Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTha thứ cũng phải có nguyên tắc

Tha thứ cũng phải có nguyên tắc

Mấy ngày nay, dư luận hết sức xôn xao và có nhiều ý kiến trái chiều về việc phía Hoa Kỳ giới thiệu ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright. Sẽ không có gì đáng bàn luận, nếu như ông này không từng gây tội ác tày trời ở Bến Tre cách đây gần 50 năm.

Bob Kerrey được phía Mỹ bầu làm Chủ tịch Đại học Fulbright

Ông ta gây ra vụ thảm sát đó và đã che giấu trong lòng suốt mấy chục năm và ông chỉ bày tỏ sự ăn năn, hối hận khi Thời báo New York Times phanh phui sự thật.

Cũng có những ý kiến cho rằng, chúng ta nên khép lại quá khứ và chấp nhận việc ông này được bổ nhiệm làm Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam, càng thể hiện sự bao dung, độ lượng của người Việt Nam và thể hiện quan niệm của Việt Nam muốn làm bạn với các nước.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua đã có không ít cựu binh Mỹ, Hàn Quốc đã luôn day dứt về quá khứ tội lỗi của mình và đã sang Việt Nam tham gia nhiều hoạt động nhằm chuộc lại những lỗi lầm quá khứ đó.

Người Việt Nam vốn bao dung và độ lượng, nhưng gần đây thì hình như chúng ta quên đi mất một điều, đó là muốn tha thứ gì thì tha thứ, muốn bao dung gì thì bao dung nhưng vẫn phải giữ một nguyên tắc. Đồng ý là gác lại quá khứ, nhưng quên quá khứ thì là điều không thể chấp nhận được.

Xin hỏi, những người đang ủng hộ quan điểm đưa ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam, liệu họ có chấp nhận rằng, khi con họ, cháu họ đưa vào một trường học nào đấy và được biết rằng, thầy chủ nhiệm lớp hoặc thầy hiệu trưởng từng là tội phạm giết người, gây nhiều tội ác, liệu họ có cho con họ vào học với một ông thầy như vậy không? Tước đi mạng sống con người, làm sao có tư cách nói về nhân quyền.

Vấn đề là, ông Bob Kerrey nếu như sang Việt Nam làm kinh tế hoặc ở một lĩnh vực khoa học, kỹ thuật nào đó thì có thể được, nhưng đằng này ông ta sang để làm “thầy”. Vậy ông ta sẽ dạy cái gì? Sẽ lên bục rao giảng về đạo lý, về nhân cách, về con người như thế nào đây?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã nói một câu rất hay: “Nước Mỹ thiếu gì người mà phải đưa ông này sang?”. Phải chăng, việc nước Mỹ đưa ông sang cũng là một phép thử để xem thái độ của người Việt Nam ra làm sao?

Thiết nghĩ, với một nhân vật có quá khứ không hay ho gì như thế, dù bây giờ đã hối lỗi, đã có những hành động tốt đẹp, vẫn không thể nào là người quản lý một trường đại học và đứng trên bục giảng được. Có lẽ các cơ quan chức năng của Việt Nam nên xem xét thấu đáo và cân nhắc về việc này.

Cũng phải nói thêm rằng, gần đây có lẽ do sự “thông thoáng”, “cởi mở” nên chúng ta đã có sự “tha thứ” cho rất nhiều người trước đây từng gây tội ác hoặc đã có những việc làm chống lại nhân dân ta, chống lại đất nước ta. Mới đây nhất, trong một chương trình “Giai điệu tự hào”, người ta đã đưa một số tác phẩm của một nhạc sĩ mà có một quá khứ không lấy gì làm hay ho. Mặc dù ông là một nhạc sĩ tài danh, ông có những bản tình ca, có những bài hát hay. Nhưng đó không phải là những bài hát tự hào, không thể xếp ngang hàng những bài tình ca đó với những “Tiến quân ca”, những “Bắc Sơn”, những “Chiến sĩ Việt Nam”.

Đã nói đến tự hào thì có nghĩa rằng, những tác phẩm ấy phải có sự đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Còn nếu chỉ nói đó là những bài hát hay thì lại là lĩnh vực khác, không nên gọi là “tự hào”.

Hơn nữa, người ta tự hào về một tác phẩm âm nhạc, tự hào về một tác phẩm văn học thì đồng nghĩa với việc tôn vinh những người sáng tác, những người tạo nên những tác phẩm đó. Họ phải là người có cống hiến cho sự nghiệp cách mạng dân tộc, phải là những người có nhân cách, chứ không thể xóa nhòa tất cả mọi ranh giới: Phải – trái; trắng – đen.

Gần đây có xu hướng của một số ít người muốn xóa đi quá khứ với lý lẽ rằng, chúng ta đã hội nhập quốc tế, rồi phải xóa bỏ hận thù, rồi phải hòa giải dân tộc… Thực ra trong nhiều năm qua Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tha thứ cho rất nhiều người đã từng gây ra những tội ác tày trời đối với nhân dân ta. Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giải phóng Sài Gòn xong không hề có những cuộc trả thù tắm máu như những luận điệu tuyên truyền của phương Tây trước đây, nhiều văn nghệ sĩ từng có quá khứ chống nhân dân cũng đã được trở về, không những để chết ở quê nhà mà họ còn được biểu diễn các tác phẩm của họ. Nhưng nếu xóa đi tất cả, quên đi tất cả thì không thể chấp nhận!

Nước Nhật bị Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố lớn. Nhưng nước Nhật vẫn liên minh với Mỹ, một phần dựa vào Mỹ để trở thành một cường quốc về kinh tế như hiện nay. Đó chính là sự nhẫn nhịn cao cả của người Nhật mà chúng ta cần học tập.

Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai là tốt. Tha thứ cho kẻ thù là thể hiện lòng bao dung, đại lượng là rất cần thiết và nhân văn.

Nhưng tha thứ cũng phải có nguyên tắc. Không thể tha thứ cho tất cả mà quên đi tất cả.

RELATED ARTICLES

Tin mới