Monday, January 13, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu có một “ Asean.. Exit”?

Liệu có một “ Asean.. Exit”?

Hiếm có một quốc gia nào đó ở ASEAN sẽ đòi ra khỏi cộng đồng này như một vụ “Brexit” ở EU song không thể chủ quan.

Mạng tin “The Diplomat” vừa đăng bài viết của tác giả Termsak Chalermpalanupap, thuộc Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Singapore, cho rằng có nhiều điều để tin rằng một “X-exit” sẽ không xảy ra (X là tên một nước ASEAN nào đó) sau vụ Brexit lùm xùm ở EU.

Tác giả trên nêu ra 4 nguyên nhân khiến ASEAN khó lòng tan vỡ như EU đang khủng hoảng hiện nay.

Thứ nhất, ASEAN xưa nay không can dự đến chính trị nội bộ của mỗi nước. Cùng với đó, cũng chưa từng có một mối liên hệ nào giữa việc ủng hộ hay phản đối ASEAN tới tâm lý người dân các nước ASEAN trong các cuộc bầu cử. Do đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đều hiểu rằng, việc kêu gọi trưng cầu dân ý ra khỏi hiệp hội sẽ chẳng đem lại bất kì một lợi ích chính trị nào cho họ.

Thứ hai, khác với EU, các thỏa thuận ký kết giữa các nước ASEAN gần như không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân các nước này. Người dân các nước ASEAN không có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, và tự do làm việc tại các nước ASEAN khác. Do đó, các nước thành viên ASEAN nhìn chung không phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến nhập cư như những gì Anh và một vài nước EU khác đã và đang phải trải qua.

Thứ ba, không ai ghét Jakarta như người dân Anh ghét Brussels. Dù là một phiên bản của Brussels nhưng tại Jakarta, ASEAN chỉ có một Ban Thư ký với nhân sự khoảng 300 người, kém rất xa bộ máy bị coi là quan liêu, cồng kềnh lên tới hơn 30.000 người của Ủy ban Châu Âu (EC).

Ban Thư ký này cũng không có quyền thiết lập luật pháp chung cho cả khối như EC. Thêm vào đó, các thành viên ASEAN đóng góp một phần bằng nhau vào ngân sách hoạt động của Ban Thư ký không như tại EU, các nước giàu phải đóng góp nhiều hơn các nước nghèo vào hoạt động của khối. Do đó, người dân ASEAN không có lý do gì để ghét Jakarta.

Cuối cùng, thứ tư, Hiến chương ASEAN không hề có điều khoản về sự rút lui như điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Các quyết định chính sách của ASEAN được đưa ra trên nguyên tắc đồng thuận, do đó về mặt lý thuyết, nếu các thành viên còn lại không đồng thuận thì không nước nào được “exit” cả. Tất nhiên nước đó vẫn có thể không đến dự các cuộc họp, không đóng góp tài chính cho ASEAN nữa.

Bài học nhãn tiền đối với ASEAN sau vụ Brexit là các lợi ích của hợp tác khu vực không phải luôn luôn là một sự hiển nhiên. Một bài học khác là người ta không thể tiếp tục giả định rằng sự hợp tác trong khu vực sẽ tiến triển theo chiều hướng đi lên tích cực.

Kết luận bài viết, tác giả  Termsak Chalermpalanupap cho rằng,  nguy cơ một vụ “X-exit” xảy ra trong khối ASEAN gần như không tồn tại, ASEAN vẫn được coi là hữu ích cho tất cả các nước thành viên theo những cách khác nhau, nhưng cũng không thể suy nghĩ một cách chủ quan rằng ASEAN là một hiệp hội không thể thiếu đối với mọi thành viên.

Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN đầy tranh cãi

Thực chất, ASEAN mới đây đã gặp phải một sự bất nhất quán trong việc ra rồi rút lại tuyên bố chung với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trong Hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc-ASEAN ở TP. Côn Minh (Vân Nam, TQ) hôm 14/6 vừa qua.

Điều thiếu nhất quán này xuất phát từ việc Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishman đồng chủ trì hội nghị với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bỏ về vào phút cuối để thể hiện sự không đồng thuận.

Sau đó, Trung Quốc ra bản tuyên bố chung và khẳng định đã được thông qua với vị Ngoại trưởng Singapore trong cuộc họp báo sau Hội nghị.

Tuy nhiên, Malaysia đã ra một văn bản tuyên bố và gọi đó là tuyên bố chung đồng thuận giữa các nước ASEAN. Sau đó, bản tuyên bố này bị rút về bởi Lào và Campuchia phản đối.

Cuối cùng, chỉ có Singapore, Malaysia và Việt Nam ra tuyên bố riêng thể hiện rõ những quan điểm trong bản tuyên bố chung ban đầu, trong đó bày tỏ lo ngại hoạt động đơn phương, cưỡng chiếm trên Biển Đông thời gian qua.

Đây lại cũng không phải lần đầu ASEAN lâm tình cảnh này khi trong hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Campuchia hồi năm 2012- năm Campuchia làm chủ tịch ASEAN, nước này đã ngăn không cho ASEAN ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc .

Tờ Straits Times (Singapore) hôm 16/6 đã đăng bài “Bản đồng thuận của Trung Quốc gây chia rẽ ASEAN”. Trong đó, báo này dẫn lời một nhà ngoại giao ASEAN giấu tên nhận định: “Việc Malaysia quyết định công khai bản tuyên bố đã thể hiện nỗi thất vọng của 5 nước thành viên sáng lập ASEAN và Việt Nam trước sự thô lỗ và ngạo mạn của Trung Quốc”.

Vụ việc này lần nữa cho thấy ASEAN đang bị chia rẽ trước mưu đồ bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới