Mặc dù suốt 3 năm qua Trung Quốc luôn từ chối tham gia vụ kiện Biển Đông, song khi ngày phán quyết cận kề, Trung Quốc dường như đang rất lo lắng.
Báo Mỹ “New York Times” (NYT) nhận định, càng gần đến ngày Toà Trọng tài đưa ra phán quyết Bắc Kinh có vẻ như đang ngày một lo lắng.
Theo NYT, để phô trương sức mạnh, Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân kéo dài một tuần trên Biển Đông ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, nơi quân đội nước này đã lắp đặt tên lửa đất đối không.
Trong những tháng gần đây, quốc gia này đã phát động một chiến dịch tuyên truyền để phản bác vụ kiện của Philippines, hạ uy tín của Toà Trọng tài, đồng thời lôi kéo các quốc gia từ Nga tới Togo ủng hộ những tuyên bố chủ quyền của họ.
Một loạt những hành động này là dấu hiệu cho thấy phhián quyết sắp tới của Toà Trọng tài có thể biến một cuộc chạy đua thiết lập các cơ sở thể hiện chủ quyền trên biển thành cuộc thử nghiệp mức độ tôn trọng của Bắc Kinh đối với luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương.
Hiện Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua thiết lập các cơ sở trên Biển Đông, với việc xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và Mỹ. Tuy nhiên, nếu Toà Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines trong một số vấn đề chủ chốt thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể bị đặt vào thế phòng thủ, hoặc thậm chí dồn vào chân tường như lo lắng của một số người.
Bilahari Kausika, Đại sứ lưu động của Singapore nhận định: “Đây là một vấn đề không chỉ dừng lại ở Biển Đông”. Ông Bilahari Kausika cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 – cơ sở cho đơn kiện của Philippines cũng như những cân nhắc của Toà Trọng tài.
Ông Bilahari Kausika nói thêm: “Ý nghĩa của vấn đề này nằm ở chỗ liệu những phán quyết của Tòa có được tuân thủ hay không và Trung Quốc không thể chỉ chọn tuân thủ những điều có lợi cho họ”.
Có lẽ Bắc Kinh tự cho rằng có đủ ảnh hưởng để phớt lờ UNCLOS 1982. Các nhà ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn nói rằng Bắc Kinh có thể rút khỏi Công ước này. Về phán quyết sắp tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận hoặc công nhận nó”. Quan điểm này gây đau đầu cho một số nhân vật tại Trung Quốc, trong đó có các chuyên gia về chính sách đối ngoại, trên danh nghĩa cá nhân đã chỉ trích lập trường của Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc đã nhường lợi thế về uy tín cho Mỹ.
Trung Quốc đã xây dựng những cơ sở trái phép trên Biển Đông.
Cả Washington lẫn Bắc Kinh đã rất chú ý khi Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario, bắt đầu các hồ sơ cho vụ kiện ở Tòa án Trọng tài Thường trực trong năm 2013, không lâu sau khi Trung Quốc giành lấy quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Nhà ngoại giao cấp cao phụ trách khu vực Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, Daniel R. Russel đã nói rằng, ông không biết gì về trường hợp của Philippines vào thời điểm đó. Một số học giả Trung Quốc cũng cho biết, các lãnh đạo Trung Quốc nhanh chóng bác bỏ vụ kiện ở tòa án mà không cần tham vấn rộng rãi về chính sách đối ngoại.
Theo phán đoán của một số nhà phân tích, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ có những hành động quyết đoán hơn trên Biển Đông và cho tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough thành một hòn đảo nhân đạo. Nếu làm được như vậy, Trung Quốc sẽ có tiền đồn đầu tiên ở phía Đông Biển Đông, cách đảo Hải Nam hơn 400 dặm và chỉ cách bờ biển Philippine 120 dặm.
Paul S. Reichler, Trưởng nhóm luật sư được Philippines thuê tham gia vụ kiện nói trên, cho rằng nếu Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của Toà Trọng tài, các quốc gia khác sẽ liên kết để chống lại họ. Ông nói: “Trung Quốc sẽ đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc có sự thỏa hiệp hoặc gây căng thẳng với các nước láng giềng và đẩy khu vực vào tình trạng hỗn loạn và bất ổn kéo dài”.