Saturday, December 28, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ vung tiền mua ủng hộ: Bóc mẽ thủ đoạn

TQ vung tiền mua ủng hộ: Bóc mẽ thủ đoạn

Trung Quốc tuyên bố hơn 40 nước ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vụ kiện Biển Đông nhưng thực tế mức độ ủng hộ của các nước là khác nhau.

Tàu quân sự Trung Quốc xuất hiện phi pháp tại đá Vành Khăn thuộc Trường Sa. Ảnh: AP

Thủ đoạn cũ được dùng ngày càng tinh vi

Truyền thông quốc tế nhận định, trong bối cảnh Tòa án trọng tài quốc tế (PCA) ở Hà Lan chuẩn bị ra phán quyết vụ kiện đường lưỡi bò, Trung Quốc đã dùng tiền để mua sự ủng hộ ngoại giao với hoạt động tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an), chiêu thức dùng tiền để mua sự ủng hộ không phải là thủ đoạn mới mẻ mà là sở trường của Trung Quốc đã có từ hàng ngàn năm trong lịch sử nước này.

Theo đó, Quản Trọng (725 TCN-645 TCN), một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu chính là cha đẻ của chiến lược “không đánh mà thắng”, tức tấn công bằng mưu trí, trừng phạt và dùng kinh tế để giáo huấn.

Chiến lược này sử dụng hai mũi giáp công: một là đòn công tâm, đánh vào tâm lý sợ thiên triều, bằng mọi cách làm cho nội bộ đối phương rã rời, triều đình đối phương chia năm xẻ bảy, thần dân không tin triều đình, cài cắm người của thiên triều vào triều đình đối phương. Tất cả đều được mua chuộc bằng tiền.

Hai là, dùng kinh tế buộc đối phương phụ thuộc.

“Bằng cách này, Quản Trọng đã giúp Tề Hoàn Công chỉ trong vòng 5 năm mà khiến 6 quốc gia hùng mạnh xung quanh nước Tề, kể cả nước Sở, phải xin đầu hàng nước Tề mà không mất một mũi tên, hòn đạn nào”,

Đây là thủ đoạn từ xa xưa và càng ngày càng được phát triển một cách tinh vi. Muốn khuất phục một nước thì chia rẽ nội bộ, làm người dân mất lòng tin, bắt họ phụ thuộc vào kinh tế. Một khi kinh tế đã phụ thuộc thì độc lập chỉ là giả hiệu mà thôi, việc thần phục mà chắc chắn”, ông Cương nhấn mạnh.

Vị chuyên gia quan hệ quốc tế chỉ rõ, thủ đoạn trên thực chất là diễn biến hòa bình.

“Hiện nay Trung Quốc diễn biến hòa bình giỏi gấp trăm lần Mỹ. Cũng chỉ bằng hai mũi giáp công nói trên mà trong vòng 15 năm, toàn bộ châu Phi vốn nằm trong lòng bàn tay của châu Âu và Mỹ lọt vào Trung Quốc, hay châu Mỹ Latinh, vốn là sân sau của Mỹ bây giờ cũng tuột dần khỏi tay Mỹ…”, ông nói.

Trở lại vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược trên. Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, Trung Quốc rót tiền đầu tư vào hàng loạt dự án tại các quốc gia. Chưa kể, về mặt truyền thông, Trung Quốc chi bộn tiền “mua” báo chí nước ngoài, thậm chí cả một số nhà khoa học để tuyên truyền xuyên tạc, ủng hộ ý đồ thâu tóm Biển Đông của Bắc Kinh.

“Trung Quốc sử dụng chiêu “lộng giả thành chân”, mặc nhiên vơ nhận chủ quyền bất hợp pháp, thực hiện mưu đồ của mình. Ở Mỹ, phương Tây, truyền thông được coi là quyền lực thứ 4 nên Trung Quốc sẵn sàng mua một số biên tập viên, hãng truyền thông lớn viết bài có lợi cho mình. Nhiều tòa soạn nhận tiền đăng bài cho Trung Quốc”, tướng Cương chỉ rõ.

Sự thực hơn 40 nước ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20/5 ngang nhiên tuyên bố hơn 40 nước trên thế giới ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vụ kiện quốc tế do Philippines khởi xướng liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông.

Tuy nhiên, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, có hai vấn đề Trung Quốc nhập nhèm trong tuyên bố trên.

Thứ nhất, Trung Quốc không đưa ra được danh sách cụ thể 40 nước ủng hộ nước này khi bị hỏi đến.

Thứ hai, mức đọ ủng hộ Trung Quốc ở đây là khác nhau và có thể chia làm 3 mức: Trường hợp xấu nhất là ủng hộ quan điểm Biển Đông là của Trung Quốc, Hoàng Sa là của Trung Quốc. Loại thứ hai ủng hộ đường chín đoạn của Trung Quốc. Loại thứ ba cho rằng không nên đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế mà nên đàm phán song phương.

“Tuy nhiên, Trung Quốc cứ tuyên bố như trên nhằm hai mục đích: Trước hết, để tác động đến người dân trong nước nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của người dân đối với chính sách của chính quyền Bắc Kinh trên Biển Đông. Bằng cách tuyên bố như vậy, Trung Quốc muốn nói với hơn 1,3 tỷ dân nước này rằng rằng chính sách của chính quyền Bắc Kinh được thế giới ủng hộ. Cần nhớ rằng, trong 1,3 tỷ người Trung Quốc rất nhiều người không vừa lòng với chính quyền, họ bị bưng bít, che giấu thông tin, bị lừa dối.

Mục đích thứ hai là để đánh lận con đen với cộng đồng quốc tế”.

Đặc biệt, ông Cương lưu ý, những quốc gia được cho là ủng hộ Bắc Kinh đa phần là các nước nhỏ, thu nhập quốc dân thấp, phụ thuộc vào vốn vay của Trung Quốc, tầm ảnh hưởng ngoại giao không lớn.

“Trong khi đó, 5 nước thường trực HĐBA Liên hợp quốc thì có 4 quốc gia phản đối Trung Quốc. G7, nhóm quốc gia nắm giữ 80% thương mại toàn cầu, 85% phát minh sáng kiến hàng năm trên thế giới… là những nước kịch liệt phản đối Trung Quốc.

Chính vì thế, việc Trung Quốc tuyên bố có bao nhiêu nước ủng hộ lập trường của quốc gia này về Biển Đông đi chăng nữa thì nó cũng không ảnh hưởng đến phán quyết của PCA về vụ kiện đường lưỡi bò”, ông Cương khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới