nợ thuế; rà soát, sửa đổi quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, con số trên cũng như giải pháp của ngành thuế không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài, không giải quyết triệt để tận gốc sự việc.

Trước hết nói về con số 76.000 tỷ, ông Lợi cho biết đây chỉ đơn thuần là số liệu thống kê được về mặt số học. Con số này không nói lên điều gì do không ai biết chắc chắn phương pháp thống kê của ngành thuế cụ thể ra sao? Dựa trên dữ liệu nào? Tình trạng nợ và đòi được ra sao…?

“Tất cả số liệu trên chỉ mang tính thời điểm và chắc chắn sẽ có nhiều biến động. Tôi ví dụ, hôm nay báo cáo là 76.000 tỷ nhưng ngày mai có doanh nghiệp mang nộp 4.000 tỷ thì số nợ sẽ không còn là 76.000 tỷ nữa. Hoặc trường hợp, doanh nghiệp phá sản, giải thể thì cũng coi như nhà nước mất luôn khoản thuế nợ đọng của doanh nghiệp”, ông Lợi nêu ví dụ.

Theo ông Lợi, ở đây có câu chuyện do pháp luật của Việt Nam không nghiêm nên mới có tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, chây ì vẫn không bị xử lý. Thậm chí có trường hợp nợ nhiều năm rồi xin phá sản, xóa nợ thuế… Ở nước ngoài, những trường hợp này đã bị truy tố ngay trước pháp luật. Rõ ràng ở đây là có trách nhiệm trực tiếp từ cả phía doanh nghiệp và cả ngành thuế.

Về lý thuyết, nộp thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của các doanh nghiệp. Không vì thuận lợi doanh nghiệp mới phải nộp thuế hay khó khăn thì nghiễm nhiên được phép trốn, nợ thuế. Còn trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành thuế là phải thu bằng được. Không vì lý do doanh nghiệp khó khăn mà không thu thuế.  

Tuy nhiên, theo ông Lợi, cũng không vì mục tiêu thu bằng được thuế mà có thể đưa ra một giải pháp mang tính tức thời, nhìn rõ không hiệu quả. Giao chỉ tiêu cho từng chi cục thuế cũng như từng địa phương, cũng chỉ được xem là giải pháp quen thuộc nhưng không nên kỳ vọng nhiều.

Đưa ra con số và đặt mục tiêu thu hồi số nợ trên chỉ là mục tiêu để cả ngành thuế phải quyết tâm chứ khả năng thu hồi số nợ khổng lồ trên là vô cùng khó khăn. Nhất là trong bối cảnh số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2016 đã lên tới hơn 30.000 doanh nghiệp (DN).

“Giao chỉ tiêu đòi nợ thuế là cách ngành thuế vẫn làm. Trung ương gõ đầu ngành thuế, ngành thuế lại bổ đầu các địa phương rồi địa phương lại giao cho các chi cục, từ chi cục lại ép xuống các doanh nghiệp. Không thu đủ thì nghĩa là địa phương và cán bộ thuế không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng chỉ một người không hoàn thành nhiệm vụ còn có thể xử lý, nếu địa phương nào, chi cục thuế nào cũng không hoàn thành nhiệm vụ như vậy rõ ràng là hòa cả làng. Thực chất đây là giải pháp đẩy trách nhiệm tốt nhất vì ai cũng biết, đòi nợ là bài toán vô cùng gian nan và đầy khó khăn”.

Cứu doanh nghiệp trước khi doanh nghiệp chết

Ông thẳng thắn cho biết, các cơ quan quản lý ngành thuế phải có giải pháp tổng thể nhằm xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng thuế kéo dài. Tình trạng dây dưa, chây ì nếu còn tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra một tiền lệ xấu mà đi cùng với nó là những hệ lụy nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới những doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như gây khó khăn cho ngân sách nhà nước.

Do đó, cần phải làm rõ nguyên nhân doanh nghiệp nợ thuế vì sao và khó khăn của ngành thuế là gì? Vì sao để xảy ra tình trạng nợ đọng, chây ì bao nhiêu năm không đòi được vẫn không thấy ai phải chịu trách nhiệm? Là do quá khó hay do chưa có được giải pháp phù hợp?

Theo ông Lợi, giải pháp của các nước trên thế giới thường không chỉ trông đợi vào nguồn nợ thuế mà thường thiết lập cơ chế tiết kiệm ngân sách cùng những chính sách cải cách thuế, tập trung vào phát triển kinh tế trong nước, tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, từ đó mới tạo ra nguồn thu bền vững.

Tuy nhiên, thời gian qua các doanh nghiệp nội vẫn đang kêu trời vì thuế, phí quá nặng. Nếu được tháo gỡ về mặt chính sách thuế, phí chính là giải pháp lâu dài mở đường cho doanh nghiệp làm ăn phát triển, vực dậy những doanh nghiệp yếu kém. Doanh nghiệp phát triển thì mới có khả năng để đóng thuế, tạo nguồn thu cho ngân sách.

“Kinh tế khó khăn, nền sản xuất đình trệ, lại quay sang tận thu để giải quyết khó khăn của ngân sách là đang triệt đi đường sống của doanh nghiệp, lấy đâu nguồn thu. Một cơ chế không hợp lý có thể sẽ gây khó khăn mang tính dây chuyền cho cả một chu kỳ sau”, ông Lợi nói.

Ở đây, vị chuyên gia nhấn mạnh tới giải pháp cắt giảm chi tiêu ngân sách, dồn nguồn lực cho khu vực sản xuất kinh doanh thì không làm được. Vị PGS nêu dẫn chứng về hiện tượng thích xây hàng loạt những công trình, tượng đài nghìn tỷ, lạm phát xe công, lạm phát hàm cấp, các dự án đầu tư xây dựng không hiệu quả, lãng phí, tham nhũng… gây bức xúc.

Trong khi nền sản xuất trong nước thụ động, trì trệ. Nhìn quanh không tìm đâu ra một sản phẩm gắn mác made in Viet Nam đàng hoàng. Mỹ có Iphone, Ipad; Hàn Quốc có Samsung, LG; còn Việt Nam đang phải nhập từ nước gạo rang của nước ngoài, nhập từ khuya cúc áo, không có gì để tự hào.

“Nguồn lực không được đầu tư vào doanh nghiệp, không được đầu tư vào sản xuất mà lại đầu tư vào những thứ không thiết thực. Vừa rồi tôi nghe nói Vĩnh Phúc lại muốn xây văn miếu cả bao nhiêu tỉ hay tượng đài mấy trăm tỉ ở Quảng Ngãi, làm gì mà phải xây to đến thế? Rồi lại đến những ý tưởng tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV, tượng vua Hùng của Phú Thọ… nếu được thông qua thì lấy tiền đâu ra?”, ông Lợi nói.

Theo đó, ông Lợi cho rằng, giải pháp căn cơ hiện nay là tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó có vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường. Ông cho biết, doanh nghiệp Việt đang gặp rất nhiều khó khăn trong công việc tìm kiếm, mở rộng thị trường. Từ trước tới nay, doanh nghiệp Việt quen cách làm ăn thụ động, không có tầm nhìn chiến lược dài hạn, làm ăn chộp giật, gian dối chính vì vậy đã đánh mất uy tín, thương hiệu của nhiều sản phẩm trong nước.

Từ việc bị mất thương hiệu, mất uy tín, các sản phẩm Việt bắt đầu bị loại khỏi những thị trường tốt. Tóm lại, muốn tồn tại được doanh nghiệp phải có tầm nhìn và chiến lược dài hạn. Để làm đưcc như vậy, cần phải thay đổi cách thức quản trị hiện đại, chứ không thể sống mãi bằng thói quen khôn vặt.

RELATED ARTICLES

Tin mới