Một nghiên cứu kéo dài 10 năm về thuốc kháng sinh trong môi trường ở Trung Quốc đã được phát hành gần đây, kết luận rằng một lượng lớn các hóa chất đang được thải ra môi trường, tạo ra một loạt các nguy cơ tiềm ẩn lâu dài đối với sức khỏe của người dân.
Người dân chơi trên sông Hải Hà bị đóng băng vào ngày 26 tháng 1 năm 2009 tại Thiên Tân, Trung Quốc. (China Photos / Getty Images)
Viện Địa hóa học Quảng Châu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã kiểm tra 58 khu vực thoát nước khắp Trung Quốc, cho thấy nồng độ cao của các thuốc kháng sinh trong nước. Tại các khu vực đông dân cư gần sông Hải Hà và lưu vực sông Châu Giang, phát hiện thấy hơn 450 pound (204 kg) thuốc kháng sinh lắng đọng trên mỗi dặm vuông.
Nghiên cứu cho biết Trung Quốc là nước sản xuất và sử dụng kháng sinh lớn nhất trên thế giới, với hơn 162.000 tấn tiêu thụ trong năm 2013. Trong đó, con người tiêu thụ 48%, còn lại là cho thú y.
Nghiên cứu đã phát hiện 36 loại thuốc kháng sinh thông dụng được sử dụng và thải ra ở Trung Quốc, trong số đó phổ biến nhất là amoxicillin. Những hóa chất này gây ảnh hưởng chính đến hệ thống cấp nước, bởi vì chúng được thải qua phân và nước tiểu mà rốt cục lại đi vào môi trường.
Trung Quốc không có hệ thống giám sát việc sản xuất và xả thải thuốc kháng sinh. “Toàn bộ cách sử dụng thuốc kháng sinh là một bí ẩn ở nước ta, bởi vì không có một dữ liệu được ủy quyền nào từ cấp nhà nước”, Tiêu Vĩnh Hồng, giáo sư y khoa tại Đại học Y khoa Chiết Giang cho biết, theo tờ Thời báo Cuộc sống do nhà nước quản lý.
Đầu năm 2008, giáo sư Tiêu và nhóm nghiên cứu của bà đã cho thấy tổng lượng sử dụng thuốc kháng sinh vào thời điểm đó là trong khoảng giữa 150.000 đến 200.000 tấn mỗi năm ở Trung Quốc. Một báo cáo nghiên cứu khác được phát hành bởi trường Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Đông Trung Quốc vào tháng 5 năm 2014 cho thấy rằng bề mặt nước ở Trung Quốc có chứa 68 loại thuốc kháng sinh.
Một trong những tác động liên quan lớn nhất đến sự gia tăng của các loại thuốc kháng sinh là vấn đề kháng thuốc. Theo Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc do nhà nước quản lý (CRI), hơn 80.000 người chết mỗi năm ở Trung Quốc do kháng thuốc, và con số có thể lên đến 1 triệu vào năm 2050, theo báo cáo CRI.
Đại học Phục Đán tại Thượng Hải đã kiểm tra hơn 1.000 trẻ em từ 8 đến 11 tuổi trong tháng 4 này, thấy rằng hơn 58 phần trăm em có kháng sinh trong nước tiểu của chúng. Hơn một phần tư trẻ đã có hơn hai loại kháng sinh, trong khi đó một số trẻ có sáu loại – ở cả con người lẫn các loại thú chăn nuôi.
Tiến sĩ Trung Nam Sơn, nhà nghiên cứu hàng đầu về các bệnh hô hấp Trung Quốc nói với truyền thông Trung Quốc hồi đầu năm nay rằng ông sẽ không ăn “cá mà trông thực sự to” do những bận tâm về thuốc kháng sinh. “Tôi lo ngại rằng nó đã tăng trưởng quá lớn vì nó đã ăn quá nhiều thuốc kháng sinh. Tôi thà ăn cá nhỏ còn hơn “, ông Trung nói.