Báo cáo của Quốc hội Mỹ đã đánh giá một cách toàn diện và nhận định, Hải quân Trung Quốc sẽ có bước tiến “khó tưởng tượng” trong tương lai.
Hải quân Trung Quốc: “Chạy nhanh từng bước ngắn”
Trang mạng Business Insider Mỹ dẫn nguồn tin từ một báo cáo được Quốc hội Mỹ công bố cho biết, hải quân Trung Quốc đang tiếp nhận sự “nâng cấp hiện đại hóa chưa từng có từ trước tới nay”, theo đó các lĩnh vực và lực lượng như tên lửa, tàu chiến, kỹ thuật thông tin và bảo đảm hậu cần đều có những tiến bộ mới và đang thu ngắn khoảng cách so với hải quân Mỹ, hướng tới một lực lượng hải quân có đẳng cấp trên thế giới.
Báo cáo của Quốc hội Mỹ cảnh báo, tính mục tiêu trong phát triển của hải quân Trung Quốc là rất mạnh, mọi giải pháp nâng cao thực lực đều là phục vụ sứ mệnh phát triển lực lượng hải quân một cách hiệu quả nhất. Tổng hợp lại thì hải quân Trung Quốc phải gánh vác năm trọng trách chính như sau:
Một là: Sử dụng quân sự để ngăn chặn ý đồ đòi độc lập của Đài Loan.
Hai là: Bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông (dịch nguyên văn)
Ba là: Bảo vệ lợi ích trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và quản lý hợp pháp các hoạt động quân sự của nước ngoài trong khu vực này;
Bốn là: Bảo đảm an ninh hàng hải của Trung Quốc và các đối tác quân sự và thương mại của Trung Quốc;
Năm là: Đối phó với “chủ nghĩa bá quyền” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời giúp Trung Quốc lớn mạnh trở thành một cường quốc thế giới.
Để hoàn thành những trọng trách trên, hiện nay hải quân Trung Quốc đang đẩy mạnh cải tiến các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hiện có trong kho, đồng thời tăng cường nghiên cứu chế tạo và mua sắm vũ khí trang bị mới như máy bay, tàu ngầm và tàu mặt nước.
Song song với sự nâng cấp phần cứng, Bắc Kinh cũng tự tin nâng cấp thực lực mềm của hải quân, trong đó giải pháp quan trọng nhất là thanh trừ các hiện trượng hủ bại trong quân đội, điều chỉnh lại cơ cấu nội bộ quân đội và cải thiện hệ thống bảo đảm hậu cần…
Để tránh kích động Mỹ và các nước xung quanh, tiến trình hiện đại hóa hải quân Trung Quốc phải bảo đảm ổn định và thận trọng, tất cả những hành động được cho là có nguy cơ dẫn đến chiến tranh đều được bỏ qua. Do đó, bản báo cáo gọi phương thức phát triển của hải quân Trung Quốc là “chạy nhanh từng bước ngắn”.
Với phương thức này, hải quân Trung Quốc sẽ vượt qua tuyệt đại đa số các đối thủ cạnh tranh xung quanh và từng bước thu hẹp khoảng cách tới mục đích cuối cùng là trở thành một cường quốc hải quân thế giới.
Phát triển hải quân: Năm lĩnh vực lớn cùng tiến
Nguyên tắc mà Bắc Kinh đề xướng cho bước phát triển của lực lượng hải quân là “sánh vai cùng tiến”, điều đó không những có thể tránh được sự manh mún trong phát triển tổng thể, mà còn có lợi cho việc hình thành năng lực tác chiến mang tính đồng bộ cao, tránh tình trạng tụt hậu trong một phương diện kỹ thuật nào đó.
Về cụ thể, tiến bộ trong phát triển hải quân Trung Quốc bao trùm lên năm lĩnh vực kỹ thuật lớn, đó là kỹ thuật tên lửa, kỹ thuật tàu chiến, kỹ thuật máy bay, kỹ thuật bảo đảm hậu cần và công nghệ thông tin.
Về lĩnh vực công nghệ tên lửa hải quân
“Business Insider” cho rằng, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình là hạng mục phát triển trọng điểm của hải quân Trung Quốc, trong đó, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” đã khiến Mỹ và các đồng minh phải lo ngại.
Tên lửa này có tầm bắn trên 1500 km, vượt qua cả bán kính tác chiến của các tiêm kích hạm trên tàu sân bay Mỹ, nếu hàng không mẫu hạm Mỹ có ý định nhắm vào các khu vực ven biển Trung Quốc thì DF-21D sẽ là cơn ác mộng của các biên đội này.
Về tên lửa hành trình hải quân, các chiến hạm Trung Quốc ngoài việc sở hữu tên lửa hành trình chống hạm SS-N-22 “Sunburn” và SS-N-27 “Club” mua của Nga ra, còn được trang bị các tên lửa sản xuất trong nước như YJ-83 và đặc biệt là YJ-18.
Loại tên lửa này đã được tạp chí “Jane’s Defence Weekly” liệt vào một trong 7 loại tên lửa hành trình chống hạm mạnh nhất thế giới hiện nay.
Chỉ với một quả đạn có thể làm mất đi hoàn toàn khả năng tác chiến của một chiến hạm Aegis của Mỹ. Khi đầu đạn nổ cách mục tiêu 50m, công năng chống bức xạ của nó có thể phá hủy 60% năng lực của hệ thống điện tử trên tàu đối phương.
Ngày 3 tháng 9 năm 2015, tên lửa YJ-18 đã lộ diện trong Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát xít được tổ chức tại quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh.
Về công nghệ chế tạo tàu thuyền
Được xem là lực lượng chủ yếu tác chiến trên biển, các chiến hạm cũng là đối tượng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây của hải quân Trung Quốc.
Báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết, Bắc Kinh lấy chiến thuật “chống tiếp cận” làm trọng tâm mục tiêu phát triển, đã mua ít nhất 12 tàu ngầm động cơ diesel-điện tiên tiến thuộc lớp Varshavyanka (NATO định danh Kilo) của Nga, đồng thời tự nghiên cứu chế tạo 4 lớp tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thế hệ mới (tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn và lớp Thương, tàu ngầm thông thường lớp Tống và lớp Nguyên).
Lầu Năm Góc cho rằng, so sánh với các tàu ngầm đã cũ thời kỳ chiến tranh lạnh, hải quân Trung Quốc đang nghiên cứu và chế tạo ra các tàu ngầm có năng lực tác chiến vượt trội.
Bản báo cáo nhận xét, tàu ngầm Trung Quốc không chỉ có khả năng tấn công tiêu diệt các tàu mặt nước trên biển, mà chúng còn có năng lực thực thi các nhiệm vụ bí mật tấn công các mục tiêu trên đất liền.
Lực lượng tàu mặt nước của hải quân Trung Quốc được phát triển nhanh từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Báo cáo của Quốc hội Mỹ viện dẫn quan điểm của một chuyên gia phân tích hải quân nước này cho biết, những năm gần đây, Bắc Kinh vừa mua sắm vừa tự nghiên cứu sản xuất và đã sở hữu nhiều tàu khu trục và tàu hộ vệ, trong đó có những loại tàu không chỉ nâng cao năng lực phòng không mà còn được nâng cấp khả năng tác chiến tổng hợp, không hề thua kém các tàu chiến phương Tây.
Trung Quốc có bước tiến dài trong công nghệ đóng tàu và tên lửa hải quân |
Đáng quan tâm nhất trong phát triển lực lượng hải quân Trung Quốc là kế hoạch phát triển tàu sân bay.
Mặc dù trước mắt hải quân Trung Quốc mới chỉ có một tàu sân bay Liêu Ninh và được cho là chỉ có tác dụng để huấn luyện, nhưng từ nhiều nguồn tin xác nhận Bắc Kinh đang khẩn trương sản xuất “nhiều tàu sân bay hơn”.
Về lĩnh vực chế tạo máy bay tác chiến biển
Năng lực kiểm soát không trung là bộ phận cấu thành không thể thiếu trong tác chiến trên biển, vì vậy hiện nay hải quân Trung Quốc đang bỏ nhiều công sức nghiên cứu chế tạo và cải tiến các loại máy bay trên hạm, máy bay cất cánh từ căn cứ trên đất liền và máy bay không người lái, cũng như các thiết bị tác chiến không trung khác.
Báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết, Bắc Kinh đã nghiên cứu chế tạo ra chiến đấu cơ J-15 trang bị trên tàu sân bay được mô phỏng từ Su-33 Flanker-D (hay còn gọi là Sea Flanker) của Nga, hiện Trung Quốc đã sản xuất 8 chiếc và đang ở giai đoạn bay thử.
Ngoài ra, máy bay không người lái của hải quân Trung Quốc cũng là tiêu điểm đáng chú ý của giới quân sự nước ngoài.
Nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, kế hoạch của Bắc Kinh từ năm 2014 đến năm 2023 sẽ chi khoảng 10,5 tỉ USD để sản xuất hơn 41.000 chiếc máy bay không người lái, và chúng sẽ được bố trí tại các căn cứ trên đất liền hoặc trang bị trên các chiến hạm.
Báo cáo nhận định rằng: “Đến lúc đó, Trung Quốc sẽ trở thành một trong số ít những cường quốc máy bay không người lái quân dụng trên thế giới, nâng cao rất nhiều năng lực và hiệu quả trinh sát, giám sát, định vị và tấn công hỏa lực”.
Phát triển mạnh năng lực bảo đảm hậu cần
Ngoài ra, hải quân Trung Quốc đang khẩn trương nghiên cứu chế tạo các căn cứ nổi di động (cảng nổi di động) trên biển.
Lầu Năm Góc cho rằng, mặc dù hiện nay kế hoạch này mới chỉ ở giai đoạn khái niệm, nhưng đó là hạng mục mà trong tương lai có thể phục vụ cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự. Một khi thành công, năng lực bảo đảm, sửa chữa, bảo dưỡng viễn dương của hải quân Trung Quốc sẽ được nâng cao chưa từng có.
Năng lực tác chiến thông tin hóa
Phát triển kỹ thuật thông tin hóa cũng là lĩnh vực được hải quân Trung Quốc rất coi trọng. Trọng điểm phát triển là năng lực trinh sát, giám sát, định vị mục tiêu trên biển và năng lực tác chiến mạng.
Hiện nay hải quân Trung Quốc được trang bị nhiều hệ thống radar cảnh giới tầm xa trên bờ, hệ thống trinh sát vệ tinh và hệ thống sonar đáy biển, tức là có khả năng trinh sát và giám sát có hiệu quả tình hình đột xuất xảy ra trên biển, cung cấp vị trí mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa.
Tác chiến mạng là một trong những hạng mục có tính bảo mật rất cao, hiện nay giới quan sát và phân tích quân sự nước ngoài không hiểu nhiều về phương thức tác chiến mạng của hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên có thể khẳng định, Bắc Kinh đã có sự đầu tư cực lớn cho lĩnh vực này, một khi xảy ra xung đột hay chiến tranh, tác chiến mạng sẽ là bộ phận không thể tách rời trong tác chiến trên biển.
Nhược điểm nhỏ khó cản bước Hải quân Trung Quốc
Báo cáo của Quốc hội Mỹ đánh giá, mặc dù hải quân Trung Quốc đã có những bước tiến dài trong tiến trình hiện đại hóa, nhưng họ vẫn tồn tại bốn nhược điểm và hạn chế, mà trong một thời gian ngắn chưa thể khắc phục được.
Tuy còn 4 hạn chế nhưng Hải quân Trung Quốc sẽ có bước tiến dài trong tương lai |
Thứ nhất là năng lực tác chiến liên hợp giữa hải quân và các quân binh chủng khác chưa mạnh; thứ hai là còn yếu về năng lực tác chiến chống ngầm; thứ ba là một số bộ phận then chốt trong chế tạo chiến hạm vẫn phải nhập khẩu; thứ tư là hạn chế về mức độ chính xác trong định vị mục tiêu tầm xa.
Tuy vậy, báo cáo cũng cho rằng, một trong những quân chủng có hàm lượng kỹ thuật cao, hiện đại hóa hải quân là quá trình tích lũy lâu dài, không thể thành công nhanh được. Thế phát triển hiện nay của hải quân Trung Quốc đã tương đối mạnh, những hạn chế tạm thời không thể kéo dài bước tiến phát triển lực lượng hải quân nước này.
Hải quân Mỹ phải gánh vác trách nhiệm toàn cầu, vì vậy tinh lực và nguồn lực không thể tập trung vào một khu vực nào đó được. Tuy nhiên, Trung Quốc thì không vấp phải những khó khăn như vậy, hải quân Trung Quốc vốn có ưu thế về địa lý và tập trung binh lực.
Trước mắt, Bắc Kinh chưa bộc lộ dã tâm toàn cầu và đang tập trung nguồn lực phát triển vào khu vực lợi ích then chốt. Điều này được ví như “dùng thép tốt làm lưỡi dao”, vì vậy tiến trình hiện đại hóa hải quân Trung Quốc sẽ đạt tốc độ khó mà tưởng tượng” – báo cáo của Quốc hội Mỹ viết.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn không hề nôn nóng trước sự phát triển của hải quân Trung Quốc. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc luôn kiên định với sách lược “kết liên minh” để đối phó với Bắc Kinh.
Washington muốn thông qua sự nỗ lực ủng hộ các quốc gia dân chủ hay các quốc gia thân phương Tây tại khu vực Thái Bình Dương để dệt một tấm lưới lợi ích lớn. Các nước đồng minh của Mỹ sẽ kiên định giăng tấm lưới để cùng ứng phó với một đối thủ hùng mạnh như Trung Quốc.