Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCảnh giác trên Biển Đông sau Tuyên bố chung Trung - Nga

Cảnh giác trên Biển Đông sau Tuyên bố chung Trung – Nga

Khi Philippines bị Trung Quốc đưa vào tầm ngắm dùng vũ lực, thì cái gì đảm bảo mục tiêu tiếp theo sẽ không phải là Việt Nam? Lúc đó Nga sẽ phản ứng thế nào?

LTS: Càng gần ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Trung Quốc bị Philippines khởi kiện nội dung áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Trung Quốc càng tìm cách vận động lôi kéo các nước đứng về phía mình chống lại vai trò, phán quyết của PCA.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc vừa qua cũng đã ra tuyên bố chung với người đồng cấp Tập Cận Bình, trong đó có đề cập đến Biển Đông cũng như quan hệ giữa Trung – Nga với Hoa Kỳ và phương Tây có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Biển Đông.

Dù Việt Nam không phải nước khởi kiện, nhưng sẽ là quốc gia được hưởng lợi ích rất lớn cùng khu vực khi PCA ra phán quyết hủy bỏ đường lưỡi bò phi pháp. Dù vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông không có bất kỳ cái gọi là “vùng chồng lấn” nào với Trung Quốc nhưng vẫn thường xuyên bị Trung Quốc xâm phạm, đe dọa.

Tiến sĩ Trần Công Trục, một chuyên gia về biên giới lãnh thổ và Luật Biển, UNCLOS 1982 đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông xoay quanh vấn đề này, ngõ hầu làm rõ tính toán của các siêu cường có tác động ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông và hòa bình, ổn định trong khu vực.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này, văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Vai trò và lập trường chính thức của Nga trong vấn đề Biển Đông và vụ kiện của Philippines ngày càng được dư luận quan tâm, chú ý.

Cho đến nay về mặt ngoại giao Nga và Trung Quốc là hai đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Trung Quốc vừa là láng giềng sát vách có nhiều ân oán thăng trầm, vừa là nước đang chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa và 7 thực thể ở Trường Sa của Việt Nam, leo thang quân sự hóa Biển Đông gây căng thẳng trong khu vực.

Còn Nga là nhà cung cấp vũ khí trang bị lớn nhất của Việt Nam, đối tác chủ yếu của Việt Nam trong hoạt động khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam. Nói cách khác, các hoạt động hợp tác chủ yếu Nga – Việt hiện nay hầu hết có liên quan đến Biển Đông.

Bởi vậy những động thái hợp tác giữa hai nước này về vấn đề Biển Đông càng trở nên quan trọng trong tìm hiểu và nắm rõ ý đồ, tránh những thiệt hại không đáng có.

Tuyên bố chung Trung – Nga về Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam

Nội dung quan trọng nhất về Biển Đông trong Tuyên bố chung Trung – Nga được Nhân Dân nhật báo ngày 26/6 đăng tải như sau:

“Trung Quốc và Nga chủ trương căn cứ vào quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, bảo vệ chế độ luật pháp trên biển trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Tất cả các tranh chấp liên quan đều nên giải quyết thông qua đàm phán hiệp thương hòa bình hữu nghị giữa các bên đương sự, phản đối quốc tế hóa và can thiệp từ bên ngoài”.

Tiếp sau những phát biểu có chủ ý của Ngoại trưởng Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bây giờ là đến Tuyên bố chung Trung – Nga trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin, Nga đã thể hiện rõ lập trường rất có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông mà có thể đe dọa làm tổn hại lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, trong đó có Việt Nam.

Nếu như hai lần trước, Nga chỉ nói về “tranh chấp lãnh thổ / chủ quyền” ở Biển Đông phải được giải quyết qua đàm phán, phản đối quốc tế hóa và can thiệp của bên thứ ba, thì tuyên bố chung lần này, Nga đã chấp nhận phương án có lẽ do Trung Quốc chuẩn bị sẵn: “Tất cả các tranh chấp liên quan cần được giải quyết thông qua đàm phán”.

Lập trường này một mặt đã trực tiếp công khai thái độ của Nga với tất cả các tranh chấp pháp lý phức tạp ở Biển Đông chứ không chỉ còn là “tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ”, mặt khác còn công khai đòi gạt cơ quan tài phán quốc tế ra ngoài trong bối cảnh phán quyết của PCA đã sắp cận kề.

Điều được dư luận mong đợi nhất là PCA sẽ ra phán quyết hủy đường lưỡi bò bất hợp pháp, tránh để Trung Quốc vin cớ xâm hại quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia.

Về mặt pháp lý, tất nhiên Tuyên bố chung Trung – Nga hay bất kỳ phát biểu của chính khách, quốc gia nào cũng không ảnh hưởng đến phán quyết của PCA, đó vẫn là phán quyết có hiệu lực pháp lý của một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, cần được thực thi.

Nhưng việc đấu tranh với Trung Quốc buộc Bắc Kinh thực thi nghĩa vụ, trách nhiệm của một thành viên UNCLOS 1982 sẽ trở nên khó khăn hơn.

Dù Nga là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, chiếm một vị trí quan trọng trong tình cảm của không ít người Việt Nam, cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhưng theo người viết việc nào phải ra việc đó.

Chỉ có ứng xử công khai, minh bạch, tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc của luật pháp quốc tế mới giúp hai nước duy trì và bảo vệ tình hữu nghị được lâu dài. Do đó đã là bạn bè, cái gì sai chúng ta góp ý, đấu tranh, cái gì đúng chúng ta bảo vệ.

Vì tình cảm, vì giữ quan hệ mà né tránh những vấn đề tổn hại tới lợi ích quốc gia dân tộc chẳng những không giúp gì cho quan hệ hai nước, mà còn là mầm mống tạo nên nghi kỵ và chia rẽ.

Nga có lợi ích và tính toán của Nga, chúng ta cũng vậy. Để dung hòa và chia sẻ với nhau, cần có những đối thoại hết sức thẳng thắn, khách quan, cầu thị, chân thành trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Bởi lẽ ngoài tình cảm và mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc thì các hoạt động hợp tác quan trọng Nga -Trung đều liên quan đến Biển Đông, đều bị đường lưỡi bò đe dọa, đó là hợp tác khai thác dầu khí và hợp tác quốc phòng – quân sự.

Do đó chúng ta không thể không tính đến những nguy cơ bất lợi, thậm chí đe dọa quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong Tuyên bố chung Trung – Nga, rõ ràng Bắc Kinh muốn tận dụng tiếng nói của Moscow để tìm cách ngăn cản, xóa bỏ quyền sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình bằng con đường pháp lý, thông qua cơ quan tài phán quốc tế được quy định rõ trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS 1982 của các bên liên quan, trong đó có Việt Nam.

Cho dù đây là vụ kiện của Philippines, nhưng đối tượng mà Bắc Kinh nhắm tới theo tôi sẽ là Việt Nam, bởi dù sao Manila đã khởi kiện rồi. Trung Quốc không chỉ chống Philippines, Nga đứng về Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines không có nghĩa là chúng ta không bị ảnh hưởng.

Cảnh giác với nguy cơ trên Biển Đông

Chắc chắn Trung Quốc, Nga, Campuchia hay bất kỳ quốc gia nào đi nữa có lên tiếng phản đối thì PCA vẫn ra phán quyết. Đó là phán quyết hợp pháp của cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền về việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Tuy nhiên với những gì Trung Quốc đang thể hiện có thể thấy, dường như các nhà lãnh đạo nước này đang bất chấp tất cả uy tín và danh dự, luật pháp và công luận để thực hiện bằng được mục tiêu bành trướng Biển Đông và biến nó thành ao nhà.

Vì vậy nhiều người lo ngại, phán quyết của PCA có thể là cái cớ để Trung Quốc leo thang, phiêu lưu và có hành động nguy hiểm trên thực địa.

Ngoài những thông tin và bình luận từ truyền thông về khả năng Trung Quốc đơn phương rút khỏi UNCLOS hay áp đặt cái gọi là “vùng nhận diện phòng không” bất hợp pháp ở Biển Đông, thì xã luận Nhân Dân nhật báo ngày 27/7 lộ ra lời đe dọa, Trung Quốc có thể chiếm bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa hiện do Philippines chiếm đóng.

Bài xã luận nặng mùi thuốc súng của Nhân Dân nhật báo nói rằng, quân đội Trung Quốc hoàn toàn có thể kéo đổ xác con tàu cũ Philippines lấy làm nơi đóng quân ở bãi Cỏ Mây, nhưng vì sự ổn định của Biển Đông, Trung Quốc đã kiềm chế, kiên nhẫn cao độ. Tuy nhiên, “một tấc lãnh thổ của mình Trung Quốc cũng sẽ phải bảo vệ”.

South China Morning Post ngày hôm qua 27/6 đưa tin về bài xã luận này đã nhắc lại, tháng 11 năm ngoái, Lưu Chấn Dân – Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh “thực sự đã rất kiềm chế, nếu không đã thu hồi tất cả các đảo bị chiếm đóng ở Biển Đông”.

Vậy vấn đề đặt ra là, khi người lãnh đạo cao nhất Trung Quốc công khai 3 lần tuyên bố với thế giới về cái gọi là “chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc với các đảo trên Biển Đông từ thời cổ đại” thì không nên và không thể hiểu những phát ngôn đe dọa của Lưu Chấn Dân, Nhân Dân nhật báo chỉ là rung cây dọa khỉ, chót lưỡi đầu môi.

Người Trung Quốc vẫn có câu, vua không nói chơi. Những gì đang diễn ra trên thực địa với hoạt động củng cố chiếm đóng, phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông càng chứng tỏ điều đó.

Và khi Philippines bị Trung Quốc đưa vào tầm ngắm dùng vũ lực, thì cái gì đảm bảo mục tiêu tiếp theo sẽ không phải là Việt Nam? Lúc đó Nga sẽ phản ứng thế nào?

Nên nhớ, ngay từ khi còn là “đồng chí, anh em” môi hở răng lạnh, năm 1956 Trung Quốc đã chiếm nửa phía Đông Hoàng Sa, năm 1974 khi chúng ta đang tập trung vào thống nhất đất nước, họ xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa.

Và cũng nên nhớ rằng, tháng 3 năm 1988 khi Trung Quốc xâm lược Gạc Ma và thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ xây dựng tay không tấc sắt, hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh án binh bất động.

Những bài học lịch sử này theo tôi luôn có tính thời sự nóng hổi mà mỗi người Việt Nam cần nhớ nằm lòng, không được phép lãng quên mà dẫn đến sao nhãng, cả tin, hy vọng vào những điểu viển vông mà quên mất thực tại.

Nga đã ủng hộ Trung Quốc gạt bên thứ ba mà cá nhân tôi cho là bao gồm cơ quan tài phán, dư luận khu vực và quốc tế ra khỏi Biển Đông, gạt các giải pháp pháp lý được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS 1982 ra khỏi các kênh giải quyết vấn đề Biển Đông thì ai dám chắc, một ngày nào đó Trung Quốc động thủ ở Trường Sa, Nga không nhắm mắt làm ngơ?

Nói như vậy không phải là chống phá quan hệ Việt – Nga như một số người có thói quen chụp mũ, áp đặt lập trường và độc quyền chân lý vẫn hay thể hiện.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin, ảnh: SCMP.

Nói như vậy để chúng ta tỉnh táo. Bên cạnh việc củng cố giữ gìn tình hữu nghị quốc tế và tìm kiếm ủng hộ, chúng ta cũng cẩn cảnh giác đấu tranh với bất kỳ tính toán, hành vi nào phương hại đến độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam nói chung, trên Biển Đông nói riêng.

Nói như vậy cũng để tránh tâm lý chủ quan mất cảnh giác, tình cảm hóa, cảm xúc hóa các vấn đề chiến lược một cách duy ý chí kiểu như, đồng chí anh em thì không bao giờ hại nhau, láng giềng bè bạn thì không bao giờ phản nhau, nước này nước kia là số một, chỉ có nước này nước kia mới “tốt” với Việt Nam hay là “bạn bè thực sự” của Việt Nam….

Tỉnh táo, cảnh giác, hành động ứng xử theo pháp luật quốc tế thiết nghĩ mới là cách để bảo vệ tình hữu nghị mà không làm tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thượng tôn công lý, học hỏi các nước phát triển trong quan hệ với các nước lớn là cách bảo vệ mình tốt nhất

Lập trường của Đảng và Nhà nước Việt Nam không theo nước này chống nước kia, không liên minh quân sự với nước này chống nước khác, không cho bất kỳ nước nào sử dụng lãnh thổ Việt Nam chống lại một nước thứ ba theo tôi là hoàn toàn chính xác.

Có điều, chúng ta tuyệt đối không nên nhầm lẫn nguyên tắc chung sống hòa bình này với việc đấu tranh chống lại các âm mưu, hành vi bành trướng, cá lớn nuốt cá bé trong quan hệ quốc tế ngày nay cũng như trên Biển Đông.

Muốn phân biệt rạch ròi một hành động, một lựa chọn là chống lại các hành động bành trướng, xâm lược, vi phạm luật pháp quốc tế hay chống lại “một nước thứ 3”, thì cần phải dùng Công pháp quốc tế, công lý và lẽ phải làm thước đo, đặc biệt là trên Biển Đông với rất nhiều loại tranh chấp phức tạp như hiện nay.

Nga đang cần tiền Trung Quốc, còn Bắc Kinh đang cần uy tín của Moscow trong một số vấn đề quốc tế, cụ thể là chống phán quyết của PCA, theo tôi đó là sự thật không thể chối cãi.

Nhưng trong lịch sử, khi cả hai nước tuyên bố là đồng chí, anh em môi hở răng lạnh thì vẫn không thoát khỏi những tính toán lợi ích chi phối, cuối cùng trở thành thù địch.

Khi lợi ích giữa Liên Xô và Trung Quốc cùng một hướng, thì anh em mật thiết tưởng như không bao giờ, không một ai có thể chia rẽ. Nhưng khi lợi ích mâu thuẫn hay kèn cựa địa vị, lập tức quay ra cắn xé nhau. Diễn biến lịch sử quan hệ Trung – Xô suốt mấy chục năm trong và sau Chiến tranh Lạnh đã cho thấy điều đó. 

Ngay chính Việt Nam chúng ta cũng đã từng là nạn nhân của cạnh tranh ảnh hưởng giữa “anh cả với anh hai”, giữa các nước lớn, và ngay cả giữa chúng ta với Trung Quốc khi lập trường, lý tưởng, quan điểm khác nhau dẫn đến cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

Mà trong quan hệ quốc tế, những mâu thuẫn như vậy thường dẫn đến đổ máu với rất nhiều hệ lụy, hậu quả tai hại cho cả hai phía.

Mọi sai lầm đều sẽ phải trả giá. Nếu Nga đặt toàn bộ hy vọng vào Trung Quốc, chấp nhận đánh đổi trong cuộc chơi với Trung Quốc có thể sẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan.

Theo South China Morning Post ngày 26/6, Tổng thống Putin đã ca ngợi quan hệ Trung – Nga là “bao trùm tất cả”, nhưng hơn 30 văn kiện ký kết trong chuyến đi này phần lớn là những hiệp định khung, văn bản ghi nhớ mà thiếu những hợp đồng cụ thể.

Cầm được đồng tiền Trung Quốc không phải chuyện dễ dàng, còn uy tín và vị thế của Nga đang bị Trung Quốc lợi dụng là chuyện đã rõ như ban ngày.

Trong khi về lãnh thổ, Trung Quốc vẫn tuyên truyền cho người dân của mình về Điều ước Ái Huy, nhà Thanh đã mất một phần đất cho Nga Hoàng trong quá khứ để dân Trung Quốc không quên “nỗi nhục” này. Lúc nào vấn đề này phát tác còn phải xem thế và lực của Nga.

Bởi vậy người viết thiết nghĩ trong quan hệ quốc tế hiện nay, đã đến lúc chúng ta phải thoát khỏi tư duy hạn hẹp của Chiến tranh Lạnh, thoát khỏi vòng kim cô của phe phái, ứng xử một cách đàng hoàng, công khai, minh bạch trên tinh thần lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng, lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết trong quan hệ với các nước lớn, tìm kiếm tiếng nói chung, giảm thiểu bất đồng và ngăn ngừa xung đột.

Để phát triển đất nước, chúng ta cần phải học tập các nước phát triển về khoa học công nghệ, về kỹ thuật, về pháp lý, về quản trị, giáo dục…Bởi theo Các Mác, chúng ta muốn có một lực lượng sản xuất phát triển, hiện đại để xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì không thể không có khoa học công nghệ hiện đại.

Rõ ràng những yếu tố này chúng ta chỉ có thể học hỏi các nước phát triển phương Tây chứ không phải Triều Tiên hay Trung Quốc, và bản thân các nước này cũng phải mở cửa giao lưu, học tập thế giớ nếu không muốn bị tụt hậu.

Theo Tạp chí Cộng sản: Tại Đại hội VI – Đại hội khởi đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã phê phán bệnh chủ quan duy ý chí do vi phạm quy luật khách quan mà trước hết và chủ yếu là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Từ đó Đại hội đã rút ra bài học quan trọng là “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”, phải “làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, luôn luôn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất”. 

Đất nước chúng ta đang đứng trước những nguy cơ, thách thức sống còn, đồng thời cũng có những cơ hội, vận hội mới đang mở ra cho quốc gia, dân tộc phát triển bứt phá.

Nhận thức đúng đắn về các quan hệ quốc tế và gắn chặt nó với các hoạt động đối nội, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc mới có thể giúp chúng ta lớn mạnh, không bị biến thành nạn nhân cạnh tranh ảnh hưởng của các siêu cường dù cùng hay khác ý thức hệ.

Có như vậy chúng ta mới thực sự giữ được độc lập, tự chủ, mới bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, phức tạp như hiện nay.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới