Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinBắc Kinh tiếp tục tăng thủ đoạn kinh tế lợi mình, hại...

Bắc Kinh tiếp tục tăng thủ đoạn kinh tế lợi mình, hại người

Trung Quốc không giảm sản lượng thép, thậm chí còn gia tăng năng suất, chứng tỏ Bắc Kinh vẫn tiếp tục thách thức với những cảnh báo từ cả đối thủ lẫn đối tác.

Công cụ “Sản lượng thép” được Bắc Kinh tăng cường sử dụng trong việc hại người để lợi mình.

Bnews ngày 14/6 đưa tin, Cơ quan Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 5/2016 đạt mức 70,5 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 1,5% so với tháng 4/2016.

Người phát ngôn của NBS Sheng Laiyun, cho rằng sản lượng thép phục hồi một phần do đợt tăng giá thép mới đây – yếu tố “khuyến khích” nhiều nhà máy thép tại Trung Quốc tăng sản lượng.

Trong khi trước đó, ngày 18/4 Hoa Kỳ và 29 nước sản xuất thép hàng đầu thế giới đã gặp nhau trong một hội nghị quốc tế tại Bỉ kêu gọi nhanh chóng có hành động giảm sản lượng thép toàn cầu vì mức cung quá mức cầu hiện nay, mà nguyên nhân được cho là do sản lượng thép quá lớn của Trung Quốc.

Tiếp đó ngày 19/4 Mỹ, Canada, EU, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ đã ra thông cáo chung kêu gọi các nước “nhanh chóng” hành động giảm sản lượng thép, theo VOA ngày 22/4.

Mỹ từng công khai chỉ trích Trung Quốc và tuyên bố Bắc Kinh có thể đối mặt biện pháp trừng phạt thương mại nếu không cắt giảm sản lượng thép. Gần đây Hoa Kỳ cũng đã có kế hoạch áp thuế chống bán phá giá một số loại thép của Trung Quốc, chỉ chờ Thượng viện thống qua là thực hiện.

Vậy nhưng tại sao Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng sản lượng thép, vẫn tiếp tục “bỏ ngoài tai” nhưng lời kêu gọi cũng như cảnh báo của quốc tế, vẫn cứ làm những gì mình muốn? 

Hiệu quả kép trong việc hiện thực hoá mục đích “hại người, lợi mình” 

Nguyên nhân của việc Trung Quốc không muốn giảm sản lương thép được nhận diện là, do Trung Quốc chưa có giải pháp căn cơ cho vấn để dư thừa lao động khi sản xuất thép thu hẹp quy mô và giảm sản lượng.

Bên cạnh đó là công suất thiết kế của dây chuyền sản xuất thép chưa khai thác hết mà lại giảm thì sẽ thiệt hại lớn nên phải tận thu.

Mặt khác, trong những ngành công nghiệp xương sống của Trung Quốc thì thép là ngành công nghiệp chủ lực khẳng định sức mạnh cho kinh tế nước này, nên việc giảm lượng thép đồng nghĩa với làm yếu nền kinh tế.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng mục đích của việc tăng sản lượng thép thì không chỉ là hướng vào giải quyết những vấn đề “quốc kế dân sinh” ấy của Trung Quốc, mà Bắc Kinh đã dùng sản lượng thép nhưng là một công cụ quan trọng và hữu hiệu nhất trong việc làm hại đối thủ, làm khổ đối tác, từ đó triệt hạ đối phương.

Với tham vọng thống trị kinh tế thế giới mà sau gần một thế kỷ nằm trong sự chi phối độc quyền của Washington, Bắc Kinh đã sử dụng mọi công cụ, mọi biện pháp để nhanh chóng đạt được điều ấy.

Chỉ có điều, kinh tế Mỹ thống trị thế giới thông qua quy luật tự do cạnh tranh và hợp tác đôi bên cùng có lợi, cho dù nhiều khi Mỹ “ăn sơn hào hải vị” thì đối tác của họ chỉ “húp cháo cầm hơi”, nhưng nguyên tắc cộng sinh vẫn luôn tồn tại cho đến nay.

Song với Trung Quốc thì họ không xây dựng nguyên tắc như vậy, mà họ muốn triệt hạ đối tác, buộc đối tác hoặc là lệ thuộc hoàn toàn vào họ, trở thành một phần của họ, hoặc là “chết không kịp ngáp”.

Tại sao Trung Quốc làm vậy thì có nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là do Bắc Kinh muốn nhanh chóng hiện thực hoá tham vọng của mình.

Và làm sao phát huy tối đa công lực của các công cụ triệt hạ đối phương đã trở thành triết lý kinh doanh của người Trung Quốc. Đó cũng là nền tảng của cơ chế trong hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc, thậm chí của cả chính phủ Trung Quốc.

Với hàng loạt những phân tích của người viết, từ đảo ngược quy trình kinh tế hay tạo những cơn sốt mơ hồ đến thực hiện những hành động ném đá giấu tay haygiả dạng ăn mày, thể hiện sự chân thành hay ngu ngơ tinh quái đã cho thấy rõ bản chất trong làm ăn của Trung Quốc.

Và với công cụ “sản lượng thép”, Bắc Kinh cũng sử dụng với mục đích và bản chất như vậy, song tác hại của nó gây cho đối phương mang hiệu quả kép với những sự nguy hại rất lớn cho kinh tế toàn cầu.

Bắc Kinh đang tìm cách trả đũa EU qua vụ cảnh báo không công nhận quy chế thị trường tự do đầy đủ cho kinh tế Trung Quốc mà thép giá rẻ là một nguyên nhân quan trọng của việc đình hoãn ấy. Thế là sản lượng thép trở thành công cụ hữu hiệu cho việc trả đũa này.

EU đang bấn loạn vì Brexit có thể xảy ra nên không khó khăn cho việc Bắc Kinh té nước theo mưa để tiễn người “bạn vàng” Anh quốc rời khỏi EU hoặc buộc EU phải trả giá đắt cho việc níu kéo này.

Đánh trực diện bằng công cụ “sản lượng thép” đã khiến cho Liên minh kinh tế lớn nhất thế giới này chao đảo. Và khi sử Bắc Kinh dụng công cụ này tấn công vào đối tác của EU thì hiệu quả còn cộng hưởng lên rất nhiều.

“Hãng thép Tata của Ấn Độ thông báo sẽ rút khỏi thị trường Anh quốc do thép giá rẻ tràn vào, chủ yếu từ Trung Quốc. Nếu Tata rời khỏi nước Anh, sẽ có hàng chục nghìn lao động nước này mất việc.

Theo đó vị thế của ngành công nghiệp thép tại xứ sở sương mù chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hồi đầu năm 2016, chỉ riêng việc Tata cải tổ hoạt động tại nhà máy Port Talbot, xứ Wales, đã khiến hơn 1.000 công nhân ra đường”, theo BBC. 

Người viết cho rằng, Trung Quốc sẽ tăng cường sử dụng công cụ “sản lượng thép” để có thể khiến thép Ấn Độ vắng bóng hẳn tại EU, nhằm dằn mặt Narendra Modi và giảm công hiệu của Modipolicies tại Lục địa già.

Nó cũng sẽ khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, nhất là tại Anh, khiến cho Brexit hiện hữu gần hơn. Trung Quốc đang là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, cung cấp 822 triệu tấn mỗi năm, chiếm gần 50% lượng thép thế giới nên điều đó không phải là không thể với Bắc Kinh.

Còn tại Đức, vào ngày 11/4, hơn 45.000 công nhân làm việc trong ngành thép của Đức đã xuống đường biểu tình. Họ yêu cầu giới chức có thêm các biện pháp nhằm ngăn chặn nguồn thép giá rẻ Trung Quốc đang ùn ùn đổ vào nước này.

Hiện tại, số phận của 3,5 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực và dịch vụ liên quan tới ngành thép ở Đức đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vừa rồi trong chuyến tham vấn tại Trung Quốc, nữ Thủ tướng Angela Merkel cũng chưa thể có giải pháp khả thi cho tình trạng này.

Còn tại Mỹ thì rõ ràng, với quyền lợi có được lớn hơn nhiều so với những gì bị Trung Quốc “cướp mất” nên có thể những biện pháp trừng phạt của Washington chi là “rung cây doạ khỉ”, hoặc thực hiện mang tính “chiếu lệ”.

Và có lẽ “Washington cần kiên nhẫn bởi các mối căng thẳng phải mất nhiều thời gian để giải quyết, vì Trung Quốc đã trở thành đại cường thế giới và cần phải được đối xử tương xứng”, như lời ông Scott Kennedy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington.

Như vậy là những đối thủ lớn của Bắc Kinh đã có những mâu thuẫn với nhau về lợi ích và thiệt hại trong cuộc chiến với sản lượng thép của Trung Quốc. Sản lượng thép Trung Quốc càng tăng thì mẫu thuẫn đó càng sâu sắc và điều đó càng có lợi cho Bắc Kinh.

Do đó, việc sản lượng thép tăng giảm là do ý đồ của Trung Nam Hải, chứ trách nhiệm của Bắc Kinh với kinh tế toàn cầu chưa được thể hiện và chưa biết bao giờ mới được thể hiện. 

Tăng sản lượng thép nhằm tăng thu ngoại tệ, hạn chế hậu quả cho kinh tế Trung Quốc khi George Soros tái xuất  

Người viết từng phân tích, khi Trung Quốc ngược đãi đầu tư nước ngoài và đặc biệt là sau khi cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Hoa Kỳ – Trung Quốc lần thứ 8 kết thúc trong bế tắc, thì giới đầu nước ngoài hướng về Trung Quốc chủ yếu hướng về thị trường tài chính và mũi nhọn kinh tế dịch vụ.

Điều đó lá sức hút khiến cho “nhà đầu tư đại tài” hướng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này để gây hại và kiếm lời. Thực tế tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào Trung Quốc đúng là như vậy.

“Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không tính đầu tư trong lĩnh vực tài chính, đổ vào nước này trong 5 tháng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, lên 54,2 tỷ USD.

Trong đó, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 70,4% , tăng 7% so với cùng kỳ của năm 2015, đạt 38,2 tỷ USD, trong khi FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất lại giảm 3,2%, chỉ đạt 15,5 tỷ USD và chiếm khoảng 28,8%”, theo Bnews ngày 13/6.

Trong khi đó, theo BBC Timeline thì ngành công nghiệp sản xuất thép của Trung Quốc không ngừng mở rộng.

Trong 25 năm qua, quy mô sản xuất thép của nước này đã tăng 12 lần, thì ngược lại, sản lượng của thép EU giảm 12%, còn công suất sản xuất trong ngành thép của Mỹ thì gần như không thay đổi.

Sự phát triển chóng mặt của ngành thép Trung Quốc đã đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng với 2 con số của nền kinh tế Trung Quốc trong mấy thập kỷ qua. 

Người viết cho rằng, dù tái cơ cấu của Tập Cận Bình không còn ưu đãi công nghiệp sản xuất – xuất khẩu, nhưng với ngành thép sẽ vẫn là ngành công nghiệp quan trọng. Bởi vậy chắc chắn Bắc Kinh có những cơ chế đặc biệt, riêng biệt cho ngành công nghiệp này.

Trung Quốc sự dụng thép giá rẻ kết hợp với dầu giá rẻ, từ đó cộng hưởng sự tác oai tác quái cho kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, thép giá rẻ có phần nguyên nhân từ giá dầu rẻ nên sự cộng hưởng càng cơ hữu hơn.

Và với sản lượng lớn như vậy, không khó nhận diện xuất khẩu thép mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho kinh tế Trung Quốc. Khi FDI tập trung vào kinh tế tài chính và dịch vụ, thì vốn đầu tư cho sản xuất sẽ hạn chế và nguồn ngoại tệ từ thép có thể được xem là kênh quan trọng bậc nhất cung cấp vốn cho đầu tư sản xuất nội địa.

Đặc biệt, khi thị trường tài chính của Trung Quốc hiện tại có bất ổn nên việc “bốc hơi” lượng tiền lớn như vừa qua có thể lâp lại khi G.Soros xuất chiêu.

Kinh tế tài chính chao đảo sẽ khiến cho kinh tế dịch vụ không thể khởi sắc và kéo theo kinh tế sản xuất đình trệ. Hiệu ứng lan truyền và cộng hưởng ấy có thể tạo nên nguy cơ một cuộc khủng hoảng cho kinh tế Trung Quốc.

Nếu nó xảy ra thì việc sụp đổ hoàn toàn nền kinh tế Trung Quốc là khó có thể tránh khỏi. Bởi lẽ, cùng một lúc chính phủ Trung Quốc không đủ lực để có thể chống chọi, khi nợ công đã quá lớn và những “của chìm” thì không thể trở thành “của nổi” vì Tập cận Bình đã răn đe điều ấy.

Do đó, cần phải có một trụ vững chắc cho nền kinh tế và khi tái cơ cấu chưa thể tạo ra thế và lực mới cho kinh tế Trung Quốc với 3 mũi nhọn chiến lược đang triển khai, thì cái trụ đã trở thành truyền thống – sản xuất và xuất khẩu thép – là lựa chọn quan trọng cho Bắc Kinh trong việc đối phó với bão từ thị trường tài chính, nếu Soros gây hại bằng việc gây tâm lý hoang mang, tạo nên hỗn loạn và tài chính bốc hơi.

Tóm lại, việc Trung Quốc không giảm sản lượng thép, thậm chí còn gia tăng năng suất, chứng tỏ Bắc Kinh vẫn tiếp tục thách thức với những cảnh báo từ cả đối thủ lẫn đối tác.

Nay “kẻ thù” tái xuất thì Bắc Kinh lại có thể sử dụng công cụ đặc biệt này để hoá giải những nguy hại hoặc hạn chế tác hại khi “kẻ thù gây chiến”. Trong khi đó, những thiệt hại mà công cụ “sản lượng thép” của Trung Quốc gây ra cho kinh tế thế giới là rất lớn.

Điều đó càng chứng tỏ rằng Trung Quốc thiếu trách nhiệm với những hậu quả mà họ gây ra. Và đến lúc này có thể thấy rằng, “hại người lợi mình” đã trở thành nguyên tắc trong quan hệ hợp tác của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới