Trung Quốc đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm vùng với các tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu tới các khu vực chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, quan chức Lầu Năm Góc cho biết hôm 7/7.
(Ảnh minh họa: Military)
Tại phiên điều trần trước Quốc hội hôm 7/7, Abraham Denmark, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á, cho biết, Trung Quốc đã triển khai hệ thống radar, các tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không và nhiều máy bay chiến đấu đến các khu vực chiếm đóng trái phép trên Biển Đông”. Nhu vậy đây là lần đầu tiên Mỹ công khai xác nhận những hành động khiêu khích kiểu này của Trung Quốc.
Tuy ông Denmark không nêu cụ thể vị trí chính xác nơi Trung Quốc triển khai các tên lửa hành trình chống hạm, song ông đã lên tiếng chỉ trích việc Bắc Kinh “đơn phương thay đổi hiện trạng chiến lược của Biển Đông”.
“Một khi hoàn thành và được trang bị, những thiết bị này sẽ khiến Trung Quốc càng ngang ngược hơn với các yêu sách chủ quyền, đồng thời kéo theo việc Trung Quốc có thể trắng trợn đưa lực lượng tới những khu vực cách xa bờ biển nước này hơn”, ông Denmark nhấn mạnh trong phiên điều trần trước Ủy ban Hạ viện về điều phối quân lực và sức mạnh trên biển.
Quan chức này cho biết thêm, nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải, hàng không ở bất cứ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép, tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ đóng tại căn cứ Yokosuka gần Tokyo đang triển khai các hoạt động tuần tra định kỳ ở Biển Đông trong mùa hè này.
Cũng tại phiên điều trần, bà Colin Willett, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề đa phương, đưa ra quan điểm tương tự khi nói rằng việc Trung Quốc trắng trợn quân sự hóa ở Biển Đông sẽ không ngăn được hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực này. “Ngược lại, điều này càng đòi hỏi Mỹ duy trì hiện diện ở khu vực”, bà Willett nói.
Những thông tin trên được đưa ra chỉ vài ngày trước khi tòa trọng tài quốc tế của Liên Hợp Quốc ở La Hay (Hà Lan) công bố phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết đưa ra vào ngày mai 12/7 được cho là sẽ bất lợi với Trung Quốc, Bắc Kinh đến nay vẫn ngang ngược tuyên bố không công nhận phán quyết.
Bà Willett nói: “Thế giới sẽ rất quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc và Philippines đối với phán quyết. Bất cứ hành động đối đầu nào của họ cũng có thể là nguồn gốc làm gia tăng căng thẳng”. Trong khi đó, ông Denmark nói rằng, phán quyết sẽ là một cơ hội để các nước trong khu vực quyết định xem tương lai châu Á-Thái Bình Dương sẽ quyết định bởi các luật pháp và thông lệ quốc tế hay bằng những toan tính quyền lực.