Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinNhững uẩn khúc trong tuyên bố Nga điều tàu sân bay tới...

Những uẩn khúc trong tuyên bố Nga điều tàu sân bay tới Syria

Có cơ sở để nghi ngờ mức độ chân thực trong tuyên bố của Nga, song cũng có những bằng chứng cho thấy Moscow đang tiến hành một kế hoạch khẩn để chuẩn bị cho nhiệm vụ sắp tới. 

Tàu sân bay Admiral Kuznetsov

Tàu sân bay Admiral Kuznetsov là chiến hạm lớn nhất của Hải quân Nga và được xem là biểu tượng rõ rệt nhất cho sức mạnh quân sự của Kremlin.

Theo hãng thông tấn TASS (trụ sở tại Moscow), tháng 10 năm nay, con tàu sẽ di chuyển tới Địa Trung Hải và tiến hành các đợt không kích tại Syria.

Tuy nhiên, trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), nhà phân tích Robert Beckhusencho rằng luôn có một quy tắc chung khi bắt gặp những thông tin về tàu chiến Nga, đó là: “Đừng vội tin cho tới khi chứng kiến tận mắt”.

Vấn đề đầu tiên nằm trong bản tin của TASS, khi hãng này dẫn lời một nguồn tin quân sự – ngoại giao “ẩn danh”.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên xuất hiện tin đồn về việc tàu sân bay Admiral Kuznetsov tham chiến tại Syria. Năm ngoái, Hải quân Nga từng phủ nhận thông tin tương tự.

Song, những điều này không có nghĩa chúng ta hoàn toàn không nên tin tưởng vào thông tin liên quan tới tàu Admiral Kuznetsov. Hoạt động gần đây của con tàu này cũng cho thấy dấu hiệu của một đợt triển khai tác chiến sắp tới.

Những điểm đáng ngờ

Đầu tiên, hãy nói tới một vài lý do để nghi ngờ tuyên bố của Nga:

Tàu Admiral Kuznetsov chưa từng tham gia chiến đấu, và cũng không có nhiều ứng dụng trong các hoạt động quân sự thực tiễn. Con tàu 55.000 tấn không có máy phóng hơi nước mà sử dụng đường băng kiểu nhảy cầu nên đòi hỏi máy bay trên tàu phải giảm bớt trọng lượng trước khi cất cánh.

Điều này có nghĩa các máy bay trên tàu sẽ chiến đấu với ít nhiên liệu và bom đạn hơn so với các máy bay chiến đấu cất cánh từ căn cứ trên bộ mà Nga đã triển khai tới Syria.

Tàu Kuznetsov không “vô duyên vô cớ” như vậy. Theo chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại Taylor Marvin, Liên Xô đã thiết kế nó như một “tàu tuần dương tên lửa hạng nặng mang máy bay” để hỗ trợ hạm đội tàu mặt nước.

Cũng chính điều này khiến Kuznetsov trở nên kém linh hoạt hơn so với các siêu tàu sân bay của Mỹ và đó là lý do con tàu mang tên lửa chống hạm để đánh chìm tàu đối phương nhưng không thể triển khai các máy bay chiến đấu với tải trọng bom lớn, phù hợp để tấn công mục tiêu trên bộ.

Những uẩn khúc trong tuyên bố Nga điều tàu sân bay tới Syria - Ảnh 2.

Máy bay trên tàu Đô đốc Kuznetsov

Tệ hơn, tàu Kuznetsov – với động cơ thông thường – còn gặp phải nhiều vấn đề. Khả năng hoạt động kém, turbine hơi bị lỗi và nồi hơi kém chất lượng cho thấy đây là một con tàu không đáng tin cậy. Đó là lý do vì sao Nga luôn phải điều tàu kéo đi kè kè tàu Kuznetsov mọi lúc mọi nơi.

Năm ngoái, trên internet đã xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một chiếc tàu kéo phải vất vả vượt qua những cơn sóng lớn để đến lai dắt tàu sân bay Kuznetsov. Được biết, đó là những hình ảnh trong chuyến hải trình năm 2012 của nó.

“Các hoạt động trên tàu sân bay, đặc biệt là những nhiệm vụ tấn công với nhịp độ cao, vô cùng phức tạp về mặt hậu cần và hoạt động, có thể dẫn tới những hậu quả chết người nếu sai sót.

Do Liên Xô và Nga có rất ít cơ hội để xây dựng những kỹ năng này và thử nghiệm chúng trong chiến đấu nên bất cứ nhiệm vụ tấn công nào từ tàu Kuznetsov cũng sẽ bị hạn chế và hầu như chỉ để “biểu diễn” mà thôi” – Chuyên gia Marvin viết.

Nga sẽ đối mặt với rủi ro cao, trong khi lại không thu về được nhiều kết quả. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Moscow sẽ vì thế mà không liều lĩnh. Có những bằng chứng cụ thể cho thấy Nga dường như đang chuẩn bị làm điều đó.

Nước cờ liều lĩnh của Moscow

Trước hết, theo xác nhận của Đô đốc Vladimir Komoyedov, người đứng đầu ủy ban quốc phòng Duma Quốc gia Nga với hãng TASS hôm 28/6, đúng là tàu Kuznetsov dự kiến sẽ có chuyến hải trình tới Địa Trung Hải vào mùa thu năm nay.

“Đúng vậy. Đúng là có kế hoạch như vậy” – ông Komoyedov nói, song bổ sung thêm rằng “nhưng tôi không chắc liệu tình trạng kỹ thuật của nó có đủ điều kiện (thực hiện chuyến đi) hay không”.

Các máy bay Su-33 và Su-25 gần đây đã hạ cánh xuống tàu Kuznetsov. Lần gần đây nhất người ta thấy con tàu này là khi nó di chuyển trên biển Barents.

Theo bản tin ngày 4/7 của hãng thông tấn Interfax, tiêm kích MiG-29K – phiên bản trên hạm của mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm Fulcrum sẽ có mặt trên tàu Kuznetsov “trong vài ngày tới”.

Interfax cho hay, sự xuất hiện của MiG-29K là để chuẩn bị cho một “đợt hành quân dài ngày” được lên kế hoạch vào “khoảng giữa tháng 10”.

Những uẩn khúc trong tuyên bố Nga điều tàu sân bay tới Syria - Ảnh 4.

Tiêm kích MiG-29K cất cánh thử nghiệm từ tàu sân bay Kuznetsov

MiG-29K và phiên bản 2 chỗ ngồi KUB là những thiết kế từ thời Liên Xô được phục hồi cho Hải quân Ấn Độ sau khi nước này mua lại tàu sân bay Admiral Gorshkov lớp Kiev và đổi tên thành INS Vikramaditya vào năm 2004.

Tuy nhiên, những máy bay này được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến và có thể ném các loại bom dẫn đường chính xác.

Còn Su-33 là tiêm kích chiếm ưu thế trên không và Su-25 là cường kích yểm trợ đường không tầm gần.

Nguồn tin của TASS cho biết tàu Kuznetsov sẽ tới Syria “với khoảng 15 tiêm kích Su-33 và MiG-29K/KUB, cùng hơn 10 trực thăng Ka-52K, Ka-27 và Ka-31”.

Thế nhưng, mọi chuyện trở nên kỳ quặc hơn.

Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Syria vào tháng 9/2015. Trong tháng đó, tàu Kuznetsov đang hoàn tất giai đoạn bảo trì kéo dài 3 tháng gần Murmansk. Sau đó tới tháng 10, con tàu bỗng xuất hiện tại biển Barents để… huấn luyện chiến đấu.

Điều đó thật bất thường, bởi tàu sân bay Nga giống như một loài chim di cư, tới cuối năm nó di chuyển về phía nam. Cụ thể hơn, nó tới Địa Trung Hải. Trước đó, tàu Kuznetsov từng có 4 đợt triển khai tại khu vực này và tất cả đều diễn ra vào mùa đông.

Tháng 10 chưa phải mùa đông, song biển Barents và cảng nhà của tàu Kuznetsov tại Severomorsk nằm trên Vòng Bắc Cực. Tại các khu vực này, hoạt động bay trở nên đặc biệt nguy hiểm từ giữa tháng 10 do hiện tượng Đêm Bắc Cực, với rất ít ánh sáng.

Sergei Ishchenko, chuyên gia bình luận quân sự, đồng thời là một cựu chỉ huy hải quân nhận thấy điều đó khá khó hiểu.

“Chỉ trong những trường hợp đặc biệt mới buộc phải tiến hành các chuyến bay huấn luyện từ tàu sân bay vào thời điểm không thích hợp nhất trong năm như vậy” – ông Ishchenko viết trên website Svobodnaya Pressa – “Và rõ ràng cuộc chiến tại Syria chính là hoàn cảnh đặc biệt đó”.

Nga có thể sẽ không có cơ hội tái triển khai tàu sân bay tham chiến trong một thời gian. Đầu năm 2017, không bao lâu sau khi trở về từ Địa Trung Hải, tàu Kuznetsov sẽ được chuyển tới ụ khô để trải qua quá trình đại tu kéo dài 2 năm.

Vào thời điểm công tác sửa chữa hoàn tất, cuộc chiến tranh có thể đã kết thúc, như vậy Kremlin sẽ có ít cơ hội để thể hiện sự thông thạo của mình với tàu sân bay.

Điều gây tò mò hơn cả là những gì đang diễn ra với tiêm kích MiG-29K. Các máy bay này đang huấn luyện tại đường băng với bệ phóng kiểu nhảy cầu ở Yeysk (Nga), dọc biển Azov.

Kremlin đã xây dựng cơ sở trên vào năm 2012 để thay thế cho đường băng tương tự tại Nitka, Crimea  (khi đó vẫn thuộc Ukraine) mà Nga thuê lại.

Sau khi sáp nhập Crimea vào tháng 2/2014, Nga đã nắm quyền sở hữu Nitka, song cơ sở này có vẻ không thích hợp cho MiG-29K.

Theo ông Ishchenko, tính tới tháng 1/2016, Trung đoàn máy bay chiến đấu trên hạm số 100 – đơn vị vận hành MiG-29K chưa được đào tạo đầy đủ.

Tàu Kuznetsov sẽ trở nên vô dụng nếu không có các máy bay chiến đấu đa nhiệm và phi công của chúng.

“Chiến thắng trong cuộc chiến tranh đó đòi hỏi năng lực thực sự chứ không phải tiềm tàng”, ông Ischenko nhận định, “và tàu Admiral Kuznetsov vẫn thiếu năng lực chiến đấu toàn diện”.

Vì thế, việc tàu Kuznetsov trở lại biển Barents lần thứ 2 vào tháng 10 năm ngoái và sắp tới sẽ tiếp nhận các tiêm kích MiG-29K đều nằm trong tiến trình cấp tốc để chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu sắp tới.

Ít nhất, đó là suy đoán trên lý thuyết. Chúng ta sẽ biết được kết quả trong vài tháng tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới