Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông và bài học...

Trọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông và bài học cho Việt Nam

Tính hiệu quả của Phán quyết Trọng tài sẽ là vấn đề đặc biệt được quan tâm khi bên bị kiện tỏ thái độ bất hợp tác.

Hội đồng Trọng tài 5 thành viên thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 thụ lý vụ kiện của Philippines và sẽ giải tán sau khi ra phán quyết. Ảnh: PCA.

1. Tòa Trọng tài Thường trực

Tòa Trọng tài Thường trực có tên chính thức tiếng Anh là “Permanent Court of Arbitration”, viết tắt là PCA.

PCA được chính thức thành lập năm 1900 sau Hiệp ước Giải quyết Hòa bình các Tranh chấp Quốc tế tại The Hague, Hà Lan đạt được trong hội nghị Hòa bình lần thứ nhất năm 1899. PCA chính thức đi vào hoạt động năm 1902.

Năm 1907, Hội nghị Hòa bình lần hai được nhóm họp để bàn về Hiệp ước Giải quyết Hòa bình các Tranh chấp Quốc tế, lần này có thêm sự tham gia của các quốc gia từ Trung và Nam Mỹ.

Công ước 1899 được sửa đổi và bổ sung các nguyên tắc thực hiện tố tụng Trọng tài. Mặc dù hầu hết các quốc gia thành viên của Công ước 1899 cũng là thành viên của Công ước 1907, tuy nhiên, cho đến đến nay, cả hai Công ước 1899 và 1907 đều đang có hiệu lực.

Hiện nay đang có 119 quốc gia đã tham gia ký kết một hoặc cả hai Công ước sáng lập PCA năm 1899 và 1907.

Việt Nam đã ký kết cả hai Công ước này. Với Công ước 1899, Việt Nam tham gia ngày 29/12/2011. Đối với Công ước 1907, Việt Nam tham gia ngày 27/02/2012.

Khi tiến hành xét xử một vụ kiện, PCA sẽ trao quyền phán xử cho một Hội đồng Trọng tài (còn được gọi la Tòa Trọng tài) về các tranh chấp nằm trong thẩm quyền giải quyết của PCA.

Để xác định rõ thẩm quyền của PCA đối với các tranh chấp, Thỏa thuận Trọng tài được tách biệt ra khỏi các tuyên bố pháp lý chứa đựng trong Thỏa thuận Trọng tài trong đó.

Có nghĩa là nếu thỏa thuận, hoặc điều ước, hoặc cam kết pháp lý nào đó của các bên tranh chấp bị vô hiệu đi nữa, thì thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài mà PCA trao quyền theo Thỏa thuận Trọng tài đã thiết lập giữa các bên không thể vì thế mà đương nhiên (ipso facto) trở thành vô hiệu.

Việc chọn lựa luật áp dụng cho Phán quyết Trọng tài sẽ do các bên tự thỏa thuận lựa chọn. Trong trường hợp không có thỏa thuận lựa chọn, Hội đồng Trọng tài sẽ quyết định lựa chọn luật áp dụng, dựa trên các nguyên tắc chung của luật quốc tế về chọn lựa luật áp dụng cho giải quyết tranh chấp.

Từ năm 1990, số lượng nhân viên của PCA đã tăng lên gấp năm lần, đại diện cho hơn 10 quốc gia khác nhau. Số vụ việc gần đây nhiều nhất trong lịch sự 100 năm tồn tại của PCA, phản ánh sự tham gia rộng rãi của PCA trong giải quyết các tranh chấp quốc tế, bao gồm:

Tranh chấp về lãnh thổ, các công ước và tranh chấp về quyền con người giữa các quốc gia; Khiếu nại tư pháp đối với một tổ chức liên chính phủ và những tranh chấp thương mại, bao gồm cả những tranh chấp phát sinh từ các công ước song phương về đầu tư. 

Hiện nay, PCA đang là nơi đăng ký của 5 thiết chế trọng tài xét xử các tranh chấp giữa các quốc gia với nhau, 55 thiết chế trọng tài xét xử về các tranh chấp giữa các nhà đầu tư với các quốc gia, 34 thiết chế trọng tài xét xử về các thỏa thuận, hợp đồng giữa các quốc gia, chính quyền đang đại diện cho một thực thể lãnh thổ nào đó, và các tổ chức quốc tế.

2. Hội đồng Trọng tài / Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 

Hội đồng Trọng tài hay còn gọi là Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là một trong hai hình thức trọng tài được quy định tại UNCLOS 1982.

Các quy định liên quan đến thẩm quyền, tổ chức, hoạt động của Tòa Trọng tài được quy định cụ thể tại Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Theo các quy định này, Tòa Trong tài theo Phụ lục VII có những đặc điểm quan trọng như sau:

a) Về thẩm quyền:

Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp giữa các thành viên của UNCLOS 1982 liên quan đến việc áp dụng và giải thích Công ước.

Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII là cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất bắt buộc đối với các thành viên Công ước.

Theo quy định này, khi phát sinh tranh chấp liên quan đến việc áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 mà các bên không thống nhất được một cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định tại Khoản 1 Điểu 287 thì một bên tranh chấp có thể đưa vụ việc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII.

Và trong trường hợp đó, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII có thẩm quyền đương nhiên mà không cần có sự đồng ý của bên kia.

(b) Về hình thức:

Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII là một Tòa không thường trực, hay còn được gọi là Hội đồng Trọng tài, được thành lập khi phát sinh tranh chấp giữa các thành viên Công ước và được các bên tranh chấp lựa chọn, hoặc có thẩm quyền đương nhiên theo quy định tại Khoản 5 Điều 287 của UNCLOS 1982 như đã phân tích ở trên.

Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII sẽ giải tán nếu xảy ra một trong các trường hợp sau:

– Sau khi đã ra Phán quyết về việc giải quyết tranh chấp;

– Tranh chấp đã được các bên giải quyết thông qua các biện pháp phi tài phán (thương lượng, đàm phán).

Thủ tục hoạt động của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII sẽ chỉ được xây dựng sau khi được thành lập. Bộ thủ tục hoạt động của Tòa này sẽ được xây dựng theo một trong hai cách thức sau:

– Các bên tranh chấp thống nhất thủ tục hoạt động của Tòa;

– Trong trường hợp các bên không thống nhất được, bộ thủ tục hoạt động sẽ được Tòa xây dựng và phải đảm bảo điều kiện là tất cả các bên tranh chấp đều có thể nhận được thông tin và trình bày trước Tòa về vụ việc.

Theo quy định tại Điều 3, Phụ lục VII của UNCLOS 1982, Tòa Trọng tài gồm có 5 Trọng tài viên, là những Thẩm phán, trong đó bao gồm 02 Trọng tài được mỗi bên tranh chấp lựa chọn khi bắt đầu tiến trình vụ kiện.

Tuy nhiên, nếu sau 30 ngày kể từ ngày một bên tranh chấp gửi thông báo khởi kiện, bên tranh chấp còn lại không lựa chọn được Trọng tài của mình, Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật biển sẽ lựa chọn Trọng tài theo yêu cầu của bên khởi kiện.

Sau khi đã có 02 Trọng tài đầu tiên, 03 Trọng tài còn lại sẽ được lựa chọn theo một trong hai phương thức sau:

– Các bên tranh chấp thống nhất lựa chọn;

– Nếu sau 60 ngày kể từ ngày gửi thông báo khởi kiện, nếu các bên tranh chấp không thống nhất lựa chọn ít nhất là 01 trong 03 Trọng tài còn lại, Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển sẽ lựa chọn và chỉ định Chủ tịch của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII trên cơ sở yêu cầu của một bên tranh chấp.

Theo quy định tại Điều 1, Phụ lục VII của UNCLOS 1982, các Trọng tài sẽ được lựa chọn trên cơ sở danh sách Trọng tài được các nước thành viên Công ước để cử.

Danh sách Trọng tài này sẽ do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu giữ và các bên tranh chấp cũng như Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển chỉ có thể lựa chọn các Trọng tài viên có tên trong danh sách này.

Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII có giá trị chung thẩm (không thể thay đổi) và có tính ràng buộc đối với các bên tranh chấp.

(c) Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại TòaTrọng tài theo Phụ lục VII

Tính cho đến nay, đã có 12 vụ việc được đệ trình lên Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 để giải quyết, trong đó có 6 vụ đang trong quá trình tố tụng, 3 vụ đã ra phán quyết, 2 vụ bị đình chỉ do các bên tranh chấp đã đạt được thỏa thuận ngoài Tòa, 1 vụ việc bị đình chỉ theo Lệnh của Tòa.

Trong số các vụ việc đang trong quá trình tố tụng có vụ việc Philippines kiện Trung Quốc về một số tranh chấp tại Biển Đông.

(d) Đặc trưng của các vụ việc giải quyết tại Tòa Phụ lục VII

Thông qua thực tế các tranh chấp được giải quyết tại Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982, có thể nhận thấy một số đặc điểm nổi bật như sau:

(1) Các bên tranh chấp đều đã vận dụng các điều khoản về việc giải quyết bắt buộc tranh chấp liên quan đến các quy định của Công ước, đặc biệt là điều khoản về lựa chọn thủ tục (Điều 287) và điều khoản về việc loại bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII đối với các tranh chấp có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ và việc phân định biển chồng lấn được nêu trong hồ sơ đơn phương khởi kiện (Điều 298).

(2) Hầu hết các quốc gia được yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng thủ tục Trọng tài đều đáp ứng yêu cầu này, tham gia vào việc giải quyết vụ tranh chấp và thực hiện đúng các Phán quyết Trọng tài khi đã có hiệu lực. Duy nhất trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Trung Quốc không tham gia.

(3) So với thời gian giải quyết của Tòa án Quốc tế về Luật Biển thì việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục Trọng tài chiếm thời gian khá dài, trung bình là trên 2 năm/vụ.

(4) Các quốc gia có khuynh hướng lựa chọn các thẩm phán của Tòa án Quốc tế vì Công lý (ICJ) hoặc thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) làm thành viên Tòa Trọng tài (kể cả Chánh tòa).

Việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII hay Phụ lục VIII có một số ưu điểm mà Việt Nam có thể tính đến khi quyết định sử dụng các biện pháp tài phán được quy định trong UNCLOS 1982 như sau:

– Các bên có khả năng tham gia trực tiếp vào việc thành lập Tòa Trọng tài thông qua việc chỉ định các Trọng tài viên.

– Thời gian và thủ tục trong các vụ kiện Trọng tài có thể linh hoạt hơn nếu các bên thực sự có thiện chí, việc thỏa thuận và dàn xếp với Tòa Trọng tài về lịch trình diễn ra các hoạt động tố tụng của quá trình xét xử.

– Tính bảo mật cũng là một đặc trưng riêng của cơ chế Trọng tài so với cơ chế Tòa án vốn luôn chú trọng tính công khai.

– Khi sử dụng cơ chế Trọng tài, các bên đương sự có thể an tâm về khả năng không bị bên thứ ba can thiệp vào quá trình tố tụng ngoài mong muốn của mình như trong cơ chế Tòa án quốc tế.

– Điểm đặc biệt nhất của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII so với 03 cơ chế giải quyết tranh chấp còn lại là theo quy định tại Khoản 5 Điều 287 của UNCLOS 1982 là, Tòa theo Phụ lục VII là cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất bắt buộc đối với các thành viên Công ước.

– Theo quy định này, khi phát sinh tranh chấp liên quan đến áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 mà các bên không lựa chọn cùng một cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại Khoản 1 Điều 287 thì một bên tranh chấp có thể đưa vụ việc ra Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII.

– Và trong trường hợp đó, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII có thẩm quyền đương nhiên mà không cần có sự đồng ý của bên kia.

Có thể thấy, việc giải quyết các tranh chấp thông qua các Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII hay Phụ lục VIII của UNCLOS 1982 được đánh giá là có triển vọng để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay. Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý như sau:

– Nếu so sánh với các Tòa án thường trực, giải quyết tranh chấp bằng thủ tục Trọng tài thường sẽ làm phát sinh chi phí liên quan đến việc thanh toán thù lao cho các Trọng tài viên cũng như việc chi trả các phí dịch vụ của Ban thư ký. Tuy khoản tiền này có thể là không nhiều nhưng là điều cũng cần phải tính đến.

– Vấn đề thực thi phán quyết trọng tài cũng là một rủi ro cần tính đến. Phán quyết của Tòa án quốc tế (ICJ hoặc ITLOS) có thể nhờ Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc can thiệp trong trường hợp một bên tranh chấp không tuân thủ phán quyết.

– Tuy nhiên, trong cơ chế Trọng tài, việc thực thi Phán quyết Trọng tài hoàn toàn dựa trên nguyên tắc “pacta sunt servanda” – nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế, và do đó ẩn chứa nhiều rủi ro hơn.

– Tính hiệu quả của Phán quyết Trọng tài sẽ là vấn đề đặc biệt được quan tâm khi bên bị kiện tỏ thái độ bất hợp tác như có thể thấy trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trước Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982.

Do đó, để có thể sử dụng hình thức Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII hay Phụ lục VIII của UNCLOS 1982, cần nghiên cứu rất kỹ các quy định liên quan về thẩm quyền của Tòa Trọng tài, cách nêu vấn đề để có thể thuyết phục được Tòa chấp nhận thụ lý, chuẩn bị kỹ hệ thống lập luận, bằng chứng để trình bày nội dung thực chất của vụ việc.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn các Trọng tài viên, xây dựng quy tắc thủ tục Trọng tài và trao đổi quan điểm giữa các bên liên quan cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng đối với thành công của vụ kiện.

RELATED ARTICLES

Tin mới