Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNhật Bản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm...

Nhật Bản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông

Cùng với việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông để đảm bảo tự do và an ninh hàng hải, Nhật Bản với vai trò nước lớn ở khu vực và là đồng minh thân cận của Mỹ cũng đã có những hành động cụ thể phối hợp với Mỹ ở Biển Đông.

Hai tàu chiến Nhật Bản thăm Việt Nam

Biển Đông có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế và môi trường an ninh của Nhật Bản

Các tuyến đường hàng hải thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đi qua Biển Đông. Giao thông hàng hải trên Biển Đông là con đường huyết mạch của kinh tế Nhật Bản. Về khía cạnh an ninh, Biển Đông không đơn giản chỉ liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ giữa các nước ven biển, nó còn đặt ra một vấn đề lớn có thể gây ra một cuộc xung đột quân sự trực tiếp, làm xói mòn sự ổn định hiện tại và có khả năng đưa khu vực và thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có; điều này sẽ có tác động không nhỏ đến những nước trong khu vực và một số nước lớn có lợi ích ở Biển Đông, trong đó có Nhật Bản. Điểm cốt lõi trong mối lo ngại của Nhật Bản là việc Trung Quốc ngang nhiên áp đặt quyền cấm đoán đối với các lực lượng nước ngoài tiến vào khu vực Biển Đông và Trung Quốc sẽ tập trung các nguồn lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.

Biển Đông là một trong những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản

Nhật Bản can dự vào vấn đề Biển Đông là nhằm: Thứ nhất, đảm bảo tự do hàng hải, ổn định khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Thứ hai, phân tán sự chú ý và nguồn lực của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Thứ ba là hỗ trợ cho chính sách của Mỹ đối với Biển Đông với tư cách là đồng minh và cũng là quốc gia có lợi ích rất lớn ở Biển Đông. Thứ tư, tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á và nâng cao ảnh hưởng, vị thế của Nhật Bản trong khu vực cũng như trên thế giới.

Chính sách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Nhật Bản được đẩy mạnh dưới thời thủ tướng Shinzo Abe thông qua hàng loạt sự đổi mới về các quy định hạn chế về quốc phòng, chính sách đối ngoại tập trung hơn vào ASEAN, đẩy mạnh hợp tác với các nước có tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (18/2/2013) cho rằng, những lợi ích của Nhật Bản là thường xuyên duy trì các vùng biển ở châu Á hoàn toàn được tự do qua lại, hòa bình, đảm bảo cho các tuyến đường đó là lợi ích chung cho toàn thể nhân dân thế giới…

Với việc Chính phủ Nhật Bản (9/2015) thông qua Luật An ninh mới sẽ cho phép Nhật Bản có nhiều sự lựa chọn và cách tiếp cận hơn đối với các vụ việc liên quan an ninh của Nhật Bản theo Hiến pháp hiện hành. Theo Luật An ninh mới, về lý thuyết, một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng nước ngoài đồng minh (không phải là một hành động xâm lược trực tiếp nhằm vào Nhật Bản mà rõ ràng thách thức chủ quyền quốc gia của Nhật Bản và gây nguy hiểm cho sự ổn định cơ bản của Tokyo) thì Nhật Bản có thể áp dụng quyền phòng vệ tập thể và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) sẽ có thêm không gian hoạt động ở Biển Đông.

Nhật Bản đang có nhiều hành động cụ thể can dự vào tranh chấp Biển Đông, hỗ trợ một số nước nhằm đảm bảo an ninh và tự do hàng hải trong khu vực

Tăng cường hợp tác đa phương: Nhật Bản tích cực và chủ động tham gia các cơ chế an ninh do ASEAN làm chủ đạo, như ARF, ADMM, EAS nhằm giám sát và kiềm chế các hành vi đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông; chủ động lên tiếng ủng hộ các tuyên bố của ASEAN, các nước có tranh chấp ở Biển Đông, đưa ra các sáng kiến thành lập các cơ chế thảo luận ở mức độ rộng lớn về vấn đề hành hải, chẳng hạn như sáng kiến của Nhật Bản về việc thành lập “diễn đàn an ninh biển Đông Á” tại EAS vào năm 2011 hay đưa ra các sáng kiến và nguyên tắc kiểm soát xung đột trên biển tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 11. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, gần đây nhất là tại Hội nghị năm 2014, năm 2015 và năm 2016, Thủ tướng Shinzo Abe đã thảo luận và nêu vấn đề tự do hàng hải, vấn đề cải tạo đảo của Trung Quốc và tuyên bố của cả 3 hội nghị đều đề cập đến vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, Nhật Bản cũng tích cực tham gia các cuộc tập trận đa phương ở Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản và Australia (7/2011) đã thực hiện cuộc tập trận ba bên đầu tiên ở Biển Đông, ngoài khơi Bruney. Thông cáo của Nhật Bản cho biết cuộc tập trận chung nhằm tăng cường khả năng chiến thuật của hải quân Nhật Bản và củng cố mối quan hệ giữa hải quân ba nước. Giới chuyên gia cho rằng hành động đó mang ý nghĩa phối hợp giữa ba nước trong nỗ lực dài hạn ngăn chặn sự phát triển của hải quân Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương. Trong tháng 4/2016, tàu khu trục của JMSDF đã đi qua vùng Biển Đông để tham gia các cuộc tập trận hải quân đa phương do Indonesia tổ chức.

Thúc đẩy quan hệ song phương:Nhật Bản đẩy mạnh sự hỗ trợ và ủng hộ đối với các thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Với Philippines: Đầu tháng 7/2012, Nhật Bản và Philippines ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng và trao đổi quân nhân. Tokyo bắt đầu hỗ trợ Manila hiện đại hóa Lực lượng tuần duyên Philippines. Ngoài ra, Nhật Bản và Philippines cũng thỏa thuận về dự án Nhật Bản đóng 12 tàu tuần tra với nhiều trang thiết bị hiện đại. Nhật Bản cũng tiến hành cuộc tập trận trên biển và trên không đầu tiên với Philippines trong năm 2015. Ngày 29/2/2016, Nhật Bản đã ký thỏa thuận cung cấp trang thiết bị quốc phòng cho Philippines. Đây là thỏa thuận quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản trong khu vực, tạo ra một khuôn khổ cho việc cung cấp trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, theo đó giúp các nước châu Á tiến hành nghiên cứu triển khai các dự án phát triển chung. Các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ quyết định xem loại trang thiết bị nào sẽ được cung cấp. Ông Gazmin nhấn mạnh rằng “Thỏa thuận này là minh chứng thực sự cho thấy Philippines và Nhật Bản là đối tác chiến lược. Thỏa thuận này không chỉ nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của mỗi nước mà còn đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực”. Tháng 4/2016, một chiếc tàu ngầm của Nhật Bản cùng với hai tàu khu trục đã đến thăm vịnh Subic của Philippines – chuyến thăm cảng đầu tiên của tàu ngầm Nhật Bản đến Philippines trong vòng 15 năm qua. Với Việt Nam: Ngày 24/7/2010, trong buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm và Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada, hai bên đã đạt được nhận thức chung về việc tiến hành đối thoại chiến lược Nhật-Việt; đồng thời Ngoại trưởng Nhật Bản khẳng định “Nhật Bản không thể không quan tâm tới vấn đề Biển Đông”. Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng phòng vệ Nakatani Gen vào tháng 11 năm 2015, hai nước đã nhất trí việc tàu chiến Nhật Bản sẽ cập cảng Cam Ranh, tiến hành diễn tập chung trong hoạt động cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, tăng cường hợp tác phòng vệ, theo sát tình hình Biển Đông. Năm 2015, máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản sau khi kết thúc các hoạt động tuần tra chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia đã thăm Việt Nam. Trang mạng Sankei đăng tin lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đã đưa 2 máy bay PC3 đến Đà Nẵng trong 3 ngày (16-18/2) tiến hành diễn tập chung với Việt Nam; hai tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản – JMSDF, 4/2016) đã lần đầu tiên đến Vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Với Mỹ: Nhật Bản nhiều lần tuyên bố ủng hộ lập trường của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh và các hoạt động thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, cho rằng các hoạt đông của Mỹ sẽ có đóng góp thực sự cho ổn định khu vực. Theo Yoji Koda (nguyên Phó Tư lệnh JMSDF), để hỗ trợ các lực lượng Mỹ ở Biển Đông, JMSDF cần phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn đối với các hoạt động trên không và trên biển ở Tây Thái Bình Dương và Biển Hoa Đông. Việc gia tăng các sứ mệnh của JMSDF sẽ tạo điều kiện cho các lực lượng Mỹ triển khai linh hoạt hơn ở các khu vực khác, không bị ràng buộc với các hoạt động trong các vùng biển của Nhật Bản. Đặc biệt, JMSDF cũng đóng vai trò quan trọng khi chia sẻ gánh nặng, giảm bớt các nhiệm vụ cũ của Hải quân Mỹ và tăng cường hơn nữa khả năng đối với các hoạt động chiến tranh chống tàu ngầm ở Biển Đông. Thời gian gần đây, Hải quân và Không quân Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc bằng việc điều tàu USS Lassen và sau đó là máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực 12 hải lý của một số đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, Nhật Bản cần phải có hành động rõ ràng để hỗ trợ hoạt động tự do hàng hải của Mỹ. Nhật Bản có thể điều các tàu của JMSDF triển khai đến Vịnh Aden (đi qua các vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà theo luật quốc tế là các vùng biển quốc tế) để phục vụ cho các hoạt động chống cướp biển.

Dư luận nhìn chung đánh giá cao vai trò của Nhật Bản trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông

Các cuộc thăm dò gần đây về nhận thức của Đông Nam Á đối với Nhật Bản và các nước khác rất đáng chú ý. Cả hai Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đều đưa ra kết quả khảo sát cho thấy các quốc gia Đông Nam Á hoan nghênh vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản ở châu Á, trong cả lĩnh vực kinh tế và an ninh. Nhật Bản đứng đầu danh sách các nước lớn được các nước trong khu vực ủng hộ, sau Nhật Bản là Mỹ và Ấn Độ.

Theo chuyên gia Ernest Bower, thuộc Viện nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Australia, Hiệp ước hợp tác quốc phòng giữa Philippines và Nhật Bản được ký kết bởi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Nhật Bản tại Philippines, Kazuhide Ishikawa (2/2016) cho thấy Manila và Tokyo đang hướng tới thiết lập một khuôn khổ hợp tác mới. Theo đó, Hiệp ước cho phép Nhật Bản cung cấp cho Philippines công nghệ, thiết bị quốc phòng cũng như phối hợp thực hiện nghiên cứu, phát triển các dự án quốc phòng. Thỏa thuận an ninh song phương này được đưa ra khi các nước Đông Nam Á mong muốn có sự cân bằng lực lượng để đối phó với quyết tâm của Trung Quốc trong việc thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và phản ánh quyết tâm của Tokyo muốn đóng một vai trò an ninh lớn hơn tại châu Á.

Tờ Yomiuri Shimbun bình luận, việc Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định cho máy bay trinh sát P-3C tuần tra Biển Đông là do Trung Quốc đang thúc đẩy nhanh chóng quân sự hóa đảo nhân tạo ở đây. Động thái này cho thấy Nhật Bản sẽ can dự vấn đề Biển Đông để thúc đẩy thượng tôn pháp luật.

Thời gian tới, chính sách can dự vào vấn đề Biển Đông của Nhật Bản phụ thuộc vào nhiều yếu tố như xu hướng phát triển về tranh chấp ở Biển Đông, các hành động phi pháp của Trung Quốc, chính sách “tái cân bằng” của Mỹ, quan hệ của Nhật Bản và một số nước tồn tại tranh chấp ở Biển Đông. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới Nhật Bản chắc chắn sẽ gia tăng can thiệp vấn đề Biển Đông để kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ tự do và an toàn đi lại ở khu vực, giảm sức ép cho Nhật Bản trong vấn đề nhóm đảo Senkaku. Ngoài ra, cách tiếp cận của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa phương của ASEAN là nêu vấn đề tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp hòa bình và tuân thủ các luật pháp quốc tế, đưa ra các sáng kiến về an toàn, an ninh biển. Điều này hoàn toàn phù hợp và tương đồng với quan điểm của ASEAN cũng như các quốc gia tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Sự tương đồng này, cùng với thái độ chủ động và tích cực của Nhật Bản, vấn đê Biển Đông sẽ được duy trì và thảo luận liên tục trong chương trình nghị sự của ASEAN, lôi kéo được sự chú ý và quan tâm từ các đối tác bên ngoài của ASEAN như Ấn Độ, Nga…Việc biến vấn đề Biển Đông thành mối quan tâm chung của cộng đồng thế giới sẽ gây được áp lực đối với Trung Quốc, kiềm chế và giảm bớt hành vi quyết đoán và có phần hung hăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Nhật Bản còn một số hạn chế: Thứ nhất, vai trò và tầm ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao của Nhật Bản so với một số nước (Mỹ và Trung Quốc) còn hạn chế, do vậy Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng đối với khu vực về các vấn đề an ninh cũng như vấn đề Biển Đông. Thứ hai, Nhật Bản không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Trung Quốc có thể lợi dụng “yếu tố lịch sử” (Nhật Bản đã từng xâm chiếm một số nước ASEAN) để chia rẽ, gây mất đoàn kết trong quan hệ giữa Nhật Bản và một số nước ASEAN. Thư ba, việc triển khai Luật An ninh mới còn gặp nhiều khó khăn. 

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới