Tổng thống Joko Widodo ra lệnh cho lực lượng quân sự bảo vệ tốt hơn vùng biển ở quần đảo Natuna, trong cuộc họp nội các trên chính con tàu chiến từng bắn cảnh cáo tàu cá Trung Quốc hồi tuần trước.
Tổng thống Indonesia Widodo bên một khẩu pháo của tàu chiến KRI Imam Bonjol. Ảnh: AFP
Ông Widodo hôm qua dẫn đầu một phái đoàn cấp cao, bao gồm bộ trưởng Ngoại giao và tư lệnh lực lượng vũ trang, tới quần đảo Natuna ở Biển Đông. Ông tới một căn cứ hải quân trước khi được hộ tống lên tàu chiến KRI Imam Bonjol, khi các chiến đấu cơ bay trên đầu và tàu quân sự di chuyển ngoài khơi bờ biển.
Trong cuộc họp với các bộ trưởng và chỉ huy lực lượng an ninh trên chính tàu chiến tuần trước bắn cảnh cáo và bắt một tàu cá Trung Quốc cùng các thuyền viên ở vùng biển của Indonesia, ông Widodo ra lệnh tăng cường phòng vệ cho quần đảo Natuna. “Tôi đã đề nghị quân đội và cơ quan an ninh hàng hải bảo vệ tốt hơn vùng biển”, ông nói.
Một bức ảnh chính phủ công bố cho thấy ông Widodo đứng cạnh khẩu pháo trên khoang, xung quanh là các quan chức. Đây là lần đầu tiên ông Widodo thăm quần đảo Natuna với tư cách tổng thống Indonesia.
Ông Widodo (chính giữa) cùng các quan chức trên tàu chiến ở Biển Đông. Ảnh:AFP
Tại họp báo sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi cho biết ông Widodo muốn ưu tiên phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành thủy sản và năng lượng, ở quần đảo Natuna. “Việc phát triển các khu vực xa xôi nhất cần được xử lý đặc biệt và ưu tiên”, bà Marsudi nói.
Bộ trưởng cũng cho biết trong cuôc họp nội các, bộ trưởng Thủy sản báo cáo về dự án hợp nhất trong lĩnh vực thủy sản, còn tư lệnh quân đội báo cáo về kế hoạch xây dựng hệ thống phòng vệ xung quanh Natuna.
Natuna được biết đến là một trong những nguồn dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới và nguồn hải sản phong phú thu hút các tàu cá nước ngoài đến đánh bắt ở vùng biển này. Indonesia hiện có 16 lô dầu khí ngoài khơi ở Natuna và 5 lô đang được vận hành, còn lại đang trong quá trình phát triển, bà Marsudi cho biết.
Các quan chức Indonesia mô tả chuyến thăm của ông Widodo là thông điệp mạnh mẽ nhất với Trung Quốc, thể hiện cam kết bảo vệ chủ quyền Indonesia ở khu vực bên rìa Biển Đông. Bắc Kinh đầu tuần này tuyên bố dù Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền với Indonesia ở quần đảo Natuna, “một số vùng biển” của Biển Đông là đối tượng của “tuyên bố chủ quyền chồng lấn về quyền và lợi ích hàng hải”. Indonesia bác bỏ lập trường của Trung Quốc, cho rằng vùng biển xung quanh Natuna là lãnh thổ của Indonesia.