Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVụ kiện Biển Đông: Ai ủng hộ ai?

Vụ kiện Biển Đông: Ai ủng hộ ai?

Việc Philippines – một đồng minh thân cận của Mỹ kiện Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài quốc tế về yêu sách của Bắc Kinh, đòi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, đang trở thành một bài toán ngoại giao làm giới lãnh đạo các nước trên thế giới khó xử.

Dự kiến phán quyết của PCA sẽ có lợi nhiều hơn cho Philippines

Càng gần tới ngày Tòa Trọng tài thường trực (PCA) phán quyết, Bắc Kinh càng tăng áp lực để thuyết phục một số nước ủng hộ lập trường của mình trong cuộc tranh chấp Biển Đông.

Nếu như Mỹ đã và đang yêu cầu phương Tây và châu Á, gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của PCA thì Bắc Kinh lại tìm sự hỗ trợ từ các quốc gia – chủ yếu ở châu Phi và Trung Đông ủng hộ lập trường của họ: Bác bỏ vụ kiện của Philippines, cũng như bác bỏ thẩm quyền của bất kỳ cơ chế trọng tài, tòa án quốc tế nào đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Mặc dù Mỹ không phải thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1982) – căn cứ pháp lý để PCA thụ lý vụ kiện của Philippines – nhưng Washington tuyên bố họ muốn Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Vì không có cơ chế thực thi cho các phán quyết của PCA, do đó, tác động của vụ kiện, cũng như phán quyết của tòa, sẽ phụ thuộc vào cách thức phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Dưới đây là lập trường của một số bên về vấn đề Biển Đông và vụ kiện của Philippines:

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Từ nhiều năm trước ASEAN đã ra sức tìm một giải pháp ngoại giao để giải quyết các vụ tranh chấp Biển Đông, tuy nhiên để đạt được một giải pháp đồng thuận về phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế sẽ là một thách thức đầy khó khăn.

Là một nước cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn các thủ tục pháp lý liên quan tới vụ kiện này.

Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 2-6-2016, trước câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước khả năng Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của PCA, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Là quốc gia trực tiếp liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam ủng hộ giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Indonesia và Singapore mặc dù không tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng đã lên tiếng mạnh mẽ hơn. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakhrishnan từng nói, phán quyết của tòa quốc tế sẽ có những hệ quả vượt ra khỏi vùng Biển Đông và “Singapore không thể chấp nhận lý lẽ là thuộc về kẻ mạnh”.

Ngoại trưởng Indonesia không khẳng định lập trường về tính cách ràng buộc của phán quyết của tòa án quốc tế, nhưng cũng khẳng định luật pháp quốc tế phải được tôn trọng.

Nga

Trong chuyến công du sang Trung Quốc hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của các nước bên ngoài – một ám chỉ rõ ràng nhằm vào Mỹ, đồng thời phản đối bất cứ nỗ lực nào để quốc tế hóa các cuộc tranh chấp Biển Đông. Giống như Trung Quốc, Nga cho rằng các cuộc tranh chấp này phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên trực tiếp liên quan.

Các nước châu Phi, Trung Đông ủng hộ Trung Quốc

Ngày 14-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố, đã có gần 40 nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Bắc Kinh về vụ kiện của Philippines. Trong mấy tuần gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nêu bật lập trường ủng hộ của các nước, chủ yếu là ở châu Phi và Trung Á.

Nhưng trong số các nước được Bắc Kinh nêu tên, ít chính quyền nước ngoài nào ra thông báo để khẳng định lập trường của mình một cách độc lập. Một số, kể cả Campuchia, Lào và Fiji, còn phản đối cách Trung Quốc miêu tả lập trường của họ.

Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết, họ có thể xác nhận các tuyên bố chính thức của Afghanistan, Gambia, Niger, Sudan và Vanuatu mà thôi. Ngoài ra, Trung Quốc nói Liên đoàn Arập cũng ủng hộ họ, nhưng Bắc Kinh cũng không nói rõ sự ủng hộ đó có đại diện cho quan điểm chính thức của tất cả 21 thành viên Liên đoàn Arập hay không.

Liên minh châu Âu và khối G7

Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi tất cả các bên đòi chủ quyền Biển Đông phải giải quyết tranh chấp một cách hoà bình và dựa trên luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Khối 7 nước công nghiệp phát triển (G7) kêu gọi tất cả các nước phải hoàn toàn thi hành các phán quyết do các tòa án trọng tài quốc tế đưa ra dựa trên công ước này.

Trong tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian còn đề nghị các lực lượng Hải quân châu Âu phối hợp để thực hiện các cuộc tuần tra trên Biển Đông để khẳng định trật tự hàng hải quốc tế. Ông khuyến cáo, nếu luật pháp quốc tế trên biển không được tôn trọng trong vùng, thì luật pháp quốc tế tại các vùng biển khác như ở Địa Trung Hải cũng sẽ bị thách thức.

Australia

Vào tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói phán quyết do tòa án quốc tế đưa ra về vụ Philippines kiện Trung Quốc sẽ vô cùng quan trọng và sẽ “giải quyết một lần cuối cùng” liệu các đảo và bãi đá nhân tạo có quyền hưởng lãnh hải, hay vùng đặc quyền kinh tế không.

Nhưng Canberra không khẳng định rõ lập trường ủng hộ phán quyết của tòa án trọng tài như Mỹ, vì lo ngại về hệ quả của nó đối với việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh hải giữa nước này với Đông Timor.

Ấn Độ

Ấn Độ không tuyên bố lập trường rõ rệt về vụ kiện, nhưng ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế. Ấn Độ chia sẻ các quan tâm của Mỹ về những tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong các vùng biển của khu vực.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói: “Tất cả các quốc gia phải tuân theo pháp luật và các chuẩn mực về các vấn đề hàng hải quốc tế”. Bản thân Ấn Độ cũng là một “tấm gương” về việc này. New Delhi cũng đã chấp hành nghiêm túc phán quyết của PCA trong vụ Bangladesh đưa những bất đồng biên giới với Ấn Độ, Myanmar ra tòa, mặc dù phán quyết đó có lợi cho Bangladesh.

Nhật Bản

Nhật Bản là một trong các nước đầu tiên ủng hộ các nỗ lực của Philippines đưa Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài quốc tế và cho rằng, cả hai nước liên quan phải tuân thủ phán quyết của tòa.

Tokyo coi đó là việc phải làm để duy trì luật pháp quốc tế nhưng lập trường của Nhật Bản cũng phần nào phản ánh quan ngại của nước này về những hành động của Trung Quốc đòi chủ quyền của các tuyến hàng hải thiết yếu trên Biển Đông, nơi 80% các chuyến tàu nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản phải đi ngang qua.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới