Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinLần đầu tiên Ủy ban châu Âu nhắc Trung Quốc về Biển...

Lần đầu tiên Ủy ban châu Âu nhắc Trung Quốc về Biển Đông

5 ngày sau khi Trung Quốc lên tiếng yêu cầu châu Âu đừng xía vào chuyện Biển Đông, ngày 23/6, Ủy ban châu Âu ra tuyên bố nhắc nhở quyền tự do hàng hải tại Biển Đông.

Thủ tướng Trung Quốc hội đàm với lãnh đạo châu Âu tháng 6/2015 tại Bỉ

Thái độ của Liên minh châu Âu đã thay đổi

Theo tuyên bố của Ủy ban châu Âu (cơ quan điều hành Liên minh châu Âu) đưa ra ngày 23/6, vì tất cả các quốc gia đều có quyền tự do lưu thông tại Biển Ðông và biển Hoa Ðông nên EU cần “cổ vũ Trung Quốc” gìn giữ trật tự quốc tế bằng cách tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo vệ sự ổn định ở khu vực Ðông Á.

Ủy ban châu Âu giải thích rằng, sở dĩ cơ quan này quan tâm đến việc bảo vệ quyền tự do lưu thông là vì tầm quan trọng đặc biệt của khối lượng hàng hóa lưu thông trên các hải lộ này đối với Liên minh châu Âu.

Ðây là lần đầu tiên, Ủy ban châu Âu bày tỏ sự lo ngại về quyền tự do lưu thông ở khu vực Ðông Á, đặc biệt là tại Biển Ðông.

Giống như Mỹ, Liên minh châu Âu từng khẳng định không đứng về phía nào trong số những quốc gia đang có tranh chấp về chủ quyền tại Biển Ðông. Tuy nhiên, trước chuỗi hành động trong thời gian vừa qua của Trung Quốc ở Biển Ðông: mở rộng các đảo tự nhiên, bồi đắp hàng loạt bãi đá thành đảo nhân tạo, xây dựng hàng loạt công trình, bài bố các thiết bị quân sự, cảnh cáo máy bay và tàu của nhiều quốc gia di chuyển ngang hoặc trên Biển Ðông rằng họ đang xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc… thái độ của Liên minh châu Âu đã thay đổi.

Càng ngày, Liên minh châu Âu càng tỏ ra lo âu về các diễn biến tại Biển Ðông. Ý kiến của Liên minh châu Âu về Biển Ðông không còn là những khuyến cáo và đề nghị chung chung mà nhằm thẳng vào Trung Quốc.

Hồi cuối tháng trước, khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra ở Nhật, ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (cơ quan hoạch định đường hướng hoạt động của Liên minh châu Âu), khuyến cáo G7 nên có “lập trường cứng rắn” đối với vấn đề Biển Ðông, bởi tình hình tại đó càng ngày càng tồi tệ hơn do sự thái quá của Trung Quốc.

Cũng dịp đó, ông David Cameron, Thủ tướng Anh, nhấn mạnh là Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế về Luật biển trong vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông. Ông Cameron bảo rằng, cần khuyến khích Trung Quốc trở thành một phần của thế giới có luật lệ.

Ðến đầu tháng 6 vừa qua, Tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, tuyên bố, tuy sẽ không can thiệp vào những vấn đề của các khu vực khác nhưng NATO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia ven Biển Ðông phát triển khả năng quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo và thực hành bảo vệ an ninh hành hải.

Tướng Pavel còn nói thêm là NATO sẽ theo dõi các hành động của Trung Quốc ở Biển Ðông một cách cẩn trọng và ủng hộ việc giải quyết bất đồng dựa trên các giải pháp ngoại giao. Ðối với tranh chấp chủ quyền tại Biển Ðông, Tướng Pavel đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế.

Kế đó, khi đến thăm Trung Quốc, bà Angela Merkel, Thủ tướng Ðức lập lại sự lo ngại về các diễn biến tại Biển Ðông và cho rằng, cần phải sử dụng một loạt cơ chế, kể cả đàm phán đa phương.

Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, không thích những lời kêu gọi chung chung, ông cho rằng Liên minh châu Âu nên tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên tại Biển Ðông.

Tuyên bố của EU được đưa ra 5 ngày sau khi Trung Quốc yêu cầu châu Âu nên đứng ngoài hồ sơ Biển Đông.

Ngày 17/6, phát biểu tại Bruxelles, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu yêu cầu khối này không nên can thiệp vào cuộc xung đột ở Biển Đông mà nên tập trung vào… nạn cướp biển thì hơn.

Bà Dương Yến Di, Đại sứ Trung Quốc tại EU, cho rằng các xung đột về chủ quyền ở Biển Đông liên quan đến lợi ích hàng đầu của Trung Quốc và việc giải quyết các loại bất đồng này không thuộc thẩm quyền của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển và các quy định của Công ước này, Trung Quốc đã làm như nhiều quốc gia khác và đã lựa chọn hình thức đàm phán song phương, thay cho một giải pháp có sự tham gia của bên thứ ba.

Bà Dương Yến Di yêu cầu Liên minh châu Âu không nên từ bỏ lập trường trung lập trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông và nên tập trung vào việc bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực, ví dụ như chống nạn cướp biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới