Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLuật pháp công lý phải chiến thắng cường quyền trên Biển Đông

Luật pháp công lý phải chiến thắng cường quyền trên Biển Đông

Tuân thủ phán quyết của PCA chỉ cho thấy Trung Quốc thực sự trỗi dậy hòa bình và có trách nhiệm, xứng tầm một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng.

Đại sứ Philippines tại Israel, Neal Imperial, ảnh: Internet.

Ngày 10/7, Đại sứ Philippines tại Israel ông Neal Imperial đã có bài bình luận trên tờ Te Jerusalem Post xung quanh vụ kiện của Philippines và phán quyết sắp tới đây của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về việc Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Phán quyết sẽ được PCA công bố ngày 12/7 tới, trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc đã và đang tiếp tục cố làm mất uy tín vụ kiện hợp pháp của Philippines khi cáo buộc nó là “khiêu khích chính trị”. Tuy nhiên sáng kiến của

Philippines theo đuổi giải pháp trọng tài để giải quyết các câu hỏi cơ bản về yêu sách hàng hải của Trung Quốc cần được nhìn nhận là một bước tiến quan trọng trong xây dựng tiêu chuẩn, kiến trúc hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ trong thế kỷ 21.

Tháng Giêng năm 2013, Philippines xúc tiến thủ tục khởi kiện Trung Quốc ra PCA là một biểu hiện của cam kết mạnh mẽ cho hòa bình, giải quyết các tranh chấp khác biệt trên cơ sử luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. 

Yêu sách quá mức của Trung Quốc dựa trên cái gọi là đường 9 đoạn của họ là một phân định tùy tiện ranh giới trên biển với lập luận về cái gọi là “quyền lịch sử”, tuyên bố 85,7% toàn bộ diện tích Biển Đông.

Đường 9 đoạn thậm chí chẳng có tọa độ địa lý cụ thể bao gồm các khu vực xa hơn nhiều mức quy định của luật pháp quốc tế và thực sự xâm hại tới quyền chủ quyền, quyền tài phán của Philippines và các nước láng giềng.

Thông qua cơ quan tài phán quốc tế, Philippines tìm cách để có được một phán quyết về tính hợp lệ của yêu sách đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông, làm rõ và bảo vệ quyền lợi hàng hải của mình với tư cách một quốc gia ven Biển Đông.

Nội dung vụ kiện của Philippines không phải về tranh chấp lãnh thổ và cũng không phải là về phân định biển. Philippines nhiều lần tuyên bố không đòi hỏi PCA ra phán quyết về các khía cạnh tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ với Trung Quốc.

Thay vào đó, Philippines chỉ tìm cách làm rõ các quyền lợi hàng hải UNCLOS 1982 cho phép trong khu vực này là gì. Do đó vụ kiện này không chỉ bao gồm trường hợp cụ thể của Philippines, mà còn là quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nhiều quốc gia khác ven Biển Đông theo UNCLOS 1982.

Xét trên phạm vi khu vực và toàn cầu, vụ kiện này là một nỗ lực chân thành của Philippines thúc đẩy sự cai trị của pháp luật, tự kiềm chế không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong việc giải quyết các tranh chấp.

Bằng cách theo đuổi giải pháp trọng tài quốc tế, Philippines đề cao tính ưu việt của luật pháp trong quan hệ quốc tế. Chính bởi điều này Philippines đã giành được sự ủng hộ rộng rãi từ các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, EU, Nhật Bản và các nước G-7.

Họ tin rằng trọng tài quốc tế là một cách hợp pháp để giải quyết tranh chấp và tự do hàng hải, hàng không phải được tôn trọng ở Biển Đông.

Về kinh tế cũng như quân sự, Philippines là nước nhỏ với năng lực khiêm tốn, Philippines không có khuynh hướng gây hấn mà cũng không đủ tiền để “trả thù” một nước rộng lớn và mạnh mẽ như Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc vẫn tuyên bố cam kết “bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực”, nhưng họ đã không cân đối trong việc sử dụng sức mạnh thúc đẩy lợi ích ở Biển Đông thông qua các hành động đơn phương phá vỡ hiện trạng những năm gần đây.

Trung Quốc đã phá hủy 17 rặng san hô, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này núp dưới chiêu bài “dịch vụ công”, ngăn cản các nước láng giềng có cơ hội để thực thi các quyền hợp pháp của mình theo UNCLOS 1982, đe dọa tư do hàng hải, hàng không trong tuyến đường thương mại sầm uất nhất thế giới.

Những hành động hung hăng này buộc dư luận đặt câu hỏi về những dự định và khuynh hướng thực sự của Trung Quốc trong vai trò cường quốc đang lên với tuyên bố cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định.

Trái ngược với những cáo buộc vô lý và chụp mũ của Trung Quốc, trong hơn 2 thập kỷ Philippines đã tham gia các cuộc đàm phán song phương và đa phương với Trung Quốc để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp.

Ví dụ trong trường hợp Scarborough, hơn 50 cuộc họp song phương đã được tổ chức, nhưng không đi đến đâu vì Trung Quốc cứ đòi Philippines phải chấp nhận cái gọi là “chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc với toàn bộ Biển Đông”.

Trung Quốc tuyên truyền Philippines hoàn toàn không muốn đàm phán song phương với họ là sai.

Tiếc rằng hành vi của Trung Quốc đã không làm sáng tỏ sự tin tưởng và thiện chí tạo ra sau nhiều thập kỷ đối thoại, cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc. Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ký Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Trong khi tiếp tục dây dưa, trì hoàn các cuộc đàm phán, Trung Quốc bắt đầu quân sự hóa các điểm chiếm đóng có hệ thống các thực htể ở Biển Đông, vi phạm Điều 5 DOC.

Ở trong bối cảnh cụ thể này, thực sự rất khôi hài khi Trung Quốc nói rằng họ là một nạn nhân. Đàm phán song phương với Trung Quốc là con đường dẫn đến kiệt sức và vô ích. Philippines có quyền sử dụng pháp lý quốc tế, đưa ra những câu hỏi cơ bản tại một cơ quan tài phán quốc tế theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982.

Philippines và PCA đã mời Trung Quốc tham gia tiến trình tố tụng, nhưng họ liên tục từ chối yêu cầu. Trong khi đây có thể là một cơ hội tuyệt vời cho Trung Quốc làm rõ yêu sách của họ và đường 9 đoạn.

Tháng 10/2015 PCA đã ra một phán quyết cụ thể về thẩm quyền của mình và chấp nhận xét xử (7/15 nội dung) vụ kiện của Philippines. Thực tế là Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán là các chuyên gia UNCLOS 1982 khách quan, vô tư, chỉ tuân theo công lý. Điều này đánh bại mọi nghi ngờ về sự “khôn ngoan” trong việc nhờ cơ quan tài phán xét xử.

PCA đã khẳng định, việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện không làm mất thẩm quyền của Tòa cũng như của Philippines đơn phương khởi kiện. Đó không phải một sự “lạm dụng” UNCLOS 1982 như Trung Quốc tuyên truyền.

PCA kết luận, DOC không ngăn cản quyền tài phán của Tòa, theo Điều 28 UNCLOS 1982, vì các nước thành viên Công ước có thể theo đuổi quy chế giải quyết tranh chấp được quy định trong UNCLOS 1982. Do đó Trung Quốc tuyên truyền Philippines kiện họ ra PCA là vi phạm DOC, đó là điều sai sự thật.

Trọng tài quốc tế được công nhận rộng rãi là một biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp. Phán quyết của PCA mang tính ràng buộc pháp lý với tất cả các bên, cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc di chuyển về phía trước, một sự khởi đầu mới của trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Philippines sẽ hoàn toàn tôn trọng phán quyết của PCA như một lời khẳng định giá trị của UNCLOS 1982, đồng thời hy vọng tất cả các thành viên cộng đồng quốc tế, các nước thành viên UNCLOS cũng làm như vậy.

Tuân thủ phán quyết của PCA chỉ cho thấy Trung Quốc thực sự trỗi dậy hòa bình và có trách nhiệm, xứng tầm một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng nhân loại văn minh, tuân thủ hệ thống luật pháp quốc tế mà chính họ đã góp phần kiến tạo.

RELATED ARTICLES

Tin mới