The Epoch Times vừa dẫn một nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, nguyên Tổng bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã bị đưa ra khỏi nhà và hiện đang bị quân đội giam giữ tại Bắc Kinh.
Một hình ảnh được cho là cảnh bắt Giang Trạch Dân
Theo đó, vào 4 giờ sáng ngày 10/6/2016, Giang Trạch Dân đã bị bắt đưa ra khỏi nhà riêng và được giao cho Cảnh sát vũ trang Nhân dân theo lệnh của một chỉ huy biệt đội. Nhiệm vụ này được giao cho các quan chức cao cấp về hưu, nguồn tin cho biết.
Biệt đội cảnh sát vũ trang thực hiện vụ bắt giữ trên do Chánh Văn phòng Bộ Công an chỉ huy. Sau đó họ đưa Giang Trạch Dân đến căn cứ quân đội thuộc quân đội vùng Bắc Kinh và giao cho một Thiếu tướng và một Đại tá thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). Nguồn tin mô tả, có một người mặc thường phục xuất hiện vào thời điểm bắt Giang, có thể là đặc vụ.
Nguồn tin cho biết thêm, lệnh bắt Giang Trạch Dân được phê chuẩn trực tiếp từ Cục Chỉ huy Trung ương – cơ quan cao nhất trong Quân đội. Nhiệm vụ này được thực hiện cực kỳ bí mật.
The Epoch Times cho biết tờ báo này hiện đang tiếp tục tìm hiểu và xác minh nguồn tin trên.
Nếu thông tin trên là chính xác thì cũng không có gì ngạc nhiên vì từ gần hai năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã chuẩn bị mọi thứ, từ dọn đường dư luận, sửa đổi luật… để quyết bắt Đại Lão Hổ-Giang Trạch Dân.
Mới đây nhất, hôm 25/5/2016, hai cận thần của các tướng quân đội về hưu đầy quyền lực ở Trung Quốc, tay chân thân tín của Giang Trạch Dân, đã bị bắt.
Hồi đầu tháng 6, báo chí Hồng Kông tiết lộ con trai cả của Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng bị giam lỏng tại một địa điểm không được tiết lộ ngoài Thượng Hải.
Việc bắt Giang Trạch Dân là đỉnh điểm của cuộc chiến quyền lực giữa lãnh đạo hiện giờ Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân, kéo dài từ khi ông Tập lên nắm quyền.
Giang Trạch Dân sinh năm 1926, là “hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ 3” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1989 tới năm 2002, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa từ năm 1993 tới năm 2003, và là Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 1989 tới năm 2004.
Giang Trạch Dân lên nắm quyền lãnh đạo sau sự kiện những cuộc phản kháng trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, thay thế Triệu Tử Dương, người bị thanh trừng vì quá khoan dung với những người phản kháng, với chức vụ Tổng bí thư. Với ảnh hưởng ngày càng suy giảm của Đặng Tiểu Bình vì tuổi tác, Giang Trạch Dân đã thực sự trở thành “lãnh đạo tối cao” trong thập niên 1990. Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn phát triển bền vững với các cải cách, thu hồi một cách hoà bình Hồng Kông từ Anh và Ma Cao từ Bồ Đào Nha, và cải thiện các quan hệ với thế giới bên ngoài.
Được biết đến là một trong những khuôn mặt chính trị lôi cuốn của Trung Quốc, Giang Trạch Dân bị chỉ trích vì quá cẩn thận với hình ảnh đời sống cá nhân, và quá nhún nhường trước Nga và Mỹ. Những lời chỉ trích cũng tập trung vào sự bất lực của Giang Trạch Dân trong việc duy trì kiểm soát trên nhiều vấn đề và sự bất công xã hội trong nhiệm kỳ của ông. Các thành viên Đảng Cộng sản theo đường lối cứng rắn Trung Quốc buộc tội Giang Trạch Dân là một lãnh đạo quá thiên cải cách, người đã hợp pháp hoá hoàn toàn cho chủ nghĩa tư bản.
Năm 2002, Giang Trạch Dân rời khỏi Ban Thường trực Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc nhường đường cho một “thế hệ lãnh đạo thứ tư” đứng đầu là Hồ Cẩm Đào, đánh dấu sự khởi đầu quá trình chuyển tiếp quyền lực kéo dài trong vài năm. Hồ Cẩm Đào lên nắm chức vụ lãnh đạo Đảng, trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản. Sáu trong số chín thành viên mới Ban Thường trực ở thời điểm ấy được coi là một phần trong cái gọi là “Nhóm Thượng Hải” của Giang, đáng chú ý nhất là vị Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng và Phó Thủ tướng Hoàng Cúc.
Dù vậy Giang Trạch Dân vẫn giữ chức chủ tịch cơ quan đầy quyền lực là Quân uỷ Trung ương, đa số các thành viên cơ quan này là các sĩ quan quân đội chuyên nghiệp.
Ngày 19/9/2004, sau một cuộc gặp bốn ngày với 198 thành viên Ban chấp hành Trung ương, Giang Trạch Dân đã từ chức Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, vị trí cuối cùng trong Đảng của ông.