Trung Quốc dùng chiêu bài kinh tế để tác động đến quyết định của Philippines cũng như Mỹ về căng thẳng trên biển Đông.
Trung Quốc đã dùng chiêu bài kinh tế để lôi kéo các nước đứng về phía mình trong các tranh chấp về biển Đông
Tờ South China Morning Post (bưu điện Hoa Nam buổi sáng) vừa dẫn các nguồn tin cho biết căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông có chiều hướng lắng dịu khi mà tổng thống mới của Philippines, ông Rodrigo Duterte, đang tiếp cận Bắc Kinh bằng những phương pháp mềm mỏng, tích cực hơn, mở đường cho các cuộc thảo luận về tranh chấp chủ quyền.
Ông Duterte từng gọi ông Tập Cận Bình là một “chủ tịch tuyệt vời” sau khi lãnh đạo Trung Quốc trong một bức điện mừng ngỏ ý mối quan hệ song phương “nên trở lại quỹ đạo phát triển”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng bày tỏ thái độ lạc quan trước khả năng mối quan hệ hai nước ấm dần lên.
Đánh giá về thái độ gần đây của tân Tổng thống Philippines, Chito Sta Romana, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines cho rằng, ông Duterte có lẽ không từ bỏ vụ kiện nhưng sẽ “không coi phán quyết của tòa là trở ngại cho tiến trình cải thiện quan hệ với Trung Quốc”.
“Điểm mấu chốt là Duterte thực tế và ông ấy biết giải quyết tranh chấp chủ quyền sẽ mất thời gian”, ông Chito Sta Romana nhấn mạnh.
Theo Romana, Tổng thống Duterte dường như sẽ tập trung vào thúc đẩy thực hiện các “chính sách kinh tế” với Trung Quốc.
“Duterte đang nhắm tới xây dựng một tuyến đường sắt ở Mindanao. Đây là một động lực chi phối phương pháp tiếp cận Trung Quốc của ông ấy”, chuyên gia Romana nhận định.
Trong chiến dịch vận động tranh cử hồi tháng 4, Duterte còn khẳng định sẽ đảo ngược chính sách của chính quyền Aquino về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.
Duterte sẽ đòi hỏi những đặc quyền, đặc lợi kinh tế từ phía Bắc Kinh, đổi lại, Manila sẽ nhượng bộ trong các tranh chấp chủ quyền, báo Inquirercủa Philippines bình luận.
Theo Richard Javad Heydarian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila, ông Duterte nhìn nhận Trung Quốc như một đối tác quan trọng trong công cuộc phát triển quốc gia, đặc biệt là ở lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng.
“Chính phủ của ông ấy nhiều khả năng sẽ tập trung vào sửa chữa mối quan hệ căng thẳng bằng cách tìm kiếm một bản giao ước về Biển Đông, có thể là thông qua những hiệp định không chính thức hoặc thỏa thuận chính thức cùng khai thác các nguồn tài nguyên”, ông Heydarian nói.
Trung Quốc dùng đòn kinh tế để mua chuộc các nước
Giới phân tích đánh giá lập trường hòa hoãn với Bắc Kinh của ông Duterte hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm, cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino.
Dưới thời ông Aquino, quan hệ Mỹ – Trung rơi vào căng thẳng, đặc biệt là sau khi Manila đệ đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hauge, kiện yêu sách chủ quyền phi lý theo “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh tự vẽ ra, đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông.
Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, tuyên bố không chấp nhận phán quyết của tòa, dự kiến được đưa ra trong tháng này.
Trường hợp của Philippines làm nhiều người nghĩ đến cách ứng xử gần đây của Mỹ với Trung Quốc.
Còn nhớ tại hội nghị Shangri-la diễn ra tại Singapore từ 3-5/6, Washington đã bày tỏ thái độ gay gắt trước những hành động gây hấn trên biển Đông của Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu hôm 4/6 trước đông đảo các quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhấn mạnh: “Căng thẳng đang gia tăng trong khu vực và ngay trong khán phòng này vì các hành động của Trung Quốc”.
Ông Carter đã kêu gọi Bắc Kinh tham gia mạng lưới an ninh có nguyên tắc ở châu Á để cùng đảm bảo một tương lai tích cực giữa các nước, tránh những căng thẳng mới có thể xảy ra.
“Dù Mỹ sẽ vẫn là cường quốc quân sự và đảm bảo an ninh ở khu vực trong nhiều thập kỷ tới song chúng tôi đang tăng cường các mối quan hệ song phương để thúc đẩy an ninh và thịnh vượng”, ông Carter nhấn mạnh.
Tuy tuyên bố mạnh mẽ trước Trung Quốc về những gia tăng căng thẳng trên biển Đông tại hội nghị Shangri-la, tuy nhiên khi đến Bắc Kinh tham dự cuộc đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 8 diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/6, Nhà Trắng đã có sự thay đổi rõ rệt.
Cuộc đối thoại đã thảo luận một loạt các vấn đề ngoài Biển Đông, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chống khủng bố, hợp tác kinh tế và thương mại.
“Cuộc đối thoại tuần này là tìm cách thúc đẩy hợp tác”, Ngoại trưởng Mỹ Kerry nhấn mạnh sau hội nghị Shangri-la.
Một tuyên bố của Bộ tài chính Mỹ khẳng định các cuộc đối thoại sẽ tập trung vào “nhiều vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu liên quan tới lợi ích kinh tế và chiến lược trước mắt và dài hạn”.
Thực tế là dù còn nhiều đôi co qua lại xung quanh vấn đề biển Đông nhưng mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi Trung Quốc vượt Canada để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong tháng 11/2015.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Thương mại Trung Quốc tại Mỹ (CGCC), hơn 800.000 lao động Mỹ sống phụ thuộc vào lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu sang Trung Quốc. Cơ quan này nhận định quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc đã góp phần tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế Mỹ.