Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinLàn sóng khách du lịch Trung Quốc: Sự thụ động của VN

Làn sóng khách du lịch Trung Quốc: Sự thụ động của VN

“Năng lực quản lý điểm đến không đáp ứng được lượng khách nói chung và lượng khách Trung Quốc nói riêng”.

Khách du lịch Trung Quốc bắt nạt người bán chuối ở Đà Nẵng

Thực trạng Việt Nam

Mấy tuần qua, dư luận xã hội đang rất bức xúc về những hành vi từ một số du khách Trung Quốc đốt tiền Việt Nam, đối xử thô bạo với người bán hàng rong, hướng dẫn viên (HDV) xuyên tạc lịch sử, hành nghề không phép, trải khắp băng rôn “lạ” ở Nha Trang.

Trước những sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 10/7, PGS.TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho biết: “Việc quá tải của khách Trung Quốc trong thời gian gần đây, cũng có ảnh hưởng nhất định đến du lịch Việt Nam.

Nhưng thị trường du khách Trung Quốc là một thị trường lớn và cũng là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Với ưu thế có 7 tỉnh giáp Trung Quốc với biên giới chung hơn 1.350 km và hàng chục cửa khẩu. Nếu biết tận dụng và khai thác, lượng du khách Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 trong những năm tới.

Việc tăng trưởng đó là tin mừng chứ không phải là lo lắng, chúng ta chỉ đáng lo khi năng lực quản lý điểm đến không đáp ứng được lượng khách nói chung và lượng khách Trung Quốc nói riêng.

Quan trọng nhất mà tôi lo là năng lực quản lý thời gian dài, mình không nghĩ đến vấn đề này, luôn có tư tưởng lúc nào lượng khách đến cũng thấp hơn năng lực của mình có, cho nên, chúng ta rất đủng đỉnh, không đưa ra phương án khách tăng đột biến thì xử lý ra sao, nên dẫn tới bị động.

Bên cạnh bị động của ngành, thì cũng là bị động của địa phương về hạ tầng, về những điều kiện đón tiếp khách, từ đó, những sự chuẩn bị của người dân địa phương trong quá trình tương tác với khách còn kém. Tất cả những câu chuyện này phải có kế hoạch, phương án dự phòng cụ thể.

Để thấy, chúng ta dự báo quá kém, chưa lường trước những hệ lụy của việc lượng du khách tăng đột biến. Trước đó, du khách Nga tăng đột ngột ở Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) kéo theo nhiều hệ lụy đã là một bài học nhãn tiền.

Theo tôi, chúng ta nên nghĩ chiều hướng tích cực hơn, mọi người đang có ác cảm với người Trung Quốc, nhưng thực tế, người Trung Quốc không có lỗi, họ cũng là người bình thường.

Khi đã là người bình thường thì kể cả người châu Âu, châu Á, Trung Quốc hay Campuchia đều có những người khác nhau, ở đâu cũng có người tốt, người xấu, chứ không phải chỉ riêng người Trung Quốc, phải nhìn nhận công bằng như vậy”.

Vấn đề ở đây, theo ông Lương là xử lý như thế nào, xử lý trong trường hợp cụ thể ra sao. Ví dụ, như du khách đốt tiền, coi thường pháp luật thì phải xử lý nghiêm như thế nào, để thấy chúng ta còn quá lúng túng trong câu chuyện này. Đương nhiên, tập trung khách quá lớn trong một địa điểm sẽ nảy sinh hệ lụy, đó là điều tất yếu, nhưng không phải không có hướng xử lý.

Cũng như những lo ngại quá tải khách Trung Quốc ở những địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách châu Âu của Việt Nam như Nha Trang, Phan Thiết, sắp tới sẽ là Phú Quốc, vì nếu có khách châu Âu thì khách Trung Quốc ít đến.

Bởi hai thị trường này có nhiều đặc điểm khác nhau, có cách ứng xử tại điểm đến cũng hoàn toàn khác nhau. Nên chuyện xung đột giữa nhóm khách này với nhóm khách kia là chắc chắn sẽ xảy ra nhưng chúng ta không thể “nhốt chung vào một chuồng”.

“Tôi nghĩ rằng về cơ bản khi có điều kiện đi du lịch thì họ có một chút văn hóa, chứ không hề vô văn hóa, nhưng có thể là nước tiếp đón, tại các điểm như thế cần có cảnh báo, cái có thể và không thể làm với du khách, đề nghị thực hiện đúng quy định điểm đến. Một khi không tôn trọng quy định thì chúng ta có quyền xử lý. Cách tiếp cận như vậy sẽ công bằng và đầy đủ hơn”, ông Lương đề xuất.

Thái Lan, Campuchia làm gì khi có nhiều khách Trung Quốc?

Là người đã từng nghiên cứu về du lịch của nhiều thị trường, ông Lương chỉ rõ, vấn nạn khách Trung Quốc đổ bộ nhiều không chỉ riêng Việt Nam, mà Lào và Campuchia, cũng như nhiều nước cũng gặp phải thực trạng tương tự.

Nhưng các nước có biện pháp để đối phó. Họ áp dụng các biện pháp với những thông báo bằng tiếng Hoa, đến thì họ nhắc nhở nếu không thực hiện theo thì họ phạt. Ngoài ra, họ cũng có các biện pháp nghiêm khắc để tạo ra các khu du lịch riêng cho người Trung Quốc và ở đó họ giám sát một cách chặt chẽ.

Cụ thể, như Campuchia trong 4 tháng đầu năm 2016, họ đón 275.000 lượt khách Trung Quốc, tăng hơn 13,6% so với năm ngoái. Mục tiêu của nước này là đón khoảng 2 triệu du khách Trung Quốc ghé thăm trong năm 2020. Do đó, để chuẩn bị cho “làn sóng” mới, Campuchia vừa thành lập China Ready Centre (Trung tâm sẵn sàng đón Trung Quốc).

Trung tâm sẽ đào tạo các nhà khai thác du lịch địa phương, các hãng lữ hành kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc. Đồng thời, trung tâm sẽ nghiên cứu về các yêu cầu, nhu cầu của khách Trung Quốc để phục vụ được tốt hơn.

Bộ Du lịch nước này cũng ra sách trắng mang tên “Du lịch Campuchia sẵn sàng đón du khách Trung Quốc”, với chiến lược 5 năm thu hút du khách.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Thái Lan trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cách hành xử thiếu ý thức của họ cũng khiến người dân Thái Lan bức xúc và cơ quan chức năng của nước này đau đầu.

Tháng 4/2015, chính quyền Thái Lan đã in ra hàng nghìn quyển sổ tay hướng dẫn cách hành xử văn minh bằng tiếng Trung Quốc để phát cho du khách nước này tham khảo, nhằm cải thiện cách cư xử của du khách Trung Quốc khi để lại nhiều điều tiếng không hay.

Tại Nhật Bản, Bộ Du lịch nước này cũng lên ý tưởng phát hành cuốn cẩm nang hướng dẫn về cách hành xử nơi công cộng bằng tiếng Trung.

Vì thế, với Việt Nam, ông Lương chỉ rõ: “Chúng ta cũng phải dựa vào quy định, có cả quy định ứng xử để bảo vệ quyền lợi của du khách khác. Và một khi tuân thủ sẽ hạn chế thấp nhất, hạn chế tối đa những xung đột về văn hóa.

Với những gì chúng ta đang có việc thành lập những trung tâm riêng đón khách Trung Quốc là rất khó.

Cho nên, phải nâng cao năng lực quản lý điểm đến, bao gồm những quy định, chính sách ở từng điểm, đào tạo đội ngũ có năng lực. Hiện nay, phối hợp khi xảy ra sự cố giữa ngành du lịch với địa phương còn rất hạn chế, lúng túng, không biết trách nhiệm của ai, nên cần phải cải tổ.

Theo tính toán của các nước trên thế giới, ngành du lịch đang tạo ra khoảng 10% công ăn việc làm cho người dân toàn cầu. Nếu xét ở góc độ mục tiêu, chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều để không tụt hậu, chứ chưa nói đến theo kịp các nước trong khu vực về phát triển du lịch.

Vì vậy để đạt đến mục tiêu như ngành du lịch Việt Nam đã đề cập là làm du lịch bền vững phải xuất phát từ hai khía cạnh. Thứ nhất, phải làm cho người kinh doanh du lịch hiểu, làm ăn chộp giật như thế sẽ không bền.Thứ hai, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát của Nhà nước về lĩnh vực này, trong đó có cả phần hỗ trợ người làm du lịch ở thời điểm không phải vào mùa vụ”.

Những việc cần làm

Đặc biệt, ở góc độ khác, vừa qua, những hiện tượng du khách Trung Quốc có những hành vi vi phạm pháp luật (hướng dẫn du lịch “chui” xuyên tạc chủ quyền, văn hoá Việt Nam) là bởi có sự tiếp tay của người Việt Nam.

Có những công ty của Việt Nam lẳng lặng làm tay trong cho họ, có những cơ quan nhà nước đã không làm tròn nhiệm vụ của mình. Nhắc đến vai trò của Hiệp hội du lịch, theo ông Lương, đây là việc giữa các doanh nghiệp với nhau.

Vai trò của Hiệp hội cũng rất quan trọng, nếu như cơ quan quản lý nhà nước là đưa ra chính sách kiểm soát, quy định việc thực hiện, thực thi, thì Hiệp hội là nơi chia sẻ khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau của các doanh nghiệp du lịch.

Chúng ta cần có sự tổng kết và xem xét nghiêm túc về tất cả các phía: từ các cơ quan du lịch lẫn cơ quan an ninh, trung ương và địa phương.

Phải giáo dục và nhìn thấy thiếu sót của mình, không nên bàn đến phương án vì khách Trung Quốc có những vấn đề như vậy mà chúng ta cự tuyệt với khách Trung Quốc. Đó là một biện pháp tiêu cực.

Chỉ ra những việc cần làm ngay, ông Lương nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng tăng cường, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch.

Cần phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức cá nhân người nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam, kiên quyết xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép kinh doanh, thẻ hướng dẫn viên của các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi tiếp tay bao che cho các hoạt động bất hợp pháp của doanh nghiệp, người nước ngoài.

Tăng cường vai trò của các Hiệp hội, CLB doanh nghiệp trên địa bàn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền việc thực thi pháp luật, kiểm tra, giám sát”.

RELATED ARTICLES

Tin mới