Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngThời báo Hoàn Cầu lộng ngôn khi Hội đồng Trọng tài PCA...

Thời báo Hoàn Cầu lộng ngôn khi Hội đồng Trọng tài PCA sắp ra phán quyết

Trung Quốc không thể không hoạt động, cho thấy mình cũng có bạn bè trong vấn đề Biển Đông, để xem ai mới có lý, ai mới được ủng hộ nhiều hơn.

Hôm nay 12/7, Hội đồng Trọng tài 5 thành viên do Tòa Trọng tài Thường trực (PAC) thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) xem xét vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông sẽ ra phán quyết.

Ngoài thực địa, Trung Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận bắn tên lửa ở Biển Đông, bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, nỗ lực được xem như gây sức ép với Hội đồng Trọng tài và dư luận.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/7 có bài xã luận thể hiện thái độ coi thường luật pháp quốc tế, chà đạp UNCLOS 1982 khi gọi phán quyết của Hội đồng Trọng tài là “tờ giấy lộn”, lặp lại lời ông Đới Bỉnh Quốc, cựu Ủy viên Quốc vụ tại Washington tuần trước.

Tờ báo bình luận: “Trung Quốc nhắc đi nhắc lại lập trường không tham gia, không chấp nhận và không thừa nhận vụ kiện, xem phán quyết của Tòa chỉ là một tờ giấy lộn. Mặt khác, Trung Quốc đã có một loạt hành động vận động ngoại giao để chống lại các hoạt động ủng hộ PCA từ Mỹ, Nhật. 

Cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 5/7 đến ngày 11/7 của hải quân Trung Quốc cũng đã gây được sự chú ý khá lớn. Một số hãng truyền thông lớn của phương Tây nói rằng thái độ của Trung Quốc thể hiện mâu thuẫn, vì miệng thì nói phán quyết của PCA là “giấy lộn”, nhưng đồng thời lại tìm mọi vũ khí ngoại giao và dư luận chống phá PCA.

Trong xã hội Trung Quốc cũng có một số người có cách nhìn này, không biết họ có bị ảnh hưởng bởi dư luận phương Tây hay không. Nhưng cách nói này chẳng khác gì không phân biệt được chuối tây và chuối tiêu, cứ tưởng mèo cũng giống hổ.”

Thời báo Hoàn Cầu lặp lại lập luận kiểu đánh tráo khái niệm, ông nói gà, bà nói vịt, rằng Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông là tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ, do đó UNCLOS 1982 không thể giải quyết được, nhất là thông qua cơ quan tài phán.

Lý do Trung Quốc ồ ạt triển khai dư luận chiến, truyền thông chiến chống lại phán quyết của PCA theo Thời báo Hoàn Cầu là vì, Mỹ, Nhật sử dụng phán quyết này để vận động dư luận chống lại Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ đang hiện diện ở Biển Đông cũng không phải không liên quan đến phán quyết của PCA. Bắc Kinh xem những động thái này là khiêu khích, và do đó không thể khoanh tay đứng nhìn.

“Quan chức Mỹ còn công khai cười nhạo Trung Quốc bất chấp danh dự tìm kiếm hỗ trợ, không được thì giả mạo hỗ trợ. Nhưng có điều rất đáng nói, đó là Mỹ luôn xem thái độ của một số đồng minh là thái độ của công luận quốc tế.

Nhật Bản và một số nước cá biệt ở châu Á do quan hệ đồng minh đặc thù với Hoa Kỳ nên đem Mỹ và sự ủng hộ của vài nước đồng minh nói thành sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Trong tình hình đó, Trung Quốc không thể không hoạt động, cho thấy mình cũng có bạn bè trong vấn đề Biển Đông, để xem ai mới có lý, ai mới được ủng hộ nhiều hơn.”

Cách lập luận của Thời báo Hoàn Cầu cho thấy, tờ báo này nói riêng và hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc nói chung quen dùng thủ đoạn ngu ngơ giả tạo để đánh lạc hướng dư luận. Người ta hỏi anh ăn cơm chưa, thì họ trả lời: Tôi đi tắm rồi!

15 nội dung Philippines khởi kiện Trung Quốc xoay quanh việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông, phiên tòa thành lập đúng thủ tục của Phụ lục VII, UNCLOS 1982, Bắc Kinh không trả lời được.

Bởi yêu sách đường lưỡi bò là sản phẩm của trí tưởng tượng kết hợp với lòng tham, tư tưởng bành trướng nên chẳng có một khái niệm, thuật ngữ pháp lý quốc tế nào diễn tả.

Do đó, Trung Quốc chỉ còn cách đánh tráo khái niệm, hỏi chuyện mặt đất thì đáp chuyện trên trời hòng né tránh trách nhiệm làm rõ yêu sách hàng hải với tư cách một thành viên UNCLOS 1982, hơn thế nữa lại là thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thủ đoạn quen thuộc thứ 2 của Thời báo Hoàn Cầu và bộ máy tuyên truyền nhà nước Trung Quốc là gắp lửa bỏ tay người, đổ tội cho Mỹ – Nhật.

Mỗi một vấn đề đơn giản là hãy công bố danh sách 60 nước ủng hộ Trung Quốc chống PCA như phát ngôn của nước này họ cũng không làm được, mà quay ra giải thích lằng nhằng hòng làm dư luận mệt mỏi, chán nản để không truy hỏi.

Trước đó ngày 9/7, Thời báo Hoàn Cầu có bài xã luận cổ súy Trung Nam Hải, nên tính đến việc rút khỏi UNCLOS 1982! Một suy nghĩ ấu trĩ, một tính toán tiểu nhân, sao Thời báo Hoàn Cầu không khuyên các nhà lãnh đạo của mình rút luôn khỏi ghế Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc?

Thấy mật mỡ tìm đến, gặp trách nhiệm chạy đi không phải là cách ứng xử của hậu duệ Khổng Tử và các bậc hiền triết Trung Hoa. Cách hành xử coi thường luật pháp quốc tế không chỉ làm xấu hình ảnh Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế, mà còn làm hoen ố cả một nền văn minh rực rỡ của nhân loại ở phương Đông.

Sau phán quyết của PCA, Trung Quốc có thể cho dân biểu tình chống Mỹ?

Đó là lo ngại của Ankit Panda, một biên tập viên tạp chí The Diplomat ngày 12/7. Ông cho rằng, có một điều dư luận đang không mấy để ý là khả năng Trung Quốc sẽ cho dân biểu tình chống Mỹ hậu phán quyết của Hội đồng Trọng tài do PCA thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 để thụ lý vụ kiện.

Trước thời điểm ra phán quyết, Trung Quốc đã dành đáng kể sự quan tâm của mình để nhấn mạnh PCA không có thẩm quyền. Đồng thời truyền thông nhà nước Trung Quốc tìm mọi cách đổ thừa trách nhiệm gây căng thẳng ở Biển Đông lên Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhiều lần chụp mũ cho Washington phải chịu trách nhiệm về quân sự hóa Biển Đông. Một số quan điểm ở Trung Quốc còn xem việc Manila khởi kiện nước này ra PCA tháng Giêng 2013 là do Mỹ “chống lưng”.

Một bài xã luận trên Nhân Dân nhật báo mới đây gọi vụ kiện, phiên tòa và phán quyết của PCA là một “âm mưu” của nước ngoài chống Trung Quốc. Với những động thái này, không phải không có khả năng sẽ nổ ra các cuộc biểu tình chống Mỹ trên đất Trung Quốc.

Năm 1999, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói rằng, các cuộc biểu tình về vụ Mỹ đánh bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade “phản ánh đầy đủ sự giận dữ của người Trung Quốc trước sự tàn bạo của các cuộc tấn công NATO nhằm vào đại sứ quán Trung Quốc, cũng như lòng yêu nước mạnh mẽ của người dân Trung Quốc”.

Tất nhiên quan hệ Trung – Mỹ thời điểm năm 1999 khác với thời điểm hiện nay, nhưng không phải là điều không thể tưởng tượng rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gật đầu đồng ý một mức độ phản đối Hoa Kỳ hậu phán quyết của PCA.

Dù giới phân tích quốc tế đã bàn đến khả năng phản ứng của Trung Quốc như áp đặt ADIZ ở Biển Đông, xây đảo nhân tạo ở Scarborough hoặc manh động hơn là chiếm một số điểm ở Trường Sa, nhưng dư luận cũng không nên ngạc nhiên nếu nổ ra biểu tình chống Mỹ ở Trung Quốc, Ankit Panda bình luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới