Mỹ và Trung Quốc bắt đầu hội nghị hợp tác thường niên ‘Đối thoại Chiến lược và Kinh tế’ lần thứ 8, sau khi diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á khép lại trong bất đồng.
Từ trái qua: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ khai mạc hội nghị ‘Đối thoại Chiến lược và Kinh tế’ lần thứ 8, tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)
Những lời lẽ nặng nề trong ‘Đối thoại Shangri-La 2016’ tại Singapore đã chi phối hội nghị nhằm củng cố quan hệ song phương Mỹ-Trung tại Bắc Kinh (Trung Quốc), khai mạc hôm 6/6.
Hội nghị này là nơi Trung Quốc và Mỹ giải quyết các vấn đề khúc mắc trong quan hệ đôi bên, không chỉ là về vấn đề Biển Đông, mà còn bao gồm những lĩnh vực như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố, hợp tác thương mại và kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó thủ tướng Uông Dương chủ trì hội nghị kéo dài 2 ngày này, nhằm giải quyết bất đồng, cải thiện quan hệ và hợp tác giữa hai cường quốc.
Nhưng thực tế cho thấy mức độ mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Bắc Kinh và Washington, thể hiện rõ nét ngay trong bài phát biểu khai mạc của ông Tập Cận Bình sáng 6/6.
Channel News Asia dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết luận một hiệp ước đầu tư song phương giữa Trung Quốc và Mỹ trong một ngày gần đây.
“Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường tin cậy lẫn nhau” – ông Tập nói, và kêu gọi đôi bên nỗ lực gấp đôi, giải quyết xung đột và tránh ‘đánh giá sai lầm về chiến lược’.
Trong khi từ phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh vào việc ‘tạo nên các điểm sáng mới trong hợp tác kinh tế và thương mại song phương’, thì phía Mỹ mà đại diện là Ngoại trưởng John Kerry lại tập trung vào các ‘giải pháp ngoại giao’ cho căng thẳng ở Biển Đông.
Ngay trước thềm chuyến công du tới Trung Quốc, ông Kerry đã cảnh báo về việc Trung Quốc có thể chuẩn bị lập Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Tại Mông Cổ hôm 5/6, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, việc thiết lập một vùng nhận diện như vậy bị coi là ‘hành động gây hấn và gây bất ổn’.
Trung Quốc xây dựng các căn cứ trên những đảo/đá chiếm trái phép. |
Còn tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện quan điểm đối nghịch gay gắt.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, một mặt kêu gọi Trung Quốc tham gia ‘mạng lưới an ninh có nguyên tắc’ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mặt khác nói Trung Quốc ngừng dựng nên một ‘bức Vạn lý Trường thành tự cô lập mình’ ở Biển Đông.
Đại diện Trung Quốc là Đô đốc Tôn Kiến Quốc sau đó đã phản bác bình luận trên của ông Carter. “Trong quá khứ, chúng tôi không hề bị cô lập, bây giờ chúng tôi cũng không bị cô lập và tương lai cũng vậy” – ông Tôn nói.
Dù không chỉ đích danh Mỹ, nhưng ông Tôn nói thêm rằng ông lo ngại vì ‘một số người và quốc gia vẫn đang nhìn Trung Quốc với tâm lý và định kiến Chiến tranh Lạnh’. Ông này đổ lỗi cho các ‘quốc gia vì lợi ích ích kỷ’ đã khiến vấn đề Biển Đông ‘nóng lên’. “Chúng tôi không gây rắc rối, nhưng cũng không sợ rắc rối” – ông Tôn nói.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông. Bất chấp phản đối của các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn, Trung Quốc cho xây dựng các căn cứ nhằm thuận tiện cho triển khai quân sự trên các đảo/đá chiếm trái phép.
Trên nguyên tắc không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Mỹ liên tục thực hiện chiến dịch tự do đi lại tại vùng biển này, nhằm đảm bảo lợi ích của việc tự do hàng hải theo luật quốc tế.
Washington đã thách thức các tuyên bố quá đáng của Trung Quốc, bằng việc cử tàu chiến và máy bay, di chuyển qua khu vực 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng.
Leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ chưa thể tìm được điểm dừng, khi mà đôi bên vẫn đang có những bước đi gấp rút, nhằm thu hút thêm sự ủng hộ của các quốc gia, liên quan tới vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc (PCA) sắp ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc.