Ngay trong ngày 12/7 – ngày Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tranh chấp trên Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành bay thử sân bay mới xây dựng phi pháp trên bãi Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo tin của Tân Hoa xã, ngày 12/7, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng một chiếc máy bay của Trung tâm Hiệu chỉnh bay Hàng không Dân dụng Trung Quốc CE-680 lần lượt tiến hành bay hiệu chỉnh thành công đối với sân bay mới được nước này xây dựng phi pháp trên bãi Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa.
Tân Hoa xã rêu rao rằng, các dữ liệu bay hiệu chỉnh lần này cho thấy, hai sân bay mới xây dựng phi pháp trên bãi Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi đã có đủ khả năng bảo đảm an toàn bay cho máy bay chở khách hàng không dân dụng, tạo thuận tiện cho sự đi lại của nhân viên, cứu trợ khẩn cấp, cứu hộ y tế… tại quần đảo Trường Sa.
Cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc ngang nhiên khẳng định, các sân bay trên bãi Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi sẽ được coi là sân bay dự bị mới cho các chuyến bay trên khu vực Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng sân bay phi pháp trên bãi Đá Chữ Thập.
Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo rằng, khi cả 3 sân bay Trung Quốc xây dựng trên bãi Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi ở quần đảo Trường Sa đi vào hoạt động, quân đội nước này sẽ có khả năng vận hành các máy bay lớn hơn, tinh vi hơn rất nhiều so với các nước Đông Nam Á. Nếu xây dựng các nhà chứa máy bay và hạ tầng phụ trợ, Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ trở thành nước duy nhất trong khu vực có thể vận hành máy bay ném bom tầm xa từ các sân bay mà nước này xây dựng trong vùng tranh chấp trên Biển Đông. Điều này tạo ưu thế rất lớn cho Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột, đồng thời tạo tiền đề Bắc Kinh có thể áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), kiểm soát cả bầu trời, mặt nước Biển Đông.
Cũng trong ngày 12/7, Trung Quốc đã phát hành Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về quyền chủ quyền và lãnh hải lãnh thổ của Trung Quốc và lợi ích ở Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông), nhắc lại những luận điệu cũ rích của Bắc Kinh về cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông, rồi cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc đối với các quần đảo Đông Sa, Trung Sa, Tây Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa), Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa) và tuyên nhận vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, dựa trên cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông.
Phản ứng sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines và bác bỏ “quyền lịch sử” và yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, lên án Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Tân Hoa xã – cơ quan thông tấn chính thức của Bắc Kinh đã lập tức đáp trả.
Bản tin trên Tân Hoa xã viết: “Trung Quốc nhiều lần tuyên bố, vụ kiện trọng tài do Chính quyền của cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino đơn phương nêu ra là vi phạm luật pháp quốc tế, Toà trọng tài không có quyền tài phán, Trung Quốc không chấp nhận, cũng không công nhận”.
Cũng trong chiều 12/7, tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã một mực khẳng định, lập trường của Chính phủ Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông do Philippines đơn phương nêu ra là nhất quán và rõ ràng.
Ông Dương nhấn mạnh, bất kể vụ kiện trọng tài có kết quả như thế nào cũng không ảnh hưởng tới cái gọi là “chủ quyền và quyền lợi” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc lớn giọng tuyên bố, quân đội Trung Quốc sẽ kiên dịnh bất di bất dịch bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền lợi biển quốc gia, kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, ứng phó với các mối đe dọa và thách thức.
Đây rõ ràng là những động thái ngang ngược, mang tính thách thức phán quyết của Tòa trọng tài, thách thức luật pháp và công luận quốc tế của Trung Quốc.