Thursday, December 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác học giả Mỹ bình luận việc Việt Nam mời tàu Trung...

Các học giả Mỹ bình luận việc Việt Nam mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh

Có đặt mình vào địa vị, hoàn cảnh, tình thế của Việt Nam hiện tại mới hiểu được cách ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với các siêu cường.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (giữa), ảnh: CNRTT.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) bản tiếng Trung Quốc ngày 8/6 bình luận: “Lãnh đạo Quân đội Việt Nam mới đây một lần nữa mời tàu quân sự Trung Quốc thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh, trong khi việc tàu quân sự Hoa Kỳ có được vào Cam Ranh hay không cũng là một vấn đề quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ.

Có phân tích cho rằng, Cam Ranh là nước cờ quan trọng Việt Nam sử dụng để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc, mượn nó để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Tuy nhiên cũng có người cho rằng, Việt Nam mở cửa (Cảng Quốc tế) Cam Ranh đón tàu dân sự cũng như quân sự của tất cả các nước bao gồm Mỹ và Trung Quốc, cho thấy Việt Nam không muốn khiêu khích Trung Quốc, vừa cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, vừa giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc”.

Cam Ranh và cân bằng quan hệ với các siêu cường trong mắt học giả Mỹ

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế Đại học George Mason, Washington DC được VOA tiếng Trung Quốc dẫn lời bình luận, Việt Nam làm như vậy là để tránh khiêu khích Trung Quốc.

“Họ cơ bản nghĩ rằng việc đảm bảo mở cửa với tất cả các nước bao gồm Trung Quốc và có khả năng bao gồm cả Hoa Kỳ, như vậy Việt Nam có thể thực hiện chính sách “ba không”: Không kết đồng minh quân sự, không cho quân đội nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ, không theo nước này để chống nước kia”, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nhà nghiên cứu Sandy Pho từ Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Trung – Mỹ thuộc Trung tâm Học giả quốc tế Woodrow Wilson nói với VOA, động thái này cho thấy Việt Nam muốn trấn an Trung Quốc, đây cũng là một mô thức trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Hầu như bất cứ khi nào có quan chức cấp cao Hoa Kỳ hội đàm hay gặp gỡ quan chức cấp cao Việt Nam thì phía Việt Nam đều bố trí một cuộc gặp tương ứng với quan chức Trung Quốc. Họ muốn cân bằng, để Bắc Kinh thấy rằng họ không bị lãng quên. Tất cả điều này là vì Việt Nam không thể “thoát khỏi” Trung Quốc”, bà Sandy Pho bình luận.

Bà Sandy Pho nhấn mạnh, trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân đến Hà Nội, Việt Nam đã chính thức ngỏ lời mời tàu Trung Quốc thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh.

VOA lưu ý rằng, trong dịp Tổng thống Obama thăm Việt Nam hai bên cũng đã bàn bạc về việc cho tàu quân sự Mỹ vào Cam Ranh. The New York Times nói phía Việt Nam đã xác nhận khả năng này và tờ báo xem đây là động thái cân bằng với Trung Quốc.

Tuy nhiên theo VOA, đến nay Việt Nam vẫn chưa chính thức mời tàu quân sự Hoa Kỳ thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh, trong khi tàu chiến Mỹ đã thăm các cảng khác của Việt Nam.

Người viết cho rằng, về nguyên tắc Việt Nam đã công khai tuyên bố trước quốc tế về việc mở cửa Cảng Quốc tế Cam Ranh và hoan nghênh tàu của tất cả các nước thăm, sử dụng dịch vụ tại cảng. Việt Nam không hạn chế hay từ chối quốc gia nào, còn các hoạt động cụ thể sẽ thông qua các chương trình hợp tác chính thức.

Chính học giả Marvin Ott từ Trung tâm Học giả quốc tế Woodrow Wilson cũng nhận định, Hoa Kỳ và Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác là trên cơ sở “chính trị hiện thực”, loại bỏ mọi rào cản về ý thức hệ hay hệ giá trị để tăng cường hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước.

Cá nhân người viết cho rằng, là quốc gia nằm giữa trung tâm cạnh tranh địa chính trị gay gắt của các siêu cường, việc Việt Nam đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, tập trung phát triển quan hệ với ASEAN và các nước lớn có ảnh hưởng toàn cầu, để cân bằng và hóa giải các tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia dân tộc mình từ các siêu cường là một cách tiếp cận khéo léo và đúng đắn, bởi ngả hẳn về phía nào cũng có thể đẩy Việt Nam vào thế kẹt.

Bởi lẽ ngả theo ai đó đều đồng nghĩa với việc đánh mất tính tự chủ và độc lập trong quan hệ đối ngoại, đó là chưa tính tới những tác động tiêu cực từ việc các nước lớn gây sức ép, thậm chí chống phá Việt Nam vì cho rằng Việt Nam theo nước khác để chống lại họ.

Quan hệ Việt – Trung cần ứng xử khéo léo

Người viết cho rằng, đặt vấn đề “thoát khỏi” Trung Quốc hay không có thể dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc. Có thể dưới con mắt của học giả Mỹ Sandy Pho, Việt Nam chịu ảnh hưởng và “khó thoát khỏi” ảnh hưởng của Trung Quốc.

Học giả Sandy Pho, ảnh: Trung tâm Woodrow Wilson.

Nhưng đó chính là bài học mà cha ông người Việt đã rút ra qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, trong đó có thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc. Làm sao giữ cho được độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, hòa bình ổn định thì mới mong phát triển cường thịnh.

Dưới thời phong kiến, Nhà nước Việt Nam qua các triều đại để duy trì độc lập thực sự và nền hòa bình, ổn định lâu dài, về mặt đối ngoại đã chấp nhận quan hệ triều cống, trong xưng đế ngoài xưng vương với chính quyền Trung Hoa.

Đây cũng là cách ứng xử của rất nhiều quốc gia, dân tộc nhỏ khác “không may” nằm cạnh nước láng giềng luôn tự cho họ là “con Giời”, là trung tâm thiên hạ. Có thể kể ra đây như Triều Tiên / Hàn Quốc, Nhật Bản ngày nay.

Chính nhờ cách ứng xử linh hoạt và khéo léo ấy, Việt Nam mới giữ được nền độc lập thực sự trong khi không ít các nước nhỏ lân bang đã bị Trung Hoa thôn tính qua các thời kỳ và trở thành một phần lãnh thổ Trung Quốc ngày nay.

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới II kết thúc với sự hình thành của Liên Hợp Quốc và xu hướng ngày càng hoàn thiện của luật pháp quốc tế, mọi quốc gia dù kích thước lãnh thổ to hay bé, dân số lớn hay nhỏ đều bình đẳng trong ngôi nhà chung Liên Hợp Quốc. Chuyện triều cống, trong xưng đế ngoài xưng vương đã lùi vào dĩ vãng.

Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc đã trải qua nhiều ân oán, thăng trầm trong lịch sử. Các triều đại phong kiến Trung Quốc luôn tìm mọi cách xâm lược và đô hộ Việt Nam nhưng cuối cùng đều bị đánh đuổi khỏi bờ cõi.

Tuy nhiên không vì thế mà cha ông người Việt tỏ ra đắc thắng, kiêu ngạo mà luôn tìm cách giữ thể diện cho nước lớn, vừa thể hiện tinh thần hòa hiếu, vừa để tránh tái diễn họa ngoại xâm.

Điều này được phản ánh rõ nét trong bản Tuyên ngôn Độc lập thứ 2 của dân tộc Việt Nam, nhà nước Việt Nam do anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi viết, đó chính là Bình Ngô đại cáo.

Thời cận hiện đại, Trung Quốc từng cất quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam suốt 10 năm ròng rã từ 1979 đến 1989 gây bao đau thương, tang tóc cho dân tộc Việt Nam, hay việc họ thừa cơ cất quân xâm lược Hoàng Sa năm 1974, một phần Trường Sa năm 1988. Đó là sự thật.

Nhưng giúp đỡ vô cùng to lớn và hiệu quả của Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến dành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước cũng là một sự thật. Dù muốn dù không, không ai phủ nhận được.

Chính những yếu tố này làm nên nét đặc thù của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khái quát trong mệnh đề: Vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

Cá nhân người viết cho rằng, dân tộc Việt Nam không chỉ có tinh thần cảnh giác chống ngoại xâm cao độ, mà còn sống biết trước biết sau, biết mình biết người, ứng xử mềm mỏng để đạt được và giữ vững mục đích tối hậu: Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình phát triển đất nước.

Do đó trong quan hệ với Trung Quốc, thiết nghĩ Việt Nam không những cần củng cố lòng tin, tăng cường hợp tác, thúc đẩy hữu nghị trên tinh thần hợp pháp, hai bên cùng có lợi và không làm tổn hại lợi ích chính đáng của bên thứ ba nào.

Chúng ta còn phải không ngừng đấu tranh chống lại bất kỳ âm mưu hành động nào làm tổn hại lợi ích cốt lõi ấy của quốc gia, dân tộc mình từ phía Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Có đặt mình vào địa vị, hoàn cảnh, tình thế của Việt Nam hiện tại mới hiểu được cách ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với các siêu cường, mới tránh được những nhận định chủ quan, sai lệch và bất lợi cho Việt Nam trong quan hệ đối ngoại dễ dẫn đến những hiểu lầm từ bạn bè quốc tế.

Rào cản khác biệt ý thức hệ chỉ là nhận thức rơi rớt của tư duy thời Chiến tranh Lạnh

Tôn Vận, một học giả Mỹ gốc Trung Quốc từ Trung tâm Stimson bình luận:

“Quan hệ Việt – Mỹ hiện nay chỉ là phát triển sau bình thường hóa mà thôi, muốn kết thành đồng minh đối phó với Trung Quốc còn một chặng đường rất dài.

Việt Nam hy vọng duy trì một chính sách đối ngoại linh hoạt, không mong muốn để mình phải rơi vào tình thế ngả theo bên nào, dù là Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Chính trị đối nội và chính trị đối ngoại của Việt Nam dường như có mâu thuẫn với nhau.

Nếu nói Việt Nam cảm giác Trung Quốc là mối uy hiếp lớn nhất của mình, thì từ góc độ đia chính trị Việt Nam nên theo chính sách viễn giao – cận công, nên kết nối chặt chẽ quan hệ với Hoa Kỳ mới phải.

Nhưng Việt Nam vừa cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, vừa ý thức được Mỹ hy vọng thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam. Do đó chỉ cần Việt Nam không hy vọng dân chủ hóa, chống diễn biến hòa bình, chống cách mạng màu, khi đó quan hệ với Mỹ sẽ còn khoảng cách.

Trong khi đó Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, bất luận về kinh tế, ý thức hệ hay đối nội. Tâm lý của Việt Nam hiện nay là thân Mỹ thì sợ mất Đảng, thân Trung Quốc thì sợ mất Nước”.

Người viết dẫn nguyên văn bình luận của học giả Tôn Vận ra đây để thấy, tư duy Chiến tranh Lạnh vẫn còn rơi rớt và ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của một số học giả khiến họ có những nhận xét sai lệch, không thuyết phục.

Thậm chí nhữn nhận thức ấy rất méo mó, bất chấp thực tế đã phát triển một chặng đường khá xa. Người viết xin chỉ ra một số luận điểm phiến diện, sai lệch mà học giả Tôn Vận nêu ra trên đây.

Thứ nhất, bà Vận cho rằng chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam có mâu thuẫn, cứ phải chọn “phe” chọn “cánh” mới mong phát triển. Điều này cho thấy nhà nghiên cứu này không hiểu về Việt Nam cũng như xu hướng chính trị quốc tế hiện nay, phần trình bày của người viết ở phía trên có thể là một câu trả lời.

Về mối uy hiếp lớn nhất với Việt Nam, cá nhân người viết cho rằng nó là những âm mưu, ý đồ, thủ đoạn và hành động đe dọa độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.

Đối với Trung Quốc, mối uy hiếp ấy đến từ tham vọng của một số nhà lãnh đạo chứ không phải cả dân tộc, cả đất nước Trung Hoa. Cần có sự phân biệt rạch ròi thì phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” mới có thể đạt được hiệu quả.

Học giả Tôn Vận, ảnh: Trang cá nhân của bà Tôn Vận trên Sina Weibo.

Ngay cả với một số nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ trương biến Biển Đông thành ao nhà của họ, cũng cần thấy rõ đó là sản phẩm của lịch sử và nền giáo dục Trung Hoa.

Một là các triều đại phong kiến luôn coi họ là trung tâm thiên hạ, là “con Giời” và các nước lân bang chỉ là chư hầu, man di nhung địch. Hai là, yêu sách đường lưỡi bò bành trướng đã được đưa vào đầu những nhà lãnh đạo hiện nay và nhiều người cùng thế hệ với họ từ khi cắp sách đến trường, nên họ mặc nhiên tin điều đó, dù sự thật không phải như vậy.

Thứ hai, Tôn Vận cho rằng chỉ có “theo Mỹ” hay “thân Mỹ” mới mong chống lại được mối uy hiếp lớn nhất này. Người viết cho rằng, ngược lại ngả theo bất kỳ bên nào đều đẩy Việt Nam vào bi kịch. Thứ nhất là mất đi tính độc lập tự chủ, thứ hai là tự gợi “đòn thù”, thứ ba là thành con tốt trên bàn cờ nước lớn.

Chắc hẳn nhà nghiên cứu này vẫn còn nhớ việc chính quyền Trung Hoa Dân quốc thời Tưởng Giới Thạch bị Mỹ “hất” khỏi ghế Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lẫn tư cách thành viên Liên Hợp Quốc như thế nào.

Mao Trạch Đông bắt tay Nixon từ 1972, Obama đã bình thường hóa quan hệ với Cuba, bắt tay với Iran và đang muốn đàm phán với CHDCND Triều Tiên. Vậy mà vẫn còn ai đó lôi ý thức hệ ra để làm lăng kính đánh giá quan hệ quốc tế thì thật lạc hậu.

Thứ ba, tự do, dân chủ và các giá trị tiến bộ, văn minh của nhân loại ngày càng trở nên phổ quát và là đích hướng tới của bất kỳ chính quyền nào thực sự vì dân, lấy dân làm gốc.

Bởi vậy sẽ không có chuyện Việt Nam “ngại” các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền. Vấn đề là mọi sự thay đổi phải theo chiều hướng tích cực, phù hợp với thực tiễn đất nước trong từng thời kỳ khác nhau và không phá vỡ ổn định xã hội, không dẫn đến bạo loạn, xung đột.

Phát biểu của Tổng thống Obama tại Việt Nam về các giá trị phổ quát này đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ từ nhiều năm trước, thậm chí còn mạnh hơn. Và chính ông Obama cũng trích dẫn những nội dung ấy đã ghi trong Hiến pháp của Việt Nam năm 2013.

Mặt khác chính các nước lớn trên thế giới đã thấm thía những bài học đắt giá và đang gánh hậu quả của việc xuất khẩu cách mạng, áp đặt hệ giá trị lên các quốc gia, dân tộc khác, trong đó có cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên Xô ngày trước và là Nga bây giờ.

Các quốc gia, dân tộc trên thế giới cũng ngày càng ý thức sâu sắc hơn về độc lập chủ quyền và quyền tự chủ của mình, trong đó có các vấn đề đối nội. Mọi sự can thiệp và áp đặt đều có thể dẫn đến tác dụng ngược, phản ứng ngược. 

Chỉ có đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, cầu thị trên cơ sở luật pháp trong nước cũng như luật pháp quốc tế mới có thể thu hẹp dần khác biệt, cùng tìm đến một tiếng nói chung về những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền phổ quát và đích thực.

Không thể coi bánh mỳ và bơ sữa là “văn minh” hơn cơm gạo. Tương lai của Việt Nam do người Việt Nam quyết định. Không ai có thể áp đặt lên dân tộc Việt Nam, đó chính là khẳng định của Tổng thống Obama.

Còn nếu nói như học giả này, thì chẳng khác nào Tôn Vận đang cáo buộc Hoa Kỳ muốn làm “cách mạng màu, diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, chính bà Vận đang gây chia rẽ quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Mỹ.

Thứ tư, Tôn Vận nói Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc và đưa ra nhận định hết sức chủ quan, phiến diện và giật gân như trên là đã không hiểu gì về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tương đồng về ý thức hệ hay mô hình chính trị không có nghĩa là Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc. 

Sự giúp đỡ của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà nước và nhân dân Trung Quốc với Cách mạng Việt Nam là một sự thật. Nhưng Việt Nam giành được độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 4 năm cũng là một sự thật.

Còn việc học hỏi các mô hình, bài học hữu ích để phát triển đất nước là điều mà bất cứ quốc gia, chế độ, chính quyền nào cũng phải làm. Bởi đó là yêu cầu và mệnh lệnh của thời đại, của lịch sử.

Coi việc học hỏi ấy là một sự “lệ thuộc” hay “đuổi theo” như quan niệm của Tôn Vận e rằng có phần hơi hẹp hòi, áp đặt và mang nặng tư tưởng ý thức hệ, chỉ có mình là nhất.

Việt Nam cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa các đường lối, chủ trương và chính sách đối ngoại

Phát biểu của nhà nghiên cứu Mỹ gốc Trung Quốc trên VOA, bà Tôn Vận cho thấy, mặc dù thực tiễn quan hệ quốc tế, chính trị quốc tế, pháp lý quốc tế và văn minh nhân loại đã phát triển rất xa, rất phong phú và đa dạng nhưng vẫn còn không ít những quan điểm mang nặng tư duy bảo thủ thời Chiến tranh Lạnh, mang nặng định kiến, phân biệt, phe cánh.

Dẫn tới hiện tượng này có một phần nguyên nhân khách quan từ chính cá nhân mỗi học giả, mỗi nhà nghiên cứu, nhưng cũng có trách nhiệm của chính chúng ta trong việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại.

Đặc biệt là với những vấn đề dư luận quan tâm và còn đang có nhiều ý kiến khác nhau, như việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vấn đề tranh chấp Biển Đông, khai thác vịnh Cam Ranh, tự do dân chủ, diễn biến hòa bình, quan hệ Việt – Trung, quan hệ Việt – Mỹ…

Cá nhân người viết nhận thấy rằng, cũng chính những thiếu sót này đã góp phần tạo ra tranh cãi, sự khác nhau trong nhận thức dẫn đến những quan điểm, hành vi làm suy yếu sức mạnh nội lực của dân tộc, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, thông tin phủ kín internet như hiện nay.

Do đó cá nhân người viết thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng, các viện nghiên cứu, đội ngũ học giả có trình độ và uy tín trong và ngoài nước cần lên tiếng, tăng cường giao lưu, hợp tác quảng bá các giá trị Việt Nam, trong đó có lòng yêu nước và chủ quyền đối với một phần lãnh thổ đang bị ngoại bang xâm chiếm, Hoàng Sa và một phần Trường Sa.

Cũng đã đến lúc cần phân tích cho dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ, hiểu thấu đáo các chủ trương, quan điểm chính sách đối nội cũng như đối ngoại để tạo sự đồng thuận trong xã hội, tránh để bị lợi dụng, chia rẽ, kích động xung đột và bạo lực như một số quốc gia đang gặp phải hiện nay.

Muốn như vậy công tác tuyên truyền phổ biến, trao đổi học thuật ấy phải tiến hành thường xuyên và sâu rộng, đúng trọng tâm, trọng điểm và giải đáp được thắc mắc, quan tâm, thậm chí là những bức xúc của dư luận.

Phải làm sao để quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc không bị hiểu lầm thành Việt Nam lệ thuộc hay theo Trung Quốc như học giả Tôn Vận ví dụ, làm sao hợp tác Việt – Mỹ không khiến Nga, Trung Quốc hiểu lầm Việt Nam theo phe theo cánh.

Làm sao để chống diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ không bị hiểu lầm thành chống lại Hoa Kỳ hay hạn chế tự do, dân chủ, chống các hành động bành trướng và phiêu lưu quân sự ở Biển Đông bị hiểu là chống Trung Quốc…

Người viết cho rằng, đất nước mình, dân tộc mình đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn, thậm chí sống còn, đòi hỏi nhận thức của mỗi người Việt Nam chúng ta phải đi xa hơn chứ không phải là chạy theo, đuổi theo thực tiễn, đặc biệt là trong việc nhận diện địch – ta, bạn – thù hay đâu là lợi ích quốc gia cốt lõi.

Trong một thế giới văn minh, ứng xử theo luật pháp quốc tế, thượng tôn luật pháp và công lý thiết nghĩ chỉ làm cho chúng ta mạnh thêm.

Do đó, theo cá nhân người viết, lợi ích quốc gia dân tộc kết hợp với công pháp quốc tế sẽ soi sáng cho chúng ta bước tiếp con đường bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp và hòa bình phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế – chính trị – khoa học công nghệ thế giới diễn biến sôi động, nhanh chóng và phức tạp như hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới