Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngTrung Quốc đẩy nguy cơ mất an ninh khu vực, gia tăng...

Trung Quốc đẩy nguy cơ mất an ninh khu vực, gia tăng căng thẳng lên cao độ mới

Trung Quốc phát đi cảnh báo về việc thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), điều này phụ thuộc vào tình hình an ninh khu vực và sự can thiệp của Mỹ vào tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh.

Tàu Trung Quốc tham gia tập trận quân sự trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đưa ra tuyên bố phi lý về chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này. – Ảnh: AFP.

Những tuyên bố của Trung Quốc đã và đang làm nóng hội nghị ShangriLa diễn ra từ ngày 3 đến 5/6/2016, một lần nữa đẩy nguy cơ mất an ninh trong khu vực lên cao độ mới.

Trung Quốc thiết lập “thể chế” mới ở vùng trời Biển Đông 

Trang mạng South China Morning Post (SCMP) mới đây thông tin về việc Trung Quốc đang chuẩn bị đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). SCMP cũng nhấn mạnh rằng, việc thiết lập ADIZ sẽ là hình thức đáp trả đối với những hành vi khiêu khích của Washington trong thời gian qua.

Bởi những ngày gần đây, Mỹ đã triển khai thực hiện quyền tự do tuần tra hàng hải và giám sát các chuyến bay trong không phận quốc tế. Những tuyên bố này của Trung Quốc đưa ra đúng thời điểm nhạy cảm trong các vấn đề liên quan Biển Đông.

Các bên liên quan đang nóng lòng chờ đợi phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Cùng với đó, vấn đề Biển Đông cũng là tâm điểm của đối thoại ShangriLa được tổ chức tại Singapore từ ngày 3/6 đến ngày 5/6, nơi lãnh đạo quốc phòng các nước hội đàm về những vấn đề an ninh trong khu vực.

Trung Quốc vẫn luôn giữ quan điểm phi lý của mình khi tuyên bố đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của một số nước láng giềng. Trung Quốc nhấn mạnh, nước này xây đảo nhân tạo để hỗ trợ các hoạt động như tìm kiếm và cứu nạn, đồng thời có quyền triển khai những biện pháp tự vệ cần thiết.

Guardian (Anh) ngày 4/6 dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong cuộc đối thoại lần này cho biết, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang cô lập họ, trong bối cảnh khu vực đang tìm đến nhau và phối hợp hành động.

Ông Carter cảnh báo: “Nếu Trung Quốc vẫn tiếp diễn những hành động này thì chính Bắc Kinh đang tạo ra Vạn Lý Trường Thành để tự cô lập”. Đáp lại, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cho rằng, những tuyên bố của ông Carter thể hiện “tư duy Mỹ điển hình” và cho rằng cách tư duy của ông vẫn “bó hẹp như thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.

Không chỉ riêng Mỹ, rất nhiều nhà lãnh đạo các nước cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La lần này. “Ở Biển Đông, chúng tôi đã chứng kiến việc cải tạo đất quy mô lớn và nhanh chóng, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho các mục đích quân sự.

Tất cả chúng ta không ai đứng ngoài những vấn đề này”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhấn mạnh. “Tôi nghĩ, điều quan trọng là phải nâng cao năng lực các nước trong khu vực bằng cách kết hợp huấn luyện chung, hỗ trợ xây dựng, thiết bị quốc phòng và hợp tác công nghệ”, ông Nakatani nói thêm.

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin The Japan Times đưa tin, mới đây, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc phát triển các mỏ khí đốt ở Biển Đông. Phía Trung Quốc cũng đã xác nhận việc xây dựng các công trình mới tại vùng biển này, bỏ ngoài tai lời kêu gọi của Chính phủ Nhật Bản về việc Bắc Kinh nên kiềm chế và dừng ngay các hoạt động trái phép đó. “Thực sự đáng tiếc nếu Trung Quốc vẫn đơn phương tiến hành các hoạt động trái phép ở Biển Đông”, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu với báo giới.

Tuyên bố để ép các nước phải… xin phép?

Nhìn nhận về việc Trung Quốc chuẩn bị đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không, chia sẻ với PV báo ĐS&PL, Đại tá Nguyễn Văn Cẩn – nguyên giảng viên Học viện Phòng không – Không quân phân tích: “Trước tiên phải biết rõ khái niệm về vùng nhận dạng phòng không hay còn gọi ADIZ là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí và chịu sự kiểm soát của họ. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng”.

Từ đó có thể thấy, mục đích của Trung Quốc trong câu chuyện công bố ADIZ là khẳng định vị trí phòng không trên khu vực Biển Đông sẽ nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc. Khi các máy bay bay ngang vùng nhận dạng của Trung Quốc phải tuân thủ các yêu cầu của họ, khai báo và nộp trước lộ trình bay. Đồng thời, phải thiết lập liên lạc hai chiều đối đáp trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ.

Bên cạnh đó là thông báo vị trí, lắp thiết bị nhận dạng radar thứ cấp, tuân thủ hành lang bay mà Bắc Kinh quy định, khi bay qua các điểm báo cáo, bắt buộc đều phải báo cáo với cơ quan đang quản lý ADIZ. Nếu máy bay nào không tuân thủ các yêu cầu do Trung Quốc đặt ra vùng nhận dạng thì có thể phải chịu sự can thiệp của máy bay quân sự của Trung Quốc và buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức cũng như chịu những biện pháp phạt khác.

Đại tá Cẩn cũng khẳng định, căng thẳng leo thang ở Biển Đông khi Trung Quốc tăng cường xây dựng trái phép tại các đảo mà họ đang chiếm giữ, đồng thời quân sự hóa một số thực thể bằng cách thiết lập căn cứ và triển khai vũ khí. Những động thái của Trung Quốc đã châm ngòi cho phản ứng mạnh mẽ từ phía các nước trong khu vực.

Mỹ và một số quốc gia không thuộc Đông Nam Á cũng lên tiếng phản đối, bởi họ quan ngại về những gì đang xảy ra ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, nỗ lực hợp tác đã được thúc đẩy mạnh mẽ, ví dụ, giữa Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á hướng tới hoạt động tuần tra, giám sát chung nhằm đảm bảo an ninh.

Cũng chia sẻ vấn đề này với PV báo ĐS&PL, bà Lê Thương Huyền – chuyên gia luật đến từ viện Nhà nước và Pháp luật (viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định: “Không khó để chứng minh hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước Luật Biển), Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và các văn kiện khác có liên quan cũng như đang cố tình lừa dối dư luận”.

Theo bà Huyền, ngay từ những ngày đầu còn manh nha tham vọng xâm lấn ở Biển Đông, họ đã không ngừng thể hiện những ngang ngược, coi thường luật pháp, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Trong đó, họ đã vi phạm rất nhiều quyền lợi của Việt Nam như quyền chủ quyền, quyền tài phán theo như bộ nguyên tắc cơ bản mà Liên Hợp Quốc đã quy định.

Ngoài ra họ còn vi phạm các nguyên tắc khác, cũng như đang đe doạ nghiêm trọng tình hình tự do hàng hải, an ninh phòng không, quân sự trong khu vực và cho các nước nằm trong vùng ảnh hưởng. Việc họ triển khai, chuẩn bị công bố vùng nhận dạng phòng không sắp tới là một báo động đe doạ tới an ninh, chính trị. Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để phản đối các hành động lấn lướt của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới