Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCampuchia ủng hộ Trung Quốc chống phán quyết của PCA sẽ gây...

Campuchia ủng hộ Trung Quốc chống phán quyết của PCA sẽ gây hại cho chính họ

Phe đối lập Campuchia cũng có thể dùng chính cách lập luận này để tuyên truyền điều tương tự, vu cáo và chụp mũ cho chính Hun Sen lẫn CPP, gây bất ổn.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: Yahoo News.

Phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen và đảng CPP cầm quyền về việc ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông và phản đối vai trò, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về việc áp dụng, giải thích và vi phạm UNCLOS 1982 trên Biển Đông đã làm dậy sóng dư luận.

Chính Thủ tướng Hun Sen đã tỏ ra rất giận dữ cho rằng dư luận đã không công bằng với Campuchia. Lần đầu tiên ông công khai tuyên bố sẽ không ủng hộ phán quyết của PCA, phản đối đưa vấn đề Biển Đông và phán quyết của PCA ra ASEAN với lập luận, đó là việc riêng của các nước có yêu sách. Các bên liên quan trực tiếp phải làm việc với nhau để giải quyết vấn đề.

Chúng ta nhìn nhận vấn đề này như thế nào, phản ứng ra sao theo cá nhân tôi là điều rất quan trọng đối với Việt Nam, vì nước ta có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp trên Biển Đông hoàn toàn không có tranh chấp, nhưng vẫn bị Trung Quốc xâm phạm với cái cớ yêu sách đường lưỡi bò. 

Dù nước khởi kiện Trung Quốc là Philippines chứ không phải chúng ta, song việc PCA ra phán quyết về vụ kiện tranh chấp áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 trên Biển Đông có ý nghĩa rất lớn đối với chúng ta trong hoạch định các chiến lược, sách lược bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông đang bị Trung Quốc xâm phạm.

Chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về một phạm trù pháp lý khác xin không bàn ở đây.

Nếu PCA hủy bỏ đường lưỡi bò phi pháp sẽ là lợi ích chung của khu vực, tại sao Campuchia lại phản đối?

Theo suy nghĩ của tôi với tư cách một người yêu công lý và làm khoa học, đồng thời đã từng có thời gian tham gia công tác lập pháp tại Quốc hội, xem xét một vấn đề pháp lý như vụ kiện của Philippines và phán quyết của PCA tới đây cần tư duy khoa học trên cơ sở các luận cứ khoa học, các nguyên tắc luật pháp quốc tế phổ quát được thừa nhận rộng rãi.

Với tinh thần đó, tôi cho rằng đường lưỡi bò Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông là vô lý, phi pháp và bành trướng hết chỗ nói. Tôi tin nó sẽ bị PCA bác bỏ. Cá nhân tôi rất ủng hộ và mong muốn PCA ra phán quyết hủy bỏ đường lưỡi bò. Tôi cho rằng có nhiều nhà khoa học, nhiều người cũng đồng quan điểm này.

Nếu PCA ra phán quyết hủy bỏ đường lưỡi bò sẽ rất có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, ngăn ngừa xung đột, bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Đồng thời phán quyết hủy đường lưỡi bò nếu xảy ra cũng sẽ rất có lợi cho công cuộc bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, các nhà chính trị khi phát biểu về vấn đề này thông thường xuất phát từ góc nhìn lợi ích quốc gia, dân tộc họ, họ nhìn theo lợi ích chính trị thay vì luật pháp quốc tế, chưa kể đến những tác động ảnh hưởng từ việc lôi kéo của Trung Quốc. 

Bởi vậy việc ông Hun Sen có những phát biểu tẩy chay phán quyết của PCA không phải chuyện gì đáng ngạc nhiên, cho dù người viết và phần đông dư luận không đồng tình.

Ông Hun Sen cũng đã tiết lộ phần nào lý do dẫn đến tuyên bố ủng hộ Trung Quốc, tẩy chay PCA: Là Thủ tướng Campuchia, ông phải chăm lo cho quyền lợi của Campuchia trước, và Campuchia là một nước nhỏ, nước nghèo.

Trung Quốc là một nước lớn mặc dù chưa phải là giàu, nhưng nhờ kích thước nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với rất nhiều ngoại tệ dự trữ, họ không tiếc tiền để viện trợ cho Campuchia và Lào cũng như quốc gia nào họ nhận thấy có thể tận dụng, tất nhiên là để phục vụ những mục đích và động cơ của riêng họ.

Còn Campuchia, Lào cũng như nhiều quốc gia đang phát triển rất khát vốn, cưỡng lại các món hời này từ Bắc Kinh là điều không thể.

Nhiều nhà phân tích quốc tế kể cả một số học giả Campuchia tin rằng, rất có thể Trung Quốc thông qua hoạt động viện trợ và đòn bẩy tài chính, kinh tế, thương mại, chính trị, ngoại giao để gây sức ép lên các quốc gia này.

Vì vậy nên cá nhân tôi không thấy lạ khi ASEAN phải rút lại tuyên bố chung về Biển Đông tại Hội nghị Đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc tại Côn Minh, Vân Nam vừa qua. Truyền thông quốc tế đưa tin, ba nước Campuchia, Lào và Myanmar đứng sau quyết định này.

Đây cũng là lý do tại sao Hun Sen nổi đóa và là một cái cớ để ông đưa ra phát biểu tẩy chay phán quyết của PCA. 

Phản ứng của ông Hun Sen cho thấy chúng ta cũng cần nhìn lại mình

Dư luận Việt Nam chúng ta có những quan điểm bức xúc trước phát biểu trên của Thủ tướng Hun Sen bởi trong suy nghĩ của nhiều người, Việt Nam và Campuchia cũng như Lào có quan hệ láng giềng mật thiết.

Ba nước đã từng gắn bó với nhau chặt chẽ trong suốt quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, chống thực dân và chống chế độ diệt chủng. Có thể nói là một sự gắn bó đi lên từ máu và nước mắt.

Những động thái ủng hộ Trung Quốc trên Biển Đông làm tổn hại lợi ích hợp pháp của Việt Nam, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đến từ nước láng giềng anh em thì bức xúc là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên trước khi chúng ta đòi hỏi Campuchia, Lào, Myanmar hay các nước khác có lập trường ủng hộ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, cụ thể là phán quyết dự kiến của PCA, thì bản thân chúng ta với tư cách liên quan trực tiếp, có lợi ích trực tiếp cần công khai lập trường cụ thể, càng công khai càng tốt.

Chính chúng ta phần lớn còn im lặng hoặc chỉ nói ra những nguyên tắc chung chung khi đề cập đến vụ kiện và phán quyết của PCA. Chính chúng ta chưa chính thức kêu gọi PCA hủy bỏ đường lưỡi bò, trong khi nếu PCA ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò thì sẽ rất có lợi cho chúng ta mà lại đòi hỏi các nước khác phải làm điều này trước chúng ta là điều vô lý và không khả thi.

Cá nhân tôi cho rằng, dù PCA có phán quyết thế nào, theo dự đoán hay không theo dự đoán của số đông thì chúng ta cũng nên xem đây là cơ hội quý báu về cách giải thích, ứng dụng UNCLOS 1982 trên Biển Đông để có đối sách phù hợp trong giai đoạn tiếp theo. 

Dù PCA ra phán quyết thế nào, chúng ta cũng sẵn sang phương án để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông trên cơ sở UNCLOS 1982.

Trước khi PCA ra phán quyết, chúng ta cần ủng hộ và kêu gọi PCA hủy đường lưỡi bò bất hợp pháp ấy. Sau khi PCA ra phán quyết, chúng ta cần nghiên cứu và chuẩn bị sẵn sàng các phương án để cho dư luận trong nước, khu vực, quốc tế hiểu rõ lập trường, hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đến đâu, đã và đang bị xâm phạm đến đâu.

Dư luận có hiểu rõ và thấy được tính chính nghĩa, hợp pháp của chúng ta thì chúng ta mới có được sự ủng hộ, cả trong và ngoài nước. Đây cũng là căn cứ để chúng ta tuyên truyền giải thích, cung cấp thông tin cho các nước đang hiểu chưa đúng về vấn đề này, như Campuchia hay Nga chẳng hạn.

Còn về phía Campuchia, dù có được những lợi ích kinh tế từ Trung Quốc nhờ việc ủng hộ lập trường bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, song không có nghĩa là Phnom Penh không phải trả giá. Xin được nêu ra một vài cái giá Campuchia sẽ phải trả khi đưa ra quyết định này.

Mất uy tín trước khu vực và cộng đồng quốc tế vì tiền hậu bất nhất

Campuchia cũng đã tính toán, cân nhắc thiệt hơn rất nhiều trước khi đưa ra những ý kiến như thế này. Tuy nhiên dù Thủ tướng Hun Sen có cho rằng dư luận khu vực, quốc tế “bất công” với Campuchia thì thực tế phát biểu của ông càng khiến dư luận rất khó thay đổi nhận thức ấy.

Bởi lẽ phán quyết của PCA là phán quyết của một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, một tổ chức trọng tài của Liên Hợp Quốc được quốc tế công nhận rộng rãi. Cho dù PCA chưa có cơ chế thi hành án, nhưng vẫn là một trong những cơ quan đại diện cho công pháp và công lý quốc tế.

Campuchia và Thái Lan từng đưa tranh chấp lãnh thổ với ngôi đền Preah Vihear ra cơ quan tài phán quốc tế. Thái Lan chấp hành phán quyết, và đương nhiên Campuchia chấp hành vì phán quyết có lợi cho họ. 

Rõ ràng cùng là cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, cùng là phán quyết đại diện cho công lý, Campuchia ủng hộ phán quyết và cơ quan tài phán ra phán quyết có lợi cho mình, nhưng lại tẩy chay phán quyết của một cơ quan tài phán quốc tế khác là tiền hậu bất nhất.

Đây là một tiền lệ rất xấu trong quan hệ quốc tế hiện đại. Bởi lẽ trên thế giới đầy rẫy mâu thuẫn và xung đột hiện nay, việc tuân thủ nguyên tắc trước sau như một trong ứng xử với các vấn đề pháp lý chính là xương sống đảm bảo cho luật pháp quốc tế được bảo vệ và thực thi.

Nên một chính khách quốc tế như ông Hun Sen lại tẩy chay, chống lại một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền trong một vụ tranh chấp pháp lý quốc tế thì khó chấp nhận và chỉ làm tổn hại uy tín cá nhân của ông ấy cũng như vương quốc Campuchia, chứ không có ý nghĩa và chẳng ảnh hưởng gì đến hiệu lực phán quyết của PCA.

Cũng giống như Trung Quốc, chỉ chọn các điều khoản nào của luật pháp quốc tế có lợi cho mình thì họ thực hiện, điều khoản nào bất lợi cho tham vọng của họ thì họ tìm cách đánh tráo khái niệm, giải thích sai lệch, thậm chí đe dọa rút khỏi UNCLOS.

Đây là một cách hành xử khôn lỏi và tiểu nhân, chỉ làm cho chính họ tự cô lập, tự đẩy mình ra ngoài lề con đường phát triển của nhân loại văn minh.

Hành xử không theo luật pháp và thông lệ quốc tế có thể là mầm mống chia rẽ, xung đột

Năm 1962 Tòa án Quốc tế vì Công lý (ICJ) đã ra phán quyết đền Preah Vihear thuộc lãnh thổ của Campuchia nhưng Thái Lan không chịu. Hai bên đã nổ ra những cuộc xung đột, căng thẳng, đối đầu dai dẳng ở biên giới trong nhiều năm. Máu đã đổ xuống ở cả hai phía.

Phải rất khó khăn hòa bình mới trở lại khu vực biên giới Thái Lan – Campuchia nhờ phán quyết lần thứ 2 của ICJ năm 2013.

Trong vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia ngày nay, mặc dù công tác đàm phán, hoạch định biên giới và phân giới cắm mốc trên bộ giữa hai nước diễn ra hoàn toàn công khai, minh bạch, đúng quy định, trình tự, thủ tục của các nguyên tắc pháp lý quốc tế, thông lệ pháp lý quốc tế phổ quát mà hai bên đã thỏa thuận, thống nhất lấy đó làm căn cứ, nhưng trong xã hội Campuchia vẫn có những chia rẽ về vấn đề này.

Có lẽ Thủ tướng Hun Sen là người hiểu rõ nhất, phe đối lập Cứu quốc Campuchia thường xuyên sử dụng chiêu bài “bản đồ”, ngụy tạo tài liệu, đánh tráo các khái niệm để tuyên truyền chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia gây bất ổn, chia rẽ sâu sắc trong xã hội đất nước chùa tháp chỉ nhằm mục đích lật đổ ông và CPP.

Mặc dù Thủ tướng Hun Sen và CPP đã chứng minh rõ sự trong sáng của mình và tính hợp pháp trong công tác đàm phán, hoạch định biên giới, phân giới cắm mốc với Việt Nam, nhưng không vì thế mà xã hội Khmer đã hết những nghi kỵ, xì xào.

Lý do của hiện tượng này một phần là vì xử lý các tranh chấp biên giới lãnh thổ là việc cực kỳ phức tạp, mang tính khoa học, kỹ thuật và pháp lý rất cao khó có thể nói dăm câu ba điều là người dân hiểu hết.

Một phần khác là bởi biên giới lãnh thổ, chủ quyền quốc gia đối với bất kỳ dân tộc nào cũng đều là yếu tố thiêng liêng, bất khả xâm phạm, đồng thời cũng là yếu tố nhạy cảm, mong manh dễ bị lợi dụng, dễ xuyên tạc kích động nhất.

Bởi vậy, biên giới lãnh thổ thường là đề tài được các lực lượng chính trị lợi dụng kích động dân chúng nhất, gây bất ổn xã hội nhằm thực hiện những ý đồ, mục đích của riêng họ. Bản thân Campuchia đang phải đối mặt với điều này và bước đầu chính phủ đã có những xử lý kịp thời, rốt ráo, yên được lòng dân.

Nhưng trong bình diện khu vực, thái độ “tiền hậu bất nhất” của Campuchia đối với phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế, lập trường ủng hộ Trung Quốc đánh đồng, “vo viên” tất cả các tranh chấp phức tạp, khác nhau ở Biển Đông thành tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ để né tránh phán quyết của PCA sẽ chính là mầm mống, là cái cớ để phe đối lập Campuchia lợi dụng chống lại CPP và ngài Hun Sen khi mùa bầu cử nữa lại sắp đến gần.

Ông Hun Sen và CPP ủng hộ Bắc Kinh phủ nhận vai trò, phán quyết của một tòa án hợp pháp, được thành lập đúng quy định và trình tự, thủ tục của Phụ lục VII, UNCLOS 1982 mà Trung Quốc có nghĩa vụ phải chấp hành với tư cách thành viên Công ước, với cáo buộc vô căn cứ rằng có “ai đó” đang thao túng Hội đồng Trọng tài.

Phe đối lập Campuchia cũng có thể dùng chính cách lập luận này để tuyên truyền điều tương tự, vu cáo và chụp mũ cho chính Hun Sen lẫn CPP, gây bất ổn cho chính xã hội Campuchia.

Cách phe đối lập Campuchia thường xuyên chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia thông qua sử dụng chiêu ngụy tạo bản đồ tài liệu, tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo lịch sử, đánh tráo khái niệm pháp lý…cũng chính là những gì Trung Quốc đã và đang làm trên Biển Đông.

Trong khi hòa bình, ổn định, trật tự và luật pháp quốc tế được tôn trọng ở Biển Đông là lợi ích chung của khu vực. Còn một khi để xảy ra xung đột đối đầu, thì lợi ích của Campuchia cũng không phải không bị đe dọa.

Bởi vậy thiết nghĩ đảng CPP và cá nhân Thủ tướng Hun Sen nên có cân nhắc kỹ trước khi quyết định ra tuyên bố tẩy chay phán quyết của PCA, bởi tiền hậu bất nhất trong ứng xử với các cơ quan tài phán quốc tế có thể sẽ là con dao hai lưỡi gây hại cho chính Campuchia khi phe đối lập thấy rõ bản chất vấn đề và cách thức ứng xử của chính phủ Campuchia liên quan đến các tranh chấp pháp lý.

Dễ dãi nhận tiền Trung Quốc có thể là một cái bẫy

Cảnh báo này đến từ chính các nhà nghiên cứu, nhà quan sát người Campuchia được VOA Khmer phản ánh ngày 31/5 mà người viết xin dẫn lại ở đây để thấy, tiêu đồng tiền Trung Quốc viện trợ, cho vay hay đầu tư không hề đơn giản.

Cá nhân tôi cho rằng, những cảnh báo này khá khách quan, nguy cơ thì hiện hữu và đã từng được dư luận quốc tế đề cập, mổ xẻ. Nhưng tốt nhất vẫn nên lắng nghe ý kiến này từ chính giới quan sát, học giả Campuchia.

Trung Quốc không gắn hoạt động viện trợ và cho vay với Campuchia vào vấn đề nhân quyền, dân chủ, nhưng lại gắn với các lợi ích địa chính trị, địa quân sự mà Bắc Kinh theo đuổi trên Biển Đông.

Heng Sreang, một nhà nghiên cứu chính trị Campuchia nói với VOA Khmer:”Trung Quốc chủ yếu kết bạn với một số quốc gia ở châu Á, châu Phi và biến các nước này thành con nợ hay con tốt của họ. Rất dễ để Trung Quốc thâm nhập các quốc gia này và khai thác tài nguyên khoáng sản, đầu tư vào các khu đất vàng, xây dựng các con đập để phục vụ cho lợi ích của họ”.

Nhà nghiên cứu này cho rằng, tình trạng hạn hán tồi tệ đang diễn ra tại Campuchia có khả năng đẩy đất nước Chùa Tháp vào tình cảnh ngày càng phụ thuộc hơn nữa vào nguồn vốn vay từ Trung Quốc.

Ông than phiền chính phủ Campuchia có thể đặt số phận dân tộc này vào tay Trung Quốc mà không tính đến các tác động trong việc trở thành con nợ của Bắc Kinh.

Kem Ley, một nhà nghiên cứu và vận động chính trị xã hội nói rằng, Campuchia nên tìm cách cân bằng trong các hoạt động đầu tư và cho vay của phương Tây với Trung Quốc.

“Nếu chúng ta gặp ngõ cụt trong quan hệ với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nợ không chỉ làm chúng ta đau khổ mà còn bế tắc về cả chính trị lẫn ngoại giao”, ông Kem Ley nói.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới