Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao Mỹ lo nền kinh tế Trung Quốc sắp sụp đổ?

Tại sao Mỹ lo nền kinh tế Trung Quốc sắp sụp đổ?

Nguy cơ của kinh tế Trung Quốc và nhận diện những cảnh báo đối với kinh tế Việt Nam, cho thấy mọi đối tác dù có thân thiện đều có thể trở thành đối thủ.

Trung Quốc vừa tác oai tác quái nhưng lại vừa mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: SCMP.

The New York Times ngày 3/6 có bài phân tích về tác hại của kinh tế Trung Quốc đối với kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, trong đó nêu lên những nguy cơ mà nền kinh tế Trung Quốc có thể đối mặt trong thời gian tới.

Từ những biểu hiện khác thường đến những đổi thay bất thường của kinh tế Trung Quốc, tờ báo của Mỹ đưa ra nhận định khả năng sụp đổ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

“Donald Trump từng lên án Trung Quốc là kẻ ăn cướp. Điểm mấu chốt của cuộc tấn công bởi Trump là việc Bắc Kinh thao túng tiền tệ của mình, gây bất bình đẳng, qua đó tạo lợi thế cho việc xuất khẩu hàng hoá Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ.

Nhưng chuyện đó đã diễn ra như vậy cả thập kỷ rồi. Lúc này mối đe doạ của kinh tế Trung Quốc với Hoa Kỳ không phải vì nó mạnh mẽ, mà là nguy cơ nó rất dễ sụp đổ”.

Như vậy, dù Trung Quốc có tác oai tác quái, gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế Mỹ, nhưng người Mỹ vẫn không cảm thấy lo lắng, mệt mỏi bằng việc kinh tế Trung Quốc không vượt qua được khó khăn, mà có thể rơi vào khủng hoảng.

Điều đó cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn của kinh tế Trung Quốc tới kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Mỹ. Điều đó cũng lý giải tại sao, ngay cả khi kinh tế Trung Quốc còn đang mạnh mà cả thế giới đã phải lao vào cứu nó.

Thiệt hại do Trung Quốc “ăn cướp” của Mỹ không là gì nếu Mỹ “mất” Trung Quốc

Có thể thấy rằng, do vai trò và ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế toàn cầu mà kinh tế Trung Quốc không phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt nặng nề từ Mỹ cũng như các thực thể, các định chế kinh tế – tài chính – thương mại thế giới.

Điều đó cũng khiến Bắc Kinh sử dụng nhiều công cụ kinh tế gây hại cho kinh tế toàn cầu trong một sân chơi không bình đẳng. Đây là một lợi thế tuyệt đối mà Bắc Kinh dựa vào đó để thực hiện ý đồ thống trị thế giới của mình.

Tuy nhiên, dù có thể làm hành làm tỏi nhiều nền kinh tế, nhiều thực thể kinh tế, trong đó có kinh tế Mỹ, nhưng phải nhìn nhận rằng kinh tế Trung Quốc đã mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế thế giới.

Hàng giá rẻ của Trung Quốc hoành hành, gây thiệt hại cho nhiều nền sản xuất, nhiều ngành công nghiệp nhưng nó cũng mang lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội cho nhiều quốc gia, đặc biệt là lợi ích của người tiêu dùng. 

Người viết xin đưa ra một bài toán về lợi và thiệt của kinh tế Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc. Theo số liệu từ atlas.media.mit.edu, Hoa Kỳ đứng thứ 2 về xuất khẩu hàng hoá trên thế giới với kim ngạch là 1.450 tỷ USD năm 2014, trong khi đó nhập khẩu là 2.190 tỷ USD.

Thâm hụt trong cán cân thương mại của Mỹ năm 2014 là 731 tỷ USD. Trong năm 2014, tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ (GDP) là 17.400 tỷ USD và GDP/đầu người là 54.600 USD. Trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ xuất khẩu vào nước này 134 tỷ USD và nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc 432 tỷ USD.

Về mặt tài chính, Trung Quốc đang làm khổ kinh tế Mỹ trên hai mặt là tỷ giá đồng nhân dân tệ (CNY) được Bắc Kinh điều tiết không theo thị trường tự do và hàng hoá Trung Quốc bán giá thấp hơn giá cả hàng hoá cùng loại của Mỹ.

Hình minh họa, ảnh: Internet.

Xin tạm ước định giá hàng hoá Trung Quốc bán rẻ hơn hàng hoá Mỹ 10% tính gộp chung cho tất cả các loại.

Về tỷ giá thì, ngày 6/6/2016, Trung Quốc áp dụng tỷ giá: 1 USD = 6,6320 CNY.

Trong khi đó tỷ giá trên thị trường tự do tại Mỹ là: 1 USD = 6,5653 CNY.

Như vậy chênh lệch là giữa Mỹ và Trung Quốc là 6,6320 – 6,5653 = 667 CNY.

Nghĩa là chênh lệch về tỷ giá CNY/USD giữa Mỹ và Trung Quốc tương đương 1%.

Ta tạm tính xem khoản được, mất của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Người viết từng phân tích trong bài “Cốc mò cò xơi”, Mỹ chịu thiệt về tỷ giá CNY/USD trong cả xuất và nhập khẩu, vì vậy:

Thiệt về tỷ giá trong xuất khẩu: 134 tỷ USD x 1%  =  1,34 tỷ USD.

Thiệt về tỷ giá trong nhập khẩu: 432 tỷ USD x 1%  =  4,32 tỷ USD.

Tổng cộng thiệt hại về tỷ giá là 1,34 tỷ USD + 4,32 tỷ USD =  5,66 tỷ USD (1)

Về nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc, vì giá của Trung Quốc thấp hơn của Mỹ 10% nên trị giá hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ là 432 tỷ USD sẽ tương đương với trị giá hàng hoá sản xuất tại Mỹ là : 432 tỷ USD x 100/90 = 480 tỷ USD.

Nghĩa là Trung Quốc bán thấp hơn so với Mỹ là 480 tỷ USD x 10%     = 48 tỷ USD (*).

(*) là khoản người tiêu dùng Mỹ được lợi. 

Những thiệt hại đối với sản xuất – kinh doanh tại Mỹ để sản xuất ra 48 tỷ USD, bao gồm:

Thu nhập của người lao động (tạm tính chí phí lương và bảo hiểm là 14%/doanh thu):

48 tỷ USD x 14%  = 6,72 tỷ USD (2).

Thuế nhà nước (tạm tính lợi nhuận 20%/doanh thu, thuế doanh nghiệp theo luật Mỹ là 31,9% lợi nhuận):  48 tỷ USD x 20% x 31,9%  =   3,0264 tỷ USD (3).

Lợi nhuận (tạm tính 20%/doanh thu):  48 tỷ USD x 20% – 3,0264 tỷ  =   6,5376 tỷ USD (4).

Tổng thiệt hại trực tiếp của các doanh nghiệp Mỹ là : (2) + (4) = 13,2576 tỷ USD (5).

Tổng thiệt hại cho sản xuất – kinh doanh của Mỹ là : (1) + 3 + (5) = 21,9440 tỷ USD(**).

Như vậy, chênh lệch giữa khoản lợi mà kinh tế – xã hội Mỹ có được từ hàng hoá nhập khẩu Trung Quốc – người tiêu dùng Mỹ được hưởng (*) với tổng thiệt hại trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của Mỹ (**) là:

48 tỷ USD – 21,9440 tỷ USD = 26,056 tỷ USD (***).

Rỏ ràng đây là một con số khổng lồ cho lợi ích kinh tế của nước Mỹ.

Cho dù, những chi phí, những thiệt hại của nền kinh tế Mỹ chưa liệt kê hết, song có thể khẳng định rằng, dù Trung Quốc có nhập siêu vào Mỹ, dù hàng hoá Trung Quốc có phá giá trên thị trường Mỹ thì tinh chung lại, nền kinh tế Mỹ vẫn luôn được lợi trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Do đó Washington phớt lờ nhiều hành động chướng tai gai mắt của Bắc Kinh miễn sao mang lợi cho người Mỹ.

Việc Trung Quốc mang lại lợi ích to lớn cho Hoa Kỳ có thể do thành quả của đảo ngược quy trình kinh tế và hiệu quả trong đầu tư kép của Bắc Kinh khiến cho hàng hoá Trung Quốc có giá thành rẻ.

Nhưng cũng có thể do Trung Quốc bán phá giá – giá bán thấp hơn giá thành – nhằm thực hiện mục đích riêng của mình. Tuy nhiên, dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì kinh tế Mỹ luôn đều có lợi trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Trung Quốc đang là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ của Mỹ, qua đó góp phần giúp cho tài chính công của Hoa Kỳ đảm bảo được nhiệm vụ của mình.

Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc và người dân Trung Quốc đang có những khoản đầu tư lớn vào thị trường Mỹ từ thắng thầu kỷ lục hay gia tăng sở hữu bất động sản, qua đó khiến cho Washington không quá nan giải trong bài toán kích cầu.

Bên cạnh đó, Mỹ còn được hưởng lợi cộng hưởng phát sinh từ quan hệ của Trung Quốc với đối thủ và đối tác của Mỹ. Cùng với đó là việc chia sẻ với Mỹ trong việc giải quyết những vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu, giảm thiệt hại cho Mỹ.

Tóm lại, kinh tế Trung Quốc càng mạnh thì càng tác oai tác quái, nhưng cũng đồng thời mang lại nhiều hơn lợi ích cho kinh tế Mỹ. Do vậy, Mỹ không ngán kinh tế Trung Quốc mạnh lên mà lo lắng khi kinh tế Trung Quốc khó khăn.

Mỹ muốn Trung Quốc thay đổi cách làm ăn để thoát ra khỏi khó khăn để làm lợi nhiều hơn cho kinh tế Mỹ

Không khó nhận diện những nguy cơ hiện nay của kinh tế Trung Quốc là tỷ lệ nợ công quá cao và lực lượng lao động ngày càng thiếu hụt, còn những vấn nạn khác, chính sách tái cơ cấu đã có những giải pháp hữu hiệu.

“Các khoản nợ đã tăng lên một cách nhanh chóng và nguy hiểm cùng với đó là tốc độ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao của thế giới đang chậm lại, làm suy giảm lực lượng lao động – một yếu tố mà Trung Quốc không gặp phải trong cuộc khủng hoảng 2008”, theo The New York Times.
 
Có thể thấy rằng, Trung Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng năm 2008 tốt hơn Mỹ và các nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản và EU.

“Các chỉ tiêu nhanh chóng được Bắc Kinh tung ra, tương phản mạnh với sự bế tắc ở Washington và các thực thể kinh tế khác trên toàn cầu. Trung Quốc cho rằng họ đã chứng minh được việc có kiểm soát và diều tiết của nhà nước là một lợi thế trong việc quản lý kinh tế, đặc biệt là trong một cuộc khủng hoảng”, ông Ruchir Sharma, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Quỹ Morgan Stanley nhận định.

Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì kinh nghiệm thoát hiểm qua cuộc khủng hoảng năm 2008 không có nhiều tác dụng với Bắc Kinh vì kinh tế – xã hội Trung Quốc phát sinh nhiều vấn đề bất thường và khác thường nên đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải có liệu pháp khác thì kinh tế nước mới hy vọng phát triển bền vững ra được.

Hiện tại tỷ lể nợ công/GDP của Trung Quốc và Hoa Kỳ là tương đương 250%. Tuy nhiên, tỷ lệ này khá ổn định với kinh tế Mỹ khi năm 2003 đã là 200%, trong khi lúc đó tỷ lệ nợ công của Trung Quốc mới là 100%.

Như vậy là nợ công của Trung Quốc tăng nhanh gấp 3 lần của Mỹ trong cùng thời gian. Đặc biệt, tỷ lệ này tăng nhanh sau cuộc khủng hoảng 2008, với số liệu cụ thể: năm 2005 là 150%, 2010 là 160% đến năm 2015 đả là 249%, theo WB.

Đây là một sự nguy hiểm nếu phân tích qua đòn cân nợ trong tình hình kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng như hiện nay. Khi Nợ công / GDP = 249% = 2,49 thì :

Nếu lãi vay là 1% thì GDP phải tăng trưởng 2,49% thì mới đủ trả lãi.

Nếu lãi vay là 2% thì GDP phải tăng trưởng 4.98% thì mới đủ trả lãi.

Nếu lãi vay là 3% thì GDP phải tăng trưởng 7,47% thì mới đủ trả lãi.

Trong khi chính phủ Trung Quốc đặt chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2016, như vậy lãi vay của nợ công phải thấp dưới 2,5% thì mới đảm bảo trả được lãi. Có lẽ Bắc Kinh khó có thể vay ưu đãi với khoản nợ công lớn như vậy.

Do đó, nguy cơ khủng hoảng của kinh tế Trung Quốc là rất lớn và Mỹ rất lo lắng về nguy cơ này. Trong khi đó, lượng tiền rời khỏi Trung Quốc cũng ngày một lớn khi nhà đầu tư và dân chúng cảm thấy bất an.

Hơn nữa, những chiến thắng ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc không phải lúc nào cũng vẻ vang mà chủ yếu là “mua rẻ bán đắt” – bỏ thầu giá rẻ để thắng thầu.

Rồi khi triển khai dự án thì chi phí phát sinh khiến cho thua lỗ khi đối tác không chấp nhận tăng phí hay mức độ gia tăng chi phí phát sinh không bù được thiệt hại do giá thầu rẻ.

Điều này cũng làm cho gánh nặng nợ công của Trung Quốc thêm gia tăng nhanh chóng vì hầu hết doanh nghiệp lớn thắng thầu là doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.

Trong khi đó, hậu quả của chính sách dân số “gia đình chỉ có một con” trong một thời gian dài khiến cho gian đoạn dân số vàng qua nhanh và đó là một rào cản rất lớn cho kinh tế Trung Quốc.

Vì lao động Trung Quốc không có chế độ bảo hiểm khiến cho quỹ phúc lợi xã hội của Trung Quốc rất lớn cùng với đó là thiếu hụt lao động cho hoạt động phát triển kinh tế.  

Điều nguy hại hơn là ngay lúc này thì lao dộng lại dôi dư bởi kinh tế co lại do chính sách tái cơ cấu, khiến cho Bắc Kinh phải rất tốn kém trong việc giải quyết số lượng lao động dôi dư này.

Nhưng chỉ khoảng 10 năm nữa thỉ khi tất cả lao động ở “tuổi vàng” khi băt đầu cuộc cải cách đất nước năm 1979 đến tuổi nghỉ làm việc thì khan hiếm lao động sẽ trở thành vấn nạn lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc. 

Có thể thấy rằng Bắc Kinh đã nhận diện những nguy cơ mà họ phải đối mặt và tái cơ cấu lại nền kinh tế là một trong những chiến lược quan trọng giải quyết những vấn nạn đó. Tái cơ cấu tạo ra cơ chế khiến cho mọi người dân Trung Quốc có thể kiếm tiền “mọi lúc, mọi nơi, mọi kiểu”.

Tuy nhiên, chính vì nhiều “cái mọi” do hệ quả của tái cơ cấu tạo ra khiến cho Washington nghi ngại và lo lắng. Bởi lẽ hiện nay Bắc Kinh đã “chơi không đẹp”, khi nhiều “cái mọi” ứng nghiệm thì có lẽ người Trung Quốc còn “ chơi bẩn” hơn nhiều.

Cùng với đó là “của chìm nhiều hơn của nổi” khiến cho tái cơ cấu của Tập Cận Bình sẽ gây ra nhiều hiệu ứng khó lường.

Vì vậy, Washington mong muốn Bắc Kinh thay đổi “cách làm ăn” để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững cũng như đảm bảo những lợi ích to lớn cho kinh tế Mỹ.

“Từ sau Thế chiến II, các cuộc suy thoái toàn cầu luôn bắt đầu với một cuộc suy thoái tại Hoa Kỳ, nhưng nay có thể bắt đầu bằng một sụp đổ từ Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc đã đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ này, nhưng hiện nó rất mong manh với những nguy cơ phải đối mặt”, The New York Times bình luận.

Những cảnh báo cho kinh tế Việt Nam

Từ tình hình kinh tế Trung Quốc và những lợi ích của kinh tế Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, người viết nhận thấy có hai cảnh báo đối với kinh tế Việt Nam là về nợ công và những kỳ vọng từ TPP.

Thứ nhất về nợ công. Hiện tại nợ công của Việt Nam đang ở mức xấp xỉ 65% GDP. Như vậy đòn cân nợ là : Nợ công / GDP = 65% =0,65.

Nếu lãi vay nợ công là 3.5% thì Việt Nam phải dành 2,275% GDP để trả lãi. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam dự báo năm 2016 tăng trưởng 6,7%, như vậy thực ra GDP chỉ có mức tăng trưởng thuần là: 6,7% – 2,275% = 4,425%.

Người viết cho rằng, nợ công của Việt Nam phải trả lãi có thể cao hơn 3,5% vì có những loại trái phiếu chính phủ có lải suất trên dưới 7%.

Bên cạnh đó hiệu quả của việc sử dụng vốn vay còn thấp với hàng trăm dự án ngàn tỷ, trăm tỷ bỏ hoang lãng phí hay thua lỗ, khiến cho nợ công của Việt Nam là đáng báo động, dù chưa tới mức 65% GDP.

Thứ hai về chương trình kinh tế thế kỷ TPP, thì dù có mang nhiều kỳ vọng nhưng TPP cũng cần tới những lời cảnh báo. Như người viết đã từng phân tích, có lẽ khi TPP vận hành thì chỉ có người tiêu dùng Việt Nam là có thể hưởng lợi từ TPP, còn người sản xuất và các doanh nghiệp chưa có ngay được những lợi ích của mình.

Và qua phân tích về hàng giá rẻ Trung Quốc làm lợi cho kinh tế Mỹ thì hàng hoá Việt Nam khi vượt qua rào cản này cũng chưa chắc Việt Nam có được lợi ích.

Do vậy, kinh tế Việt Nam có lẽ chỉ hưởng lợi từ kinh tế dịch vụ, còn về hàng hoá thì chỉ có thể có lợi từ những loại hàng hoá mà giá trị sử dụng mang nét riêng, độc đáo của riêng Việt Nam, để có thể tránh được sự cạnh tranh khốc liệt từ giá cả mà Việt nam đang không phải ở thế mạnh.

Cùng với đó là “đòi lại” lợi ích từ đối tác thông qua những hoạt động kinh tế mang tính phân chia lợi ích. Chẳng hạn khi lao động Trung Quốc vào làm việc tại Việt Nam thì những dịch vụ phục vụ cuộc sống của họ từ nơi ăn, chốn ở đều phải do người Việt Nam cung cấp…

Tóm lại, từ những nguy cơ của kinh tế Trung Quốc và nhận diện những cảnh báo đối với kinh tế Việt Nam, cho thấy mọi đối tác dù có thân thiện đều có thể trở thành đối thủ nguy hiểm khi quyền lợi của mình chuyển thành lợi ích của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới