Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững ai phải chịu trách nhiệm về làm luật sai?

Những ai phải chịu trách nhiệm về làm luật sai?

Về vụ việc để xảy ra sai sót trong Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định trách nhiệm chung thuộc về tập thể Quốc hội, sau đó sẽ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng cá nhân.

Tại buổi họp báo công bố Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH1. Ảnh:KN

Hàng chục sai sót được phát hiện trong Bộ luật Hình sự 2015. Những lỗi này được khái quát thành 5 dạng, trong đó chủ yếu do lỗi kỹ thuật, không có lỗi sai về quan điểm, chủ trương…

Nhiều sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015

Tại buổi họp báo công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc lùi thời hạn thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, sáng 30/6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban (UB) Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Luật cho biết, ngay khi nhận thông tin phản ánh của cử tri và nhất là của cơ quan tư pháp về việc Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều sai sót, UB Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo UB Tư pháp của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan liên quan khác, tiến hành rà soát, tập hợp các lỗi sai phân loại lỗi. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan này, ông Luật khẳng định, những sai sót chủ yếu về lỗi kỹ thuật, còn quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chính sách hình sự thì không sai.

Tuy nhiên, những sai sót này có thể ảnh hưởng đến quá trình thực thi Bộ luật hình sự, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vấn đề này.

Trả lời chi tiết hơn về những điều khoản có sai sót được phát hiện trong Bộ luật Hình sự 2015, ông Luật cho biết, có gần 90 lỗi. Những lỗi này được khái quát gồm 5 dạng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng bổ sung thêm về những sai sót cụ thể đã phát hiện ở 5 dạng. Theo đó, ở phần quy định chung của Bộ luật có những điều khoản mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với các quy định cụ thể về tội phạm; Một số quy định bỏ lọt các điều khoản hoặc có các điều khoản bị trùng lắp về định lượng (như định lượng ma túy, số tiền chiếm đoạt…); Trong một số quy định có cấu thành định lượng không khả thi; Việc sắp xếp các khung hình phạt không có sự tiếp nối thể hiện mức độ trừng phạt nghiêm khắc tăng dần, gây khó khăn cho việc xác định áp dụng; Tại một số điều luật của Bộ luật có quy định viện dẫn tới một số điều luật khác nhưng sự viện dẫn này không đúng.

Đề cập đến hệ quả, tác động của việc phải lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự vừa được sửa đổi, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Luật khẳng định, trước hết, Quốc hội cần thời gian để rà soát lại một cách kỹ lưỡng toàn bộ Bộ luật đã ban hành.

Ông Luật cũng cho biết, việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015 cũng khiến một số Bộ luật khác như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam, luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự phải đồng thời lùi hiệu lực thi hành. Lý do là trong các Bộ luật này có viện dẫn các điều, khoản của Bộ luật Hình sự.

Ông Luật cũng nhấn mạnh, việc lùi hiệu lực thi hành là để thực hiện đồng bộ chứ các luật này không có sai sót gì. Quốc hội cũng chỉ thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2016 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 chứ không sửa những Bộ luật khác.

Làm rõ trách nhiệm từng cá nhân

Trả lời báo giới về việc để xảy ra sai sót lớn trong nội dung Bộ luật Hình sự 2015/QH13, Quốc hội sẽ cá thể hóa trách nhiệm và xử lý trách nhiệm như thế nào, Quốc hội có gửi lời xin lỗi đến cử tri, nhân dân không?, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nêu: “Để xảy ra sai sót này có trách nhiệm của Quốc hội, trong đó có cá nhân tôi là một trong những người ấn nút tán thành bộ luật. Tôi thấy có lỗi với cử tri về việc này…”.

Ông Hùng cho biết: “Tới đây, sẽ tiếp tục làm rõ hơn trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, sau đó sẽ có xử lý cần thiết. Việc có xin lỗi hay không, tôi nghĩ rằng Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá sau khi làm rõ những vấn đề như trên…”.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Luật cũng nhận trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội, và trước Đảng, trước nhân dân. Ông Luật cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định trách nhiệm chung thuộc về tập thể Quốc hội, sau đó sẽ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng cá nhân.

RELATED ARTICLES

Tin mới