Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinĐài-Loan: Formosa là bài học đắt giá trong chiến lược 'hướng Nam'

Đài-Loan: Formosa là bài học đắt giá trong chiến lược ‘hướng Nam’

Các phương tiện truyền thông Đài Loan phản ánh quan điểm của các quan chức và báo giới nước này đồng tình với Việt Nam trong vụ Formosa làm cá chết.

Việt Nam tuyên bố Formosa là thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung vào hồi tháng 4

Báo Đài Loan: Formosa nhận lỗi và đền bù thiệt hại 500 triệu USD

Ngay tối hôm 30/6, Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, Chính phủ Việt Nam đã chính thức tuyên bố, Nhà máy gang thép của Tập đoàn Formosa Đài Loan đặt tại Vũng Áng – Kỳ Anh – Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra sự kiện cá chết hàng loạt ở khu vực biển miền Trung Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 6/4/2016, nhà máy này đã xả nước thải độc hại chưa qua xử lý ra biển, theo dòng hải lưu chảy theo hướng Nam, gây ra ô nhiễm môi trường suốt dọc dải bờ biển miền Trung Việt Nam, thuộc địa bàn bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Hôm 28/6, Formosa đã chính thức thừa nhận trong giai đoạn vận hành thử do các nhà thầu phụ được họ tuyển chọn và ký hợp đồng thực hiện, đã có những sai sót trong quá trình vận hành thử nghiệm, do đó đã gây ra sự cố vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường biển Việt Nam.

Hãng thông tấn CNA của Đài Loan đưa tin chi tiết và trung thực về vụ việc kèm theo thông cáo xin lỗi của tập đoàn Formosa Plastics (tập đoàn mẹ của Formosa Việt Nam) trong đó khẳng định phía doanh nghiệp Đài Loan “tôn trọng kết quả điều tra của chính phủ Việt Nam”.

Lãnh đạo chi nhánh Formosa ở Việt Nam cũng đã công khai xin lỗi Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam vì gây ra vụ cá chết ở miền Trung và khẳng định sẽ không để lặp lại những vụ việc tương tự, đồng thời cam kết bồi thường 500 triệu USD cho những thiệt hại họ gây ra.

Tờ Apple Daily cũng có bài viết xác nhận, doanh nghiệp lớn của Đài Loan là Tập đoàn Formosa Plastics đã chính thức thừa nhận dự án đầu tư của mình tại Vũng Áng – Kỳ Anh – Hà Tĩnh của Việt Nam đã thải chất độc hại ra môi trường biển gây hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam.

Bản tin của CNA cũng trích dân thông cáo của cơ quan đối ngoại vùng lãnh thổ Đài Loan kêu gọi các nhà đầu tư của họ phải tôn trọng luật pháp của nước sở tại cũng như chịu trách nhiệm xã hội để không ảnh hưởng tới hình ảnh của Đài Loan và quan hệ đối ngoại của hòn đảo này.

Bài học đắt giá trong chính sách “hướng Nam”

Trang tin “Tiêu điểm Bình luận” của Đài Loan đưa tin, Chính phủ Việt Nam cho đây là sự kiện “ô nhiễm môi trường lớn chưa từng có trong lịch sử” và là một vụ án điểm về môi trường của nước này. Đây cũng là sự cố đáng xấu hổ tiếp theo đối với Formosa và các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan.

Sau khi Formosa nhận lỗi và cam kết bồi thường, Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam còn yêu cầu nhà máy này phải dỡ bỏ hoặc nâng đường ống nước thải chạy ngầm dưới đáy biển Vũng Áng cao lên trên mặt biển để chính phủ giám sát việc xả thải ra biển.

Thời báo Tự do của Đài Loan đưa tin, Chính phủ Việt Nam vào ngày 30/6 đã tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra là Công ty Hưng Nghiệp Formosa xả thải độc hại trực tiếp ra biển, Formosa đã thừa nhận và cam kết chịu trách nhiệm bồi thường số tiền là 16,1 tỷ Đài tệ (500 triệu USD).

Tờ Liên Hợp cũng đăng tải một loạt bài bình luận về hành vi sai trái của Formosa dưới nhiều góc độ khác nhau và coi đây là vụ việc “đáng xấu hổ” với tập đoàn mẹ Formosa Plastics của ông Chủ tịch Vương Văn Uyên, ngay trước thềm ngày họ dự định bắt đầu mẻ luyện thép chính thức đầu tiên vào 2/7.

Theo bài báo, đây cũng là “bài học đắt giá” với không chỉ riêng Formosa mà đối với tất cả các nhà đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan, trong chính sách “hướng Nam” của vùng lãnh thổ này (hướng tới tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á).

Ông Huang Chih-fang, Chủ nhiệm Văn phòng chính sách “hướng Nam” khẳng định, sự cố sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác giữa Đài Bắc với Đông Nam Á, nhưng khuyến cáo các doanh nghiệp Đài Loan cần có sự hiểu biết về luật pháp, quy định bảo vệ môi trường ở các địa phương tới đầu tư.

Điểm lại quá trình điều tra vụ cá chết hàng loạt

Bắt đầu từ ngày 6/4 năm nay, xảy ra sự kiện cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân lần lượt xuất hiện ở bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiện Huế. Chính phủ Việt Nam cho đây là sự kiện “ô nhiễm môi trường lớn chưa từng có trong lịch sử”.

Xem clip người đứng đầu Formosa Hà Tĩnh đã chính thức nhận trách nhiệm và xin lỗi Nhân dân Việt Nam vì đã gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung tháng 4/2016:

Sau đó, xuất hiện những chứng cứ ban đầu cho thấy rất có thể là Nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa đặt tại khu công nghiệp Vũng Áng thuộc huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh là thủ phạm xả thải chưa xử lý ra biển, chảy theo dòng hải lưu vào đến Thừa Thiên Huế gây ra hiện tượng cá nhiễm độc và chết hàng loạt, dạt vào bờ biển.

Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, Ngành nhanh chóng lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, bao gồm các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế để điều tra sự cố cá chết ở miền Trung, với quan điểm “đúng người, đúng tội, không nể nang, né tránh”.

Trong quá trình điều tra, để đảm bảo yêu cầu điều tra nghiêm túc nhưng cũng tránh sai sót, gây ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại và đầu tư nước ngoài, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đưa ra một số giả thuyết ban đầu, sau đó tìm luận cứ khoa học để loại bỏ dần các nguyên nhân khách quan như ô nhiễm biển do tảo biển tăng sinh và cuối cùng đi đến kết luận nguyên nhân cá chết là do Formosa thải hóa chất độc hại chưa qua xử lý ra biển.

Trước những luận cứ khoa học và thực tế vững chắc của phía Việt Nam, mặc dù ban đầu kiên quyết không thừa nhận nhưng đến ngày 28/6, Formosa đã phải cúi đầu nhận trách nhiệm, xin lỗi nhân dân Việt Nam và cam kết bồi thường những thiệt hại mà doanh nghiệp Đài Loan – Trung Quốc này đã gây ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới