Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐiểm tinNhận diện nguy cơ Trung Quốc khống chế ngành chăn nuôi heo...

Nhận diện nguy cơ Trung Quốc khống chế ngành chăn nuôi heo của Việt Nam

Người chăn nuôi heo Việt Nam đang phải đối mặt với “3 mũi tên nguy hại: Rủi ro bởi thiên tai dịch bệnh – thiệt thòi qua ưu đãi – mơ hồ về đối thủ”.

Ông Vy Hướng Mạnh tại trại chăn nuôi heo VietGAP ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai

Ngày 24/6/2016, Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc công bố Danh sách các quốc gia, khu vực đáp ứng yêu cầu và được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt, bao gồm cả thịt heo, sang Trung Quốc.

Danh sách này không có tên Việt Nam, khiến cho việc xuất khẩu thịt heo của Việt Nam theo chính ngạch vào Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương.

Động thái này diễn ra ra sau khi thương nhân Trung Quốc vừa tạo nên một “cơn sốt heo” tại Việt Nam từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2016.

VnExpress ngày 21/4 đưa tin, trong nửa cuối tháng 4/2016, “thủ phủ heo” lớn nhất cả nước, huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai trở nên nhộn nhịp hơn khi nhiều thương lái ồ ạt đi thu gom heo, đặc biệt là heo mỡ để bán sang thị trường Trung Quốc. 

“Giá heo hiện nay có nơi đến 54.000 VND/kg, tăng từ 3.000 VND/kg đến 4.000 VND/kg so với hồi cuối tháng 3/2016. Dù giá cao vậy nhưng việc gom đủ số hàng để đi cũng không phải dễ dàng với các thương lái.

Một mặt người dân lo sợ dội hàng nên nuôi không nhiều, mặt khác họ đang găm heo lại để chờ giá lên cao hơn nữa”, theo lời một tài xế chuyên chở heo có tên là Hùng cho hay.

Còn một thương lái chuyên mua heo xuất đi Trung Quốc, tên là Lan, ngụ tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai thì cho biết, tình hình thu mua heo xuất đi Trung Quốc đã trở nên rất nóng.

“Trước đây mua heo người ta gọi điện tới tấp, nay mình phải đặt trước, nếu không thì người khác mua mất”, VnExpress dẫn lời thương lái này cho hay.

Và tình hình được đẩy gần như đến mức cao trào khi báo Thanh Niên ngày 5/5 đưa tin, heo hơi bán tại các trại heo ở Đồng Nai đã tăng tới “mười mấy giá” trong những ngày đầu tháng 5/2016.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 4/2016, giá heo hơi ở các tỉnh phía nam tăng 7.000 – 8.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 3/2016, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, việc các thương lái gom heo đưa đi Trung Quốc không còn lạ trong mấy năm trở lại đây. Trung bình một ngày có hàng nghìn con heo được chở ra Bắc để bán qua biên giới.

Khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu heo lớn thì giá cả đội lên, tuy nhiên khi họ ngừng mua thì thị trường bị dội, giá lại rớt xuống.

Và quả thật là như vậy, tờ Kinh tế Nông thôn (kinhtenongthon.vn) ngày 20/5 đưa tin, theo ghi nhận tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc cho thấy, từ trung tuần tháng 5/2016, thương lái Trung Quốc đã tạm dừng thu mua heo mỡ của Việt Nam, khiến cho lượng hàng này bị dồn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc và giá heo hơi giảm mạnh so với trước đó.

Cụ thể, giá heo hơi mấy ngày đầu tháng 5/2016 chỉ còn 50.000-51.000 đồng/kg, thậm chí một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Hà Nam, Bắc Ninh… đã giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg, giảm từ 7.000 VND/kg đến 8.000 VND/kg so với khoảng 1 tuần trước đó.

Đây là diễn biến đã được cảnh báo từ trước, theo tờ Kinh tế Nông thôn.

Thực ra, sự việc này không có gì mới và bản chất của nó không khác gì “Những cơn sốt mơ hồ” mà người viết đã từng phân tích. Vậy nhưng tại sao nó vẫn diễn ra và người dân Việt Nam vẫn là người thiệt hại, còn thương lái Trung Quốc thì làm loạn thị trường Việt Nam, gây ra nhiều hệ luỵ cho kinh tế – xã hội của Việt Nam?

Vì rủi ro “thiên tai” luôn rình rập nên người chăn nuôi heo Việt Nam đành phải mạo hiểm với “nhân tai” 

Có thể thấy rằng, “những cơn sốt mơ hồ” luôn liên quan đến lợi ích mà người Trung Quốc mang đến và thiệt hại mà người Trung Quốc gây ra cho người dân các nước trên thế giới – trong đó có người dân Việt Nam.

Bản chất của vấn đề được nhận diện là lợi ích tăng nhanh nhưng không xác định được cơ sở, còn thiệt hại cũng tăng nhanh nhưng lại xác định được nguyên nhân – đó là chiêu trò của người Trung Quốc.

Chỉ cần nhận diện như vậy là đã thấy lợi bất cập hại cho người nông dân Việt Nam nếu chạy theo “những cơn sốt mơ hồ” mà người Trung Quốc tạo ra.

Tuy nông dân Việt Nam đã thấy rõ nguy cơ này và đã từng phải trả giá, nhưng khi người Trung Quốc gây ra những “cơn sốt” mới tới thì người nông dân Việt Nam có thể quên ngay những “giọt lệ đã rơi”. Tại sao vậy?

Có thể thấy rằng, lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng, là lĩnh vực phụ thuộc vào thiên nhiên và điều kiện ngoại cảnh nhiều nhất trong số các lĩnh vực kinh tế ngành của một nền kinh tế quốc dân.

Từ khí hậu cho đến thời tiết, từ địa điểm cho đến địa hình đều có thể làm thay đổi hiệu quả của ngành chăn nuôi, có thể biến lãi thành lỗ chỉ trong chốc lát như một cơn gió độc thổi qua chuồng gà mùa gió chướng.

Và ai cũng biết, tác hại của “thiên tai” luôn lớn gấp nhiều lần tác hại của “nhân tai”, và người Việt Nam thì đã khái quát điều ấy qua câu nói cửa miệng: Người hại không đáng lo, Trời hại mới đang sợ.

Và chính vì phải “nhờ Giời” nên hiệu quả của sản xuất nông nghiệp trong đó có chăn nuôi, phụ thuộc vào “ơn Giời” rất lớn. Đặc biệt, trong thời kỳ biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay thì “ông Trời” có thể “nổi giận” bất cứ lúc nào và hậu quả của người chăn nuôi vì thế không thể lường trước được.

Dư luận đặc biệt là bà con nông dân hẳn chưa thể quên, dịch heo tai xanh đã khiến cho nhiều trại heo hàng ngàn con chỉ trong vài ngày đã trở nên xơ xác – nỗi niềm cay đắng không thể viết thành lời, không thể nói nên lời, khi chứng kiến cảnh “người phải khóc heo”.

Theo báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn) ngày 28/3/2011, câu chuyện trại ông H chết một lúc 2.000 con heo ngay trước tết năm 2011, thiệt hại 8-10 tỷ VND, trại bà M. chết 3.000 heo nái phải kêu xe tải chở xác heo đi tiêu hủy trong đêm, luôn là một nỗi ám ảnh với giới chăn nuôi heo tại Đồng Nai.

Trong khi đó, nếu chạy theo “cơn sốt heo” của thương nhân Trung Quốc, trại ông H. gom 2.000 heo nhưng rồi không bán theo giá sốt được vì “cơn sốt hạ nhiệt”.

Giả thiết, giá heo giảm mất 25% so với trước khi sốt, tức là giảm khoảng : 40.000 x 25% = 10.000 VND/kg. Nếu mỗi con heo nặng 100 kg, thì số thiệt hại sẽ là: 2.000 x 100 x 10.000 = 2 tỷ VND.

Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với thiệt hại bởi dịch tai xanh. 

Như vậy, rủi ro bởi thiên tai dịch bệnh đối với người chăn nuôi heo luôn rất lớn, chỉ một cần một lần “ông Trời nổi giận” là có thể khiến cho hàng loạt những tỷ phú trở nên khánh kiệt, phá sản vì nợ nần.

Ai đã từng phá sản, từng sống trong cảnh bị nợ nần réo rắt mới thấy được việc tranh thủ nắm bắt thời cơ để kiếm đồng lời, đề phòng lúc “ông Trời nổi giận”, quan trọng đến mức nào.

Thời cơ thì chỉ thoáng qua, nhưng rủi ro thì luôn rình rập. Bởi thế, khi “cơn sốt” đến thì luôn được xem là cơ hội nên cần phải chớp lấy ngay, cho dù nó có “mơ hồ” như thế nào đi chăng nữa.

Người viết cho rằng đây mới là lý do chính khiến người nông dân Việt Nam – trong đó có người chăn nuôi heo phải chạy theo những cơn sốt mơ hồ, chứ không phải vì họ “tham và dại”.

Có thể thấy rằng, nguy cơ mà “ông Trời” mang đến cho người chăn nuôi Việt Nam đáng sợ hơn rất nhiều nguy cơ mà thương nhân Trung Quốc mang tới. Vì vậy, có thể người chăn nuôi Việt Nam biết rõ rủi ro khi làm ăn với thương nhân Trung Quốc nhưng vẫn chấp nhận, nhắm mắt đưa chân là vì như thế.

Rõ ràng, thiệt hại của người chăn nuôi heo do thiên tai dịch bệnh gây ra rất khủng khiếp. Nếu dịch bệnh bùng phát, thậm chí có người gục ngã và ám ảnh cả đời vì những thiệt hại đó.

Vì thế khi thương nhân Trung Quốc lùng sục mua heo, tạo nên “cơn sốt heo” thì người chăn nuôi sẽ lao theo. Có thể họ đoán biết rủi ro, nhưng nếu nghĩ tới nguy cơ thiệt hại bởi thiên tai dịch bệnh thì họ không ngừng bám theo cơn sốt.

Bởi vậy, “những cơn sốt mơ hồ” do thương nhân Trung Quốc tạo ra trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam có thể sẽ vẫn lặp lại trong tương lai.

Người chăn nuôi heo Việt Nam chưa được trang bị “vũ khí hữu hiệu” để có thể chống lại các thủ đoạn của thương lái Trung Quốc

Có thể thấy rằng, hai yếu tố khiến cho người chăn nuôi Việt Nam lao theo những “cơn sốt” của thương nhân Trung Quốc là liên quan tới tài chính và rủi ro.

Vì vậy, để người chăn nuôi heo tránh bị thiệt hại bởi những cơn sốt này thì họ phải miễn nhiễm với hai yếu tố nêu trên. Hay nói cách khác là nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp phải giúp cho người chăn nuôi heo những công cụ có thể né rủi ro, tránh thiệt hại.

Theo cá nhân người viết thì cỏ 2 giải pháp được xem là công cụ trợ giúp cho người chăn nuôi miễn nhiễm với hai hệ luỵ gây ra bởi những cơn sốt này, đó là lãi suất ưu đãi cho nợ vay đầu tư chăn nuôi heo, công tác dịch tễ, phòng chống dịch bệnh chăn nuôi.  

Thứ nhất là về ưu đãi qua lãi vay cho người chăn nuôi. Đây là câu chuyện đong đầy nước mắt, bởi với người chăn nuôi không có mấy chữ “ưu đãi lãi vay chăn nuôi”.

Mặc dù Chính phủ có ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, nhưng thực tế thì việc triển khai những nghị định rất khó khăn.

Bởi lẽ, theo báo Giao Thông (baogiaothong.vn) ngày 5/10/2015 thì người chăn nuôi phải chịu lãi vay nghịch lý – cao hơn lãi vay tiêu dùng.

Trong khi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho người chăn nuôi vay có thế chấp, thời hạn 12 tháng với lãi suất 10,5%/năm, thì Ngân hàng HSBC chào gói vay mua nhà, lãi suất 6,49%/năm, còn Ngân hàng Vietcombank dành 10 nghìn tỷ VND cho vay tiêu dùng, vay kinh doanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm.

Như vậy, nếu một chủ trại chăn nuôi heo vay 20 tỷ VND để đầu tư nuôi heo thì một năm người này phải chịu thiệt so với những ông chủ kinh doanh ngành nhề khác một số tiền lãi không nhỏ. Đó là: R = 20 tỷ x (10,5% – 7%) = 700 triệu VND.

Đây được xem là một yếu tố cộng hưởng rất nghiêm trọng với rủi ro bởi thiên tai, và sự cộng hưởng rủi ro + thiệt thòi ấy khiến cho người chăn nuôi phải mạo hiểm trong những cơn sốt mơ hồ.   

Thứ hai là về công tác dịch tễ, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Câu chuyện này cũng đượm buồn, thậm chí còn gây nhiều bức xúc. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan từng nhận định rằng, ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam hiện chịu rủi ro cao do công tác dịch tễ quá kém.

Còn ông Trần Quang Trung, chủ trại heo có trên 1.000 con tại Thống Nhất, Đồng Nai từng nhận xét rằng, ngành thú y và phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi tại Việt Nam đang tụt hậu, trong khi dịch bệnh ngày một nghiêm trọng hơn, nếu bùng phát.

Trong công tác phòng chống dịch hiện nay thì ngành chức năng chủ yếu đợi địa phương công bố dịch thì mới khoanh vùng tiêu hủy. “Đó là cách làm tiêu diệt người chăn nuôi chứ không phải dập dịch”, báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn) ngày 28/3/2011 dẫn lời một chủ trại bức xúc và thất vọng.

Theo nhiều người chăn nuôi, cách tốt nhất phòng chống dịch là dùng vắc xin nhưng không phải lúc nào cũng mua được, đặc biệt có một số loại vắc xin phân phối độc quyền bởi một số cơ quan thú y thì thường hết hàng khi người dân cần đến.

Như vậy là, rủi ro bởi thiên tai luôn ám ảnh người chăn nuôi heo Việt Nam khi việc phòng chống dịch cho đàn heo phập phù theo từng cơn gió.

Và khi dịch bùng phát, heo bệnh, heo chết thì ngoài những đau xót vì mất tiền mất của, cùng lúc là áp lực “nợ vay – lãi trả” tăng lên, khiến cho người chăn nuôi nhiều khi cảm thấy nuối tiếc “những cơn sốt mơ hồ”.  

Người chăn nuôi heo Việt Nam thiếu thông tin và thông tin cần thiết về thị trường Trung Quốc

Người viết cho rằng, người chăn nuôi thiếu thông tin về thị trường heo và thịt heo Trung Quốc là một trong những yếu điểm nhất, khiến cho thương nhân Trung Quốc cứ xuất chiêu là người Việt Nam lãnh hậu quả.

Người chăn nuôi cần phải biết về thị trường Trung Quốc với tư cách một đối thủ chứ không chỉ là bạn hàng.

Do vậy, thông tin phải bao gồm cả việc chăn nuôi của người dân Trung Quốc, ngành chế biến thịt heo, lượng tiêu thụ nội địa và lượng xuất khẩu thịt heo của Trung Quốc, vì hai nước đều ăn thịt heo, đều nuôi heo và đầu xuất khẩu thịt heo.

Tuy nhiên, theo người viết thì người chăn nuôi Việt Nam không có đủ thông tin cần thiết như vậy. Có thể thấy rằng, khi thương nhân Trung Quốc tạo ra những cơn sốt thì hầu hết những cơ quan chức năng đều cảnh báo người chăn nuôi và thương lái trong nước cần lưu ý thủ đoạn của người Trung Quốc.

Song những cảnh báo đó hầu hết mang tính suy đoán, thậm chí phụ thuộc vào cảm xúc yêu ghét người Trung Quốc.   

Theo báo Kinh tế Nông thôn ngày 20/5/2016, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Cục đã nhiều lần cảnh báo, khuyến nghị bà con chăn nuôi không nên chạy theo thương lái Trung Quốc mà mở rộng chuồng trại, đàn lợn nhưng vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người vẫn nhắm mắt chạy theo.

Cục Chăn nuôi cho biết, trong khoảng 3-5 tháng tới, số lợn đang nuôi hiện tại sẽ xuất chuồng, nếu phía Trung Quốc tiếp tục không mua, dự báo giá sẽ càng giảm, nguy cơ người chăn nuôi bị thua lỗ nặng sẽ khó tránh khỏi.

Còn báo Thanh Niên (thanhnien.vn) ngày 5/5/2016 thì dẫn lời nhận xét của GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam rằng, thương mại tiểu ngạch với Trung Quốc là rất nguy hiểm và chúng ta đã có rất nhiều bài học xương máu.

Ban đầu họ luôn cho mình hưởng lợi trong ngắn hạn rồi sau đó có thể “xù” mình bất cứ lúc nào, nông dân sẽ khốn đốn. Gần như tất cả nông sản Việt Nam đều đã từng rơi vào cái bẫy quen thuộc này của họ.

Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “cơn sốt heo” thì thương lái Trung Quốc đang tích cực thu mua heo Việt Nam với khối lượng lớn.

Điều này khiến cho sự phát triển của ngành chăn nuôi heo hiện nay giống như một cái bong bóng, chỉ là “phồn vinh giả tạo”. Nếu Trung Quốc đóng biên hay vì lý do gì đó ngưng thu mua thì sự phát triển này cũng tan biến.

Trên thực tế, những cay đắng này đã xảy ra quá nhiều với chúng ta và lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, báo Thanh Niên tường thuật. 

Như vậy là, từ cơ quan chức năng, cơ quan quản lý đến giới nghiên cứu phân tích đều đã có những cảnh báo về hậu quả của việc người chăn nuôi heo Việt Nam chạy theo những cơn sốt do thương nhân Trung Quốc tạo ra, song không hề có sơ sở khoa học và con số, dữ liệu thực tế chứng minh.

Có chăng, đó là những hậu quả đã từng xảy ra. Có thể thấy rằng, đã 5 năm trôi qua, kể từ “cơn sốt heo” năm 2011 đến nay, người chăn nuôi heo vẫn chỉ nhận được lời cảnh báo chung chung, đại loại như vậy.

Cho đến giờ phút này, người chăn nuôi heo, ngành chăn nuôi heo Việt Nam đã bao lần “thập tử nhất sinh” vì những những cơn sốt của thương nhân Trung Quốc, nhưng ngoài việc nhận diện mục đích là để gây hại và kiếm lời, thì “những cơn sốt” ấy không được các cơ quan quản lý mổ xẻ dưới một góc độ khác khoa học và thuyết phục hơn.

Trong khi thực tế lại có những yếu tố đảm bảo cho sự ra đời những cơn sốt như vậy. Đó là vẫn có nhiều người chăn nuôi Việt Nam thắng lớn nhờ Trung Quốc tăng giá mua heo, nếu họ không bị cuốn theo cao trào mà dừng lại kịp lúc.

Một năm người Trung Quốc tiêu thụ bao nhiêu thịt heo? Thị trường Trung Quốc phải nhập khẩu bao nhiêu? Thời gian nào thì người Trung Quốc ăn thịt heo nhiều? Loại thịt heo mà người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích?

Thịt heo Việt Nam và thịt heo người Trung Quốc ưa thích khác nhau ở những điểm nào?…Những thông tin như vậy cần phải được cập nhật, phân tích và cung cấp cho người chăn nuôi heo.

Đây có thể được xem là cẩm nang giúp cho người chăn nuôi heo Việt Nam nhận diện bản chất của những “cơn sốt heo”, để  biết cách phòng ngừa, tránh hậu hoạ.

Rủi ro bởi thiên tai dịch bệnh luôn rình rập, sự trợ giúp thì chưa kịp thời và không hiệu quả, thông tin thì ít và thiếu cơ sở thuyết phục, thử hỏi người chăn nuôi Việt Nam làm sao không chớp thời cơ do thương nhân Trung Quốc mang đến qua việc tạo ra những cơn sốt mơ hồ?

Rất nhiều người phê phán người nông dân Việt Nam “tham và dại” nên bị người Trung Quốc làm hại.

Tuy nhiên, hãy đặt mình vào trong hoàn cảnh của người chăn nuôi heo Việt Nam đang phải đối mặt với “3 mũi tên nguy hại: Rủi ro bởi thiên tai dịch bệnh – thiệt thòi qua ưu đãi – mơ hồ về đối thủ” thì mới thấy được việc tại sao người chăn nuôi bất chấp cảnh báo thiệt hại bởi “nhân tai” Trung Quốc. 

Tóm lại, ngành chăn nuôi heo Việt Nam và ngành chế biến thịt heo Việt Nam khó tránh khỏi sự phá hoại và nguy cơ bị khống chế bởi đối thủ Trung Quốc, nếu người chăn nuôi heo vẫn phải luôn một mình đối mặt với “3 mũi tên nguy hại” trong chăn nuôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới