Thursday, January 2, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhông ưu đãi thuế cho khoáng sản xuất khẩu sang Trung Quốc

Không ưu đãi thuế cho khoáng sản xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo giới doanh nghiệp Hà Giang, hiện nay có trên 11 loại thuế và phí là “quá nhiều và quá cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”.

Bộ Tài chính bác đề xuất ưu đãi thuế cho khoáng sản xuất khẩu sang Trung Quốc

Các doanh nghiệp kiến nghị tính thuế xuất khẩu phù hợp với khoáng sản xuất khẩu sang Trung Quốc tuy nhiên lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, việc áp thuế cao với tài nguyên thô để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Đây là trả lời của ngành tài chính cho kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Giang gửi tới Thủ tướng Chính phủ trước đó.

Theo hiệp hội này, Hà Giang là tỉnh miền núi nơi địa đầu của Tổ quốc gần với Trung quốc nhưng xa các trung tâm công nghiệp. Điều này dẫn tới chi phí vận tải về các khu công nghiệp trong nước quá xa, tăng phí trong giá thành, không đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và xã hội.

“Vì vậy các doanh nghiệp kiến nghị với Thủ tướng tính thuế xuất khẩu cho phù hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được phép xuất khẩu các loại khoáng sản sang Trung Quốc”, kiến nghị có nêu.

Ngoài ra, giới doanh nghiệp Hà Giang cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại các loại thuế và phí đối với các loại khoáng sản. Theo đại diện hiệp hội, hiện nay có trên 11 loại thuế và phí là “quá nhiều và quá cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”.

Một số loại thuế, phí được nhắc tới như: Thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tài nguyên 10-12%, thuế thu nhập doanh nghiệp 32-50%, phí môi trường khoảng 6-14% giá bán,…

Trả lời cho những kiến nghị trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, thuế xuất khẩu các sản phẩm ở Việt Nam về cơ bản ở mức 0%, riêng các sản phẩm tài nguyên thô xuất khẩu thì áp dụng mức thuế suất cao trong phạm vi cam kết quốc tế “để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất trong nước”.

Khẳng định tài nguyên là một trong những nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, lãnh đạo ngành tài chính cũng dẫn lại Luật khoáng sản có quy định “Nhà nước bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả”.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mỗi chính sách thu hiện hành liên quan đến tài nguyên đều được gắn với mục tiêu điều chỉnh riêng, là công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia.

Nhận xét của ngành tài chính cho rằng, các khoản thu đối với khai thác khoáng sản hiện hành (trong đó có chính sách thu từ thuế, phí, lệ phí) trong thời gian qua được ban hành, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp khai thác và địa phương.

“Việc điều tiết các khoản thu từ khoáng sản luôn hướng các doanh nghiệp thực hiện khai thác khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm tài nguyên”, lãnh đạo Bộ Tài chính lên tiếng.

Nguyên liệu khoáng sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc. Từ lâu, giới chuyên gia đã cảnh báo về việc Việt Nam bị cạn kiệt nguồn tài nguyên và sẽ không có đủ nguồn tài nguyên và nguyên liệu đầu vào để phục vụ chiến lược công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Đáng lưu ý, Việt Nam xuất khẩu tài nguyên rồi lại phải nhập khẩu ngược lại chính tài nguyên đó với giá đắt hơn mà ngành than là một ví dụ. Ths Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) khẳng định: “Nếu chúng ta tiếp tục với lối tư duy ngắn hạn, ăn xổi như thế này sẽ phải trả giá đắt trong tương lai”.

Cuối năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế suất thuế tài nguyên, theo đó từ ngày 1/7/2016, thuế suất thuế tài nguyên của hàng loạt tài nguyên, khoáng sản sẽ tăng lên.

RELATED ARTICLES

Tin mới