Saturday, December 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLàm luật ở VN, chuyện như đùa?

Làm luật ở VN, chuyện như đùa?

Phải chăng Việt Nam ngày nay không tìm được các luật gia tầm cỡ có thể chủ trì soạn thảo luật?

Ngày 28/6/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp khẩn với trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố khóa 13.  

Yêu cầu đưa ra là trước 15h ngày 29/6/2016, đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cử cán bộ trực tiếp mang phiếu biểu quyết của các Đại biểu khóa 13 về nội dung “hoãn thời gian thi hành bộ luật Hình sự 2015” bỏ vào hòm phiếu tại tòa nhà Quốc hội.

Lý do của sự kiện này là việc phát hiện hơn 90 sai sót trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015, nguyên nhân sai sót, theo một số ý kiến là do khâu “soạn thảo” và việc biểu quyết có phần “lơ đễnh” của Đại biểu Quốc hội .

Không cần quá tinh tế cũng có thể thấy ngay nguyên nhân thứ nhất bởi từ xưa đến nay “lỗi soạn thảo, lỗi đánh máy, lỗi thư ký…” luôn được sử dụng để sửa một lỗi khác, đó là “lỗi lãnh đạo”!

Nguyên nhân thứ hai “sự lơ đễnh” của Đại biểu Quốc hội thì người viết chưa đồng tình cho lắm. Có thể một số người nhận thấy, ẩn phía sau hai lỗi này là một lỗi thuộc về cơ chế, thuộc về chỉ đạo nhưng chưa có điều kiện nói ra.

Nghị quyết số1135/2016/UBTVQH13 về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV đã đưa ra những số liệu dự kiến, ví dụ:

Đại biểu là người ngoài Đảng: từ 25 – 50 đại biểu; Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): khoảng 50 đại biểu; Đại biểu là người dân tộc thiểu số: phấn đấu trúng cử ít nhất 90 đại biểu bằng 18% tổng số đại biểu Quốc hội;…

Với cơ cấu dự kiến như vậy, có hai câu hỏi đặt ra:

Thứ nhất: Quốc hội là cơ quan lập pháp hay chỉ là cơ quan “kiểm định” các văn bản luật mà Chính phủ soạn thảo? 

Nếu Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất thì việc soạn thảo, ban hành luật phải là nhiệm vụ của Quốc hội, không phải là nhiệm vụ của Chính phủ.

Chính phủ là cơ quan hành pháp chứ không phải lập pháp.

Việc giao cho các Bộ soạn thảo văn bản luật liệu có phải là do Quốc hội không đủ nhân sự, hoặc không đủ chuyên môn để làm luật?

Một khi cơ quan hành pháp lại đồng thời là cơ quan soạn thảo văn bản luật thì câu chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là điều khó tránh. 

Một bất cập dễ nhận thấy là mỗi Bộ chỉ phụ trách một lĩnh vực, khi xây dựng luật chung cho quốc gia thì tư tưởng “địa phương” là không thể tránh khỏi, điều này được chứng minh qua Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học… mới ban hành đã bị phê phán khá mạnh mẽ, thậm chí công nhân một vài nơi còn nghỉ việc đề phản đối điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội.

Do chủ trương, do sự phân công hay do tâm lý “ỷ lại” trông chờ “viện trợ” đã ăn sâu vào tiềm thức một bộ phận dân cư trong đó có các Đại biểu Quốc hội mà Quốc hội chưa hoặc không muốn trực tiếp soạn thảo luật?

Năm 2004, thế giới kỷ niệm 200 năm Bộ Luật Napoléon ra đời, bộ luật chỉ do một Ủy ban gồm 4 Luật gia nổi tiếng chủ trì soạn thảo. Ngày nay Bộ Luật Dân sự Pháp có 2.285 điều và 1.200 điều trong đó được giữ từ Luật Napoléon.

Phải chăng Việt Nam ngày nay không tìm được các luật gia tầm cỡ có thể chủ trì soạn thảo luật như nước Pháp cách đây 200 năm nên vẫn phải sử dụng “công chức” các Bộ để soạn thảo luật?

Không có sự phân định rạch ròi giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp là nguyên nhân dẫn đến sự chồng chéo, yếu kém của quá trình làm luật hay còn vì đội ngũ “làm luật” mà chúng ta đào tạo mấy chục năm qua chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn xã hội?

Khắc phục sự yếu kém của nền giáo dục, Đảng – Nhà nước đã thành lập Ủy ban Giáo dục quốc gia, liệu có nên thành lập “Ủy ban Luật quốc gia” để chuyên tâm soạn thảo luật thay vì phân cho các Bộ như hiện nay?

Thứ hai: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia hay một tổ chức xã hội đại diện cho các tầng lớp cư dân?

Quy định phải có đủ các thành phần công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên, dân tộc ít người… về ý nghĩa chính trị có thể hiểu được, rằng Quốc hội đại diện cho mọi thành phần xã hội. Nhưng mặt khác nó cũng cho thấy hạn chế của “sự đa dạng” này.

Yêu cầu một nam Đại biểu Quốc hội người dân tộc Mảng 25 tuổi (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu)  hay một nữ Đại biểu Quốc hội dân tộc Dao 24 tuổi (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) nghiên cứu, góp ý các điều khoản Luật.

Chẳng hạn, đó là Bộ Luật Hình sự thì sự chủ động bấm nút đồng ý hay phản đối có phải là đặt một trách nhiệm quá lớn vượt quá khả năng một đại biểu trẻ, có phải là một yêu cầu hợp lý? 

Khoan chưa nói đến hiểu biết về luật pháp, chỉ nói về vốn sống và kiến thức xã hội của thế hệ trẻ ngày nay đã có nhiều chuyện phải bàn. 

Một người từng có thẻ nhà báo còn chưa biết dùng từ thế nào cho phải đạo khi nói về tổn thất mà đất nước, quân đội và gia đình phải gánh chịu qua các vụ tai nạn máy bay vừa qua thì việc “lơ đễnh” hay bấm nút theo “phong trào” của Đại biểu Quốc hội không phải là chuyện không thể xảy ra. 

Đấy là còn chưa nói đến việc bấm nút hộ khi biểu quyết thông qua luật mà báo chí và chính các vị lãnh đạo Quốc hội đã đề cập.

Công chức Việt Nam như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có 30% “cắp ô”, còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng nếu có quyền, ông sẽ “sa thải 40% nhân viên”. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đánh giá: “Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng”. 

Tổng kết kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc phát biểu: “Công tác hiệp thương, giới thiệu, lựa chọn ứng cử viên vẫn còn có hạn chế, đó là việc loại một số ứng cử viên ứng cử Đại biểu Quốc hội trong hiệp thương lần thứ 3 mà được cử tri nơi cư trú, cử tri ở cơ quan tín nhiệm đã gây dư luận không tốt”.

Mặc dù không thể suy luận một cách tùy tiện nhưng sẽ không sai khi cho rằng một khi ý kiến của Tổng Bí thư đã đúng đối với “cán bộ, đảng viên” thì cũng đúng với tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, bao gồm cả Quốc hội bởi 95,8% Đại biểu Quốc hội là đảng viên.

Có bao nhiêu người thuộc loại “cắp ô, sa sút phẩm chất, thoái hóa” trúng cử khóa 14 giống như một đại biểu Hậu Giang mà Tổng Bí thư phải yêu cầu xem xét? 

Có bao nhiêu người phẩm chất, tư cách tốt nhưng có những hạn chế mặt này, mặt khác lại trúng cử do yêu cầu cơ cấu? 

Nếu “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên “tay đã nhúng chàm” lại trở thành Đại biểu Quốc hội, nếu có những người vì “cơ cấu’ mà trúng cử chứ không phải do trình độ thì lấy gì đảm bảo những đạo luật sẽ được xem xét cẩn trọng, chính xác trước khi ban hành? 

Lấy gì đảm bảo những đạo luật đã được Quốc hội phê chuẩn thời gian qua không tồn tại nhiều bất cập?

Để tránh lặp lại những sai sót không được phép trong quá trình làm luật thiết nghĩ lãnh đạo Quốc hội cũng cần có ý kiến cụ thể như lãnh đạo Đảng, Chính phủ. 

Một khi tổng Bí thư đã yêu cầu phải làm trong sạch Đảng, Thủ tướng yêu cầu làm trong sạch Chính phủ thì Nhân Dân cũng có yêu cầu phải làm trong sạch Quốc hội bởi Quốc hội là cơ quan đại diện cho quyền lực của Nhân Dân.

RELATED ARTICLES

Tin mới