Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiViện trợ Trung Quốc và cảnh báo cho Campuchia

Viện trợ Trung Quốc và cảnh báo cho Campuchia

Trung Quốc là nguồn đầu tư và viện trợ nước ngoài lớn nhất của Campuchia và có bằng chứng cho thấy khiến quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc.

Bài viết trên trang EAF ngày 9/7

Trang East Asia Forum (AEF) của Australia ngày 9/7 đã có bài viết với nội dung cảnh báo “Campuchia cần thận trọng khi nhận viện trợ của Trung Quốc”.

Theo bài viết, trong một bài phát biểu năm 2006, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ca ngợi Trung Quốc khi nói rằng “Trung Quốc nói ít, làm nhiều”.

Trung Quốc trở thành nguồn đầu tư nước ngoài và là nhà tài trợ lớn nhất của nước Campuchia. Trong giai đoạn 1994-2013, đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia khoảng 10 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, khai thác khoáng sản, các dự án hạ tầng, thủy điện và sản xuất hàng may mặc.

Kể từ năm 1992, Trung Quốc cũng đã cung cấp khoảng 3 tỷ USD vốn vay ưu đãi và viện trợ cho Campuchia.

Chính sách “không can thiệp vào công việc nội bộ” của Trung Quốc có nghĩa nước này đề nghị hỗ trợ mà không kèm điều kiện. Trung Quốc chưa bao giờ đề cập hay chỉ trích các vấn đề tại Campuchia.

Bên cạnh đó, tài trợ của Trung Quốc chủ yếu được chuyển trực tiếp cho chính phủ Campuchia và thường không kèm theo đòi hỏi về báo cáo kết quả phát triển.

Theo đánh giá của trang EAF, cách tiếp cận hiện nay của Trung Quốc đối với sự phát triển của Campuchia sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít rủi ro đối với chính sách phát triển và quan hệ đối ngoại của Campuchia.

Chính phủ Campuchia tuyên bố rằng viện trợ và đầu tư của Trung Quốc là rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của nước này. Những khoản viện trợ không kèm theo điều kiện giúp phát triển nền kinh tế của Campuchia, đồng thời cho phép nước này bảo vệ chủ quyền và theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng trong quan hệ Trung Quốc-Campuchia trong thập kỷ qua đã làm gia tăng lo ngại về vai trò thực tế của Trung Quốc tại Campuchia.

EAF dẫn lập luận cho rằng việc Campuchia quá phụ thuộc vào Trung Quốc đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc định hình chính sách đối ngoại của nước này cũng như các chương trình cải cách hiện tại và tương lai, hệ thống chính trị và quan hệ đối ngoại.

Vien tro Trung Quoc va canh bao cho Campuchia

Quan chức Trung Quốc cùng hàng viện trợ gồm xe tải quân sự cùng hàng nghìn bộ quân phục bàn giao cho Campuchia hồi đầu năm 2014

Theo EAF, trong ngắn hạn, nó sẽ đe dọa đến lương thực, nước uống, vệ sinh môi trường, và thậm chí cả thu nhập của người dân Campuchia. EAF nhận xét rằng Campuchia không dám động chạm tới vấn đề môi trường phát sinh ở chính đất nước mình từ các chính sách của Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua việc Trung Quốc xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong đe dọa phá hủy môi trường sinh thái ở khu vực này, nơi hàng triệu người dân Campuchia phụ thuộc vào nguồn nước để sinh hoạt, tưới tiêu, đánh bắt cá và lấy phù sa.

EAF đánh giá, trong khi các nhà tài trợ khác nhấn mạnh tới yếu tố như “dân chủ” hay “phát triển bền vững” thì Trung Quốc là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho phát triển cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống và các công trình công cộng mà không cần kèm theo bất kỳ điều kiện nào.

Campuchia cần cả mô hình hỗ trợ phát triển từ Trung Quốc và các nhà tài trợ phương Tây để phát triển phù hợp với các mục tiêu phát triển quốc gia. Cả phương Tây và Trung Quốc đều có những lợi ích riêng. 

Trang mạng của Australia khuyên Campuchia phải tiếp tục nhìn thấy giá trị trong việc tham gia các tổ chức khu vực. Lợi ích lâu dài của Campuchia nằm trong việc tham gia các sáng kiến ​​khu vực như ASEAN, và cố gắng hài hòa các mối quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực càng nhiều càng tốt.

RELATED ARTICLES

Tin mới