Nga lo ngại đập thủy điện trị giá 1 tỷ USD mà Trung Quốc tài trợ cho Mông Cổ sẽ đe dọa hồ sâu nhất thế giới Baikal.
Hồ Baikal của Nga là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Ảnh: Evergreen.
Hồi tháng 6, điện Kremlin nói rằng dự án xây dựng nhà máy thủy điện Egiin Gol trên con sông Eg ở miền Bắc Mông Cổ có thể đe dọa hồ Baikal cách đó 580 km về phía hạ nguồn. Trung Quốc chưa quyết cấp khoản vay này chừng nào chưa đạt được thỏa thuận với phía Nga – theo một tài liệu của Chính phủ Mông Cổ do hãng tin Bloomberg thu thập được.
Mông Cổ muốn xây đập thủy điện cao 103 mét này để tăng sản lượng điện trong các giai đoạn cao điểm và vào mùa đông, từ đó giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện từ Nga và việc các nhà máy nhiệt điện.Việc nhập khẩu điện từ Nga tiêu tốn của Mông Cổ, quốc gia 2,8 triệu dân, hơn 25 triệu USD mỗi năm.
“Chúng tôi cần phải biết liệu chúng tôi sẽ độc lập trong chuyện này hay chỉ là một con rối của Nga và Trung Quốc”, ông Odkhuu Durzee, giám đốc dự án thủy điện Egiin Gol, nói với Bloomberg.
“Nếu chúng tôi từ bỏ, thì điều đó có nghĩa là phương Tây sẽ mất đi Mông Cổ với tư cách một quốc gia ủng hộ, người dân Mông Cổ sẽ nghĩ rằng chúng tôi không thể làm được điều gì nếu không có sự cho phép của Nga hoặc Trung Quốc”.
Với công suất 315 megawatt, công trình thủy điện Eggin Gol dự kiến nằm trên sông Eg, một trong những dòng chảy lớn nhất đổ vào sông Selegne, và sông Selegne cuối cùng đổ vào hồ Baikal của Nga – hồ nước ngọt lớn nhất thế giới.
Trong một cuộc gặp với Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói dự án thủy điện trên sẽ gây “rủi ro lớn” đối với nguồn cung nước ở vùng Irkutsk của Nga. Ông Putin cũng đề xuất “tăng nguồn cung cấp điện” của Nga cho Mông Cổ.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu các kế hoạch này thật kỹ lưỡng với những người bạn của mình ở Mông Cổ và Trung Quốc”, ông Putin nói trong cuộc gặp.
Chưa bàn đến vấn đề tác động đến môi trường sinh thái, nguồn nước… hay ý định chi phối kinh tế, đập thủy điện Trung Quốc định tài trợ ở Mông Cổ rõ ràng đang gây mâu thuẫn giữa Nga và Mông Cổ, từ đó giúp Bắc Kinh có thể gây sức ép với cả hai quốc gia, buộc các nước phải đánh đổi về kinh tế, thậm chí là chính trị, để đạt được mục đích của mình. Tình huống này đã từng xảy ra với đập thủy điện khác do Trung Quốc xây dựng trên thế giới. Bằng chứng là tranh chấp giữa Etiopia và Kenya khi Trung Quốc đầu tư xây dựng một đập thủy điện ở Etiopia đã ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước cho hồ Turkana, nguồn nước sống chính của Kenya.
Từng trao đổi với Đất Việt về những dự án thủy điện của Trung Quốc, PGS.TS Lưu Ngọc Trịnh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đã chỉ ra rằng: Theo một thống kê, số đập thuỷ điện lớn mà Trung Quốc xây dựng ở trong nước chiếm một nửa số đập thủy điện lớn trên toàn thế giới. Cho tới nay đã có chừng 24-25 đập thuỷ điện lớn đã và đang xây dựng trên toàn thế giới, Trung Quốc đã thắng thầu 19-20 đập.
“Điều đó cho thấy Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực năng lượng, trong đó có thuỷ điện, vốn được coi là một trong những huyết mạch của nền kinh tế. Nắm được thuỷ điện, Trung Quốc sẽ sẽ chi phối được kinh tế một số nước.
Viện trợ của Trung Quốc bao giờ cũng kèm theo điều kiện phải chấp nhận nhân công, kỹ thuật và mua hàng từ Trung Quốc. Các nước không chỉ phải mua hàng của Trung Quốc để xây đập mà còn phải tiếp tục dựa vào Trung Quốc để vận hành, sửa chữa và thiết bị thay thế công trình đi vào hoạt động. Điều đó có nghĩa Trung Quốc lợi cả trước mắt lẫn lâu dài. Họ không chỉ tạo được công ăn việc làm cho lao động nước mình, xuất khẩu được thiết bị thải loại, hạng hai, mà còn mở ra khả năng tiêu thụ rất lớn cho hàng hóa kém chất lượng đang rất dư thừa của “công xưởng” của thế giới.
Đặc biệt, hiện nay, Trung Quốc đang muốn cải tổ cơ cấu kinh tế, nên rất muốn chuyển kỹ thuật, máy móc lạc hậu thải loại, lạc hậu ra nước ngoài nên sẽ đẩy mạnh hướng đầu tư này. Nếu nước nào chấp nhận, Trung Quốc sẽ sẵn sàng thu xếp cho vay vốn với các điều kiện trước mắt khá dễ chịu. Nhưng hãy cẩn thận “trong miếng mồi ngon bao giờ cũng có lưỡi câu sắc”.
Đáng lưu ý, vị chuyên gia cảnh báo, các đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng gây ảnh hưởng lớn về môi trường sinh thái, nông nghiệp, nguồn nước, gây mâu thuẫn và tranh chấp giữa các nước có liên quan.